Hiển thị các bài đăng có nhãn tin-tuc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tin-tuc. Hiển thị tất cả bài đăng
Tăng trưởng tín dụng năm nay khó cán đích

Tăng trưởng tín dụng năm nay khó cán đích

Tăng trưởng tín dụng năm 2019 được dự báo ở mức 12-13% so với mục tiêu 14% được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm.

Kết quả hoạt động bán niên của các ngân hàng cho thấy đà tăng nhanh về tín dụng. VIB tăng trưởng cho vay trong nửa đầu năm hơn 19%, TPBank tăng 15%, VPBank, SHB hay HDBank cũng tăng tín dụng trên 10%. Tuy nhiên, dự báo của các công ty chứng khoán cho biết tín dụng cả năm có thể vẫn thấp hơn mục tiêu của cơ quan điều hành.

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể chỉ đạt 12-13%. Trong khi đó, báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MB (MBS) dự phóng tín dụng tăng dưới 12,5%, so với mức hơn 13% năm 2018 và kế hoạch tăng 14% được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ đầu năm.

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú

Theo BSC, nguyên nhân mức tăng thấp chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (như bất động sản, thép,...) và dự báo nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc.

Tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm toàn hệ thống ở ngưỡng 7,33%, cũng thấp hơn mức tăng 7,86% cùng kỳ 2018.

Còn theo đánh giá của MBS, lãi suất hiện nay có xu hướng neo ở mức cao, cùng các chính sách quản lý tín dụng thận trọng hơn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể tác động đến tăng trưởng toàn hệ thống. Trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay 6-9%, còn trung và dài hạn ở mức 9-11%.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng nhận định "giảm tốc tín dụng là cần thiết". Hai lý do chính được MBS nhắc đến là tỷ lệ tín dụng trên quy mô nền kinh tế đã lên mức cao tương đương năm 2011, xấp xỉ 130% GDP. Bên cạnh đó, chênh lệch tín dụng trong năm 2018 ở mức an toàn nhưng việc giảm tốc là cần thiết để kiểm soát chất lượng tài sản.

Tín dụng có xu hướng chững lại nhưng theo dự báo của các thành viên thị trường, mặt bằng lãi suất có thể vẫn duy trì như hiện nay hoặc nhích nhẹ vào cuối năm.

Theo dự báo của BSC, dù cung tiền tăng thấp hơn tín dụng trong nửa đầu năm, mặt bằng lãi suất có thể vẫn duy trì ở mức hiện nay. MBS cũng chung nhận định rằng mặt bằng lãi suất hiện nay cao hơn đầu năm 2018 nhưng khó có khả năng biến động mạnh.

Theo ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mặt bằng chung lãi suất từ nay đến cuối năm có thể nhích lên theo yếu tố "mùa vụ" do nhu cầu tín dụng cuối năm thường cao hơn, nhưng xét trong dài hạn, lãi suất vẫn giữ ổn định, thậm chí có thể theo chiều hướng giảm.

VPBank, cùng một số nhà băng cổ phần và quốc doanh mới đây đã thực hiện các chương trình giảm lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên. Đại diện VPBank cho biết, động thái này không hoàn toàn là theo một làn sóng chung mà thực tế, các chương trình này đã được tính toán tới bài toán kinh doanh chung.

"Ngân hàng cổ phần giảm lãi suất phải tính toán nhiều, căn cứ chi phí đầu vào đầu ra, nhiều yếu tố. Riêng với VPBank, xuất nhập khẩu đưa lại nhiều nguồn lợi khác cho ngân hàng, không chỉ riêng vấn đề lãi suất. Việc tham gia các chương trình ưu đãi tín dụng vừa theo chủ trương chung vừa giúp gia tăng tập khách hàng của VPBank", ông Hưng chia sẻ.

Triển vọng trong nửa cuối năm, BSC và MBS cùng chung dự báo lợi nhuận các nhà băng có thể không tăng cao như cùng kỳ, trong đó tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) có thể giảm.

"Chúng tôi cho rằng NIM khó cải thiện trong năm 2019 do áp lực tăng lãi suất, cạnh tranh cho vay bán lẻ, áp lực huy động vốn từ nợ thứ cấp và dự thảo thay Thông tư 36 sau giai đoạn NIM cải thiện mạnh từ năm 2015", báo cáo MBS cho biết.

Còn theo dự báo của BSC, lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2019 sẽ tăng khoảng 12,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức kỳ vọng 14,7% so với dự báo trước đó. Trong đó, NIM toàn ngành có thể giảm nhẹ và các ngân hàng cũng đẩy mạnh xử lý nợ xấu tồn đọng nhằm đáp ứng nhu cầu Basel II.

Minh Sơn

Thị trường mỹ phẩm hút nhà đầu tư mới

Thị trường mỹ phẩm hút nhà đầu tư mới

Người Việt với thu nhập tăng, thích làm đẹp và mua sắm online hơn... Mở ra thị trường mỹ phẩm triển vọng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuần sau, công ty non trẻ của ông Vũ Duy Quang sẽ ra mắt một số nguyên liệu mỹ phẩm nguồn gốc tự nhiên và sản phẩm làm đẹp hữu cơ. Mới bước chân vào ngành, ông Quang nói chọn làm mỹ phẩm hữu cơ vì là xu hướng hiện nay.

"Chúng tôi dùng các nguyên liệu từ dừa và gạo, cũng như tự xây dựng một nông trại theo chuẩn hữu cơ để chủ động nguyên liệu và hạ giá thành. Nguyên liệu mỹ phẩm hữu cơ nước ngoài có nhiều nhà cung cấp nhưng đắt. Thành phần trong nước không sản xuất được thì chúng tôi mới nhập, nhưng cũng là nguyên liệu tạo nền", ông Vũ Duy Quang - Giám đốc Gene World cho hay.

Ông Patrick - Giám đốc tư vấn và sáng tạo Centdegres Việt Nam, một công ty của Pháp về tư vấn xây dựng và thiết kế sản phẩm, nói rằng thị trường chăm sóc sắc đẹp ở Việt Nam rất tiềm năng.

Với thương hiệu nội địa, thị trường chia hai nhóm. Nhóm thương hiệu lâu đời như Thorakao, Lana... Được nhiều người biết đến nhưng chưa làm mới hình ảnh và trẻ hóa thương hiệu. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp trẻ và nhỏ được thành lập gần đây nhưng có phần năng động. Họ có triển vọng nếu tận dụng lợi thế tốt của môi trường trực tuyến.

"Doanh nghiệp mỹ phẩm vừa và nhỏ muốn xây dựng thương hiệu có thể tận dụng lợi thế kênh trực tuyến. Khách hàng muốn mua thì sẽ tìm hiểu nguồn gốc của họ ra sao. Vì vậy, doanh nghiệp nên đầu tư vào xây dựng niềm tin khách hàng hơn là đầu tư các chuỗi bán lẻ trực tiếp", ông Patrick nói.

Một khảo sát thực hiện tại TP HCM và Hà Nội được công bố hồi tháng 6/2019 của Q&Me cho biết, Số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019). Những sản phẩm được dùng phổ biến là son môi, kem nền và phấn má hồng.

Có đến 73% sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần mỗi tuần hoặc thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.

Các chuỗi bán lẻ về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp ở Việt Nam hiểu rõ về độ hấp dẫn của thị trường. Đến Việt Nam vào 2001, Medicare hiện có hơn 85 cửa hàng và không ngừng tìm kiếm thêm nhà cung cấp để làm phong phú quầy hàng. Điều này khá dễ hiểu khi đối thủ Guardian đến sau 10 năm nhưng có hơn 90 cửa hàng. Đầu năm, thị trường chào đón thêm 'đại gia' Watson từ Hong Kong.

"Chúng tôi đang tìm kiếm thêm những thương hiệu mới muốn thâm nhập và tìm đối tác độc quyền tại thị trường Việt Nam.Chúng tôi còn tìm nhà sản xuất gia công nhãn hàng riêng tại đây", ông Bart Verheyen - Gám đốc thương mại Medicare cho biết.

Không chỉ có kênh trực tiếp, thị trường bán lẻ mỹ phẩm thậm chí 'bùng nổ' hơn trên kênh trực tuyến. Cũng trong khảo sát của Q&Me, số người mua sắm mỹ phẩm trực tuyến vẫn đang gia tăng, với 57% số người sử dụng mỹ phẩm đã từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing Haravan dẫn thông tin cho rằng, ở Việt Nam, doanh số mỹ phẩm trên thương mại điện tử chỉ thua ngành hàng thời trang. "Xu hướng thương mại điện tử không chỉ thay đổi trong ngành bán lẻ mà còn ở ngành làm đẹp, đặc biệt là nhóm tiêu dùng trẻ tại TP HCM và Hà Nội", ông Tấn nói.

Không bỏ qua cơ hội, nhiều thương hiệu ngoại cấp tập 'lên sàn' trực tuyến chính thức từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 6, Clinique mở cửa hàng chính hãng trên Lazada sau khi đã có 11 cửa hàng trực tiếp tại TP HCM và Hà Nội. Trước đó 3 tháng, M∙A∙C cũng đã 'lên sàn' trên nền tảng này.

"Chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm hoàn hảo cho M∙A∙C chính thức gia nhập thị trường bán lẻ trực tuyến, nhất là khi tiềm năng tăng trưởng của thị trường này đang ở cấp số nhân và mức thị phần có thể đạt tới 60% tại Việt Nam đối với các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp", bà Abigail Baniqued – Giám đốc nhãn hàng M∙A∙C tại Việt Nam chia sẻ thời điểm đó.

Khách hàng chọn mua mỹ phẩm bên trong cửa hàng của Watson.

Khách hàng chọn mua mỹ phẩm bên trong cửa hàng của Watson.

Theo các chuyên gia, thị trường mỹ phẩm làm đẹp ở Việt Nam chứa nhiều yếu tố hứa hẹn, bao gồm tầng lớp trung lưu tăng trong khi chi tiêu cho mỹ phẩm bình quân đầu người mỗi năm vẫn còn thấp, chỉ 4 USD một người mỗi năm, trong khi Thái Lan là 20 USD, theo Nielsen. Thế hệ tiêu dùng trẻ quan tâm đến nhu cầu trang điểm và chăm sóc da hơn, kể cả nam giới.

Mintel, một công ty nghiên cứu thị trường tại Anh ước tính, thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỷ USD. Theo các doanh nghiệp trong ngành, thị phần lớn của thị trường này thuộc về các thương hiệu của Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ.

Ông CP Saw - Giám đốc chuỗi triển lãm làm đẹp Informa Markets, đơn vị tổ chức Mekong Beauty Show và VietBeauty cuối tuần sau tại TP HCM, cho biết sự kiện năm nay có sự góp mặt đến 30% nhà triển lãm Hàn Quốc. Trong khi đó, nhà triển lãm Việt Nam chiếm 15% trong tổng số 450 đơn vị tham gia.

Viễn Thông

Bamboo Airways đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng trong nửa năm

Bamboo Airways đạt doanh thu gần 1.500 tỷ đồng trong nửa năm

Doanh thu quý II của Bamboo Airways gấp 3 lần quý I và số lỗ đang giảm dần theo từng tháng.

UBND tỉnh Bình Định – nơi Bamboo Airways đăng ký đầu tư và đặt trụ sở vừa cho biết, doanh thu quý II của hãng bay này đạt hơn 1.115 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I (hơn 371 tỷ đồng). Như vậy, sau nửa năm hoạt động, hãng đạt doanh thu khoảng 1.486 tỷ đồng. Tính đến 30/4, Bamboo Airways lỗ khoảng 329 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lỗ này đang giảm dần theo từng tháng.

Cơ quan này giải thích, Bamboo Airways lỗ lớn trong 3 tháng đầu tiên sau khi cất cánh vì có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dịch vụ vận chuyển để thu hút khách hàng; những khoản đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị, đặt cọc thuê mua máy bay.

Cuối tháng 6, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cũng từng nói, tập đoàn vẫn đang phải bù lỗ cho Bamboo Airways và hy vọng hãng có lãi từ đầu năm sau. Ông lý giải rằng, Bamboo Airways vận hành 10 máy bay nhưng phải nuôi bộ máy nhân sự để sẵn sàng phục vụ cho kế hoạch tăng quy mô đội bay lên 30 chiếc.

"Chi phí biến đổi trong 3 tháng đầu hoạt động theo nguyên tắc kế toán sẽ ghi nhận bằng doanh thu, phần còn lại sẽ phân bổ đều trong các tháng còn lại. Điều này chứng minh hoạt động của Bamboo Airways ngày càng hiệu quả, hoàn toàn đủ năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm", UBND tỉnh Bình Định nêu và cho biết, khoản cho vay ngắn hạn của Bamboo Airways tại thời điểm 30/6 là 986,49 tỷ đồng, đã giảm 7% so với thời điểm 30/4 (1.062 tỷ đồng).

Các khoản cho vay này dùng cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC vay, với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo Airways và Tập đoàn FLC. Ngay khi Bamboo Airways cần sử dụng đến nguồn tiền này, việc thu hồi sẽ tương đối đơn giản, với sự hỗ trợ và đảm bảo của FLC.

Trước đó, trong văn bản góp ý về đề nghị điều chỉnh dự án của Bamboo Airways với quy mô đội bay lên gấp 3 lần và tăng vốn lên 8.300 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho rằng, hãng chưa có thuyết minh tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền. Cơ quan này nhận định, doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh, chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả khi trích dẫn số liệu Bamboo Airways lỗ 329 tỷ tính đến 30/4.

Bộ Tài chính cũng đánh giá hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ. Do đó, nếu FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay... Thì cần báo cáo làm rõ, giải trình năng lực, khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan...

Hôm nay, Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép nâng đội bay lên 30 chiếc vào năm 2023, gồm các loại máy bay thân hẹp A319/A320/A321 và thân rộng A330/A350 hoặc Boeing B787.

Tuy nhiên, Chính phủ không phê duyệt nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8.300 tỷ đồng như hồ sơ đề nghị trước đó của Bamboo Airways. Con số này được điều chỉnh xuống còn 5.700 tỷ đồng, trong đó vốn góp 1.300 tỷ đồng (là vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%), vốn huy động 2.450 tỷ đồng, vốn khác 1.950 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu vốn của Bamboo Airways phải được huy động theo thực tế tiến độ tăng số lượng tàu bay và kết quả hoạt động kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu hãng bay chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ điều chỉnh và hiệu quả đầu tư dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm huy động vốn, đảm bảo góp đủ số đã đăng ký theo tiến độ, tính khả thi theo đúng quy định pháp luật.

Anh Tú

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng chậm nhất 17 năm

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng chậm nhất 17 năm

Theo Cơ quan Thống kê Trung Quốc, sản lượng công nghiệp tháng 7 tại đây chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ này chậm hơn dự báo của giới phân tích, và cũng là thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhì thế giới đi xuống, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Đầu tư vào tài sản cố định trong 7 tháng đầu năm tăng 5,7%, thấp hơn dự báo. Doanh số bán lẻ tháng 7 cũng tăng chậm lại, chỉ còn 7,6% so với năm ngoái. "Số liệu tháng 7 rất đáng lo ngại", Katrina Ell - nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics nhận xét, "Đây là hậu quả của sự yếu đi cả về cung và cầu".

Công nhân trong một nhà máy may ở An Huy (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Công nhân trong một nhà máy may ở An Huy (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua thông báo hoãn tăng thuế với một số hàng hóa Trung Quốc từ 1/9 sang 15/12 giúp thị trường lạc quan phần nào. Dù vậy, động thái này không khiến các hãng xuất khẩu bớt lo ngại về cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm qua. Đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ sớm được giải quyết.

"Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và đang giảm tốc", Gene Ma - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết, "Trung Quốc cần nhiều chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng hơn. Chúng tôi cho rằng họ sẽ giảm lãi suất trong mùa thu này".

Đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn dựa vào giảm thuế để thúc đẩy tiêu dùng và kích thích tiền tệ để thúc đẩy ngân hàng cho vay doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế. Các nhà kinh tế học đã kêu gọi Trung Quốc mạnh tay hơn, dù khối nợ trong nước đang tăng và rủi ro bất ổn tài chính vẫn còn.

Hà Thu (theo Reuters)

Phó thủ tướng yêu cầu thanh tra vụ đất nhà máy thành khu đô thị

Phó thủ tướng yêu cầu thanh tra vụ đất nhà máy thành khu đô thị

Khu đất đang triển khai dự án Thái Hưng Eco City tại Thái Nguyên sẽ bị thanh tra quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xử lý những phản ánh, kiến nghị liên quan đến dự án Thái Hưng Eco City (tỉnh Thái Nguyên). Trước đó, hồi đầu năm, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên làm rõ việc thu hồi đất của dự án này, song báo cáo này hiện chưa được công bố.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ được giao bổ sung nội dung thanh tra, xử lý các phản ánh, kiến nghị về việc thu hồi đất của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng thuê. Theo thông tin phản ánh ban đầu, mục đích thuê là xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây Dự án khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Giang Sàng (Thái Hưng Eco City).

Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng kết quả trong quý IV/2019.

Dự án Thái Hưng Eco City được Công ty Thái Hưng quảng cáo có số vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Trên diện tích đất hơn 35 ha, chủ đầu tư triển khai các hạng mục khu nhà phố thương mại (shophouse), nhà liền kề, nhà ở biệt thự, nhà ở xã hội, khu trường học, khu dịch vụ thương mại.

Công ty Luyện cán thép Gia Sàng trực thuộc Tổng công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong khi đó, Thái Hưng hiện là cổ đông lớn, nắm giữ 20% cổ phần TISCO. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng từng nằm trong Hội đồng quản trị TISCO. Sau khi ông này từ nhiệm vào tháng 4 vừa qua, Thái Hưng tiếp tục cử những nhân sự khác tham gia vào HĐQT và Ban Kiểm soát TISCO.

Nguyễn Hà

Giải ngân vốn vay ODA vẫn tắc

Giải ngân vốn vay ODA vẫn tắc

Giải ngân vốn vay ODA, vốn ưu đãi cấp phát từ trung ương 5 tháng đầu năm mới đạt 7% kế hoạch giao, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực tài chính - ngân sách, Chính phủ cho biết, quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 ở mức 50% GDP, giảm 2,7% so với năm 2016 và 1,7% so với 2017. Trong số này, nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước 62,4%.

Tỷ lệ và quy mô danh mục nợ Chính phủ giảm, song Chính phủ thừa nhận, việc giải ngân các dự án vay vốn nước ngoài lại quá thấp so với kế hoạch giao. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ. Ngoài ra, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, chi phí. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong trả nợ.

Năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65% kế hoạch Quốc hội giao. Còn 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch giao).

Nhiều nguyên nhân được Chính phủ đưa ra để lý giải cho thực trạng này, như chính sách thiếu đồng bộ, cơ chế quản lý, phân bổ vốn chưa rõ ràng, hay quy định về giải ngân song song vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn nước ngoài địa phương vay lại theo cơ chế tài chính trong nước...

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Nhưng mối lo khác trong sử dụng, giải ngân vốn ODA được Ủy ban Tài chính ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra, là sự lệ thuộc vào đối tác cho vay trong quá trình đàm phán hiệp định vay vốn.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, số dự án sử dụng vốn vay ODA vẫn bị động trong đàm phán hiệp định vay và các điều kiện vay với đối tác. Thực tế này dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế khi số dự án dạng này kéo dài, đội vốn lớn. Điểu hình là dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông và việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP HCM.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh, Chính phủ cần có phương án xử lý để giải quyết với những dự án cụ thể và rút kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chí, điều kiện vay và tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Trước đó, Báo cáo gửi Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu chi tiết thực trạng đầu tư, xây dựng cơ bản các dự án giao thông, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Cả 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đều chậm tiến độ, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Số liệu cập nhật tới cuối tháng 3, lượng vốn tăng thêm của các dự án này gần 81.050 tỷ đồng (hơn 3,45 tỷ USD). Con số này giảm trên 3.760 tỷ đồng so với dữ liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại một báo cáo về quản lý, sử dụng vốn ODA hồi tháng 8/2018.

Hai dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương có số vốn đội nhiều nhất, hơn 51.710 tỷ đồng. Trong khi đó, 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, gồm Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi có số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu, lần lượt là 14.052 tỷ, 9.232 tỷ và 5.602 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay ODA nên phụ thuộc vào hiệp định vay đã được ký kết với nhà tài trợ, theo đó thì tổng thầu do Trung Quốc chỉ định chứ không phải thi tuyển. Hiện dự án này vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Giải Trí

Ngôi Sao