Giải ngân vốn vay ODA vẫn tắc

Giải ngân vốn vay ODA, vốn ưu đãi cấp phát từ trung ương 5 tháng đầu năm mới đạt 7% kế hoạch giao, khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực tài chính - ngân sách, Chính phủ cho biết, quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 ở mức 50% GDP, giảm 2,7% so với năm 2016 và 1,7% so với 2017. Trong số này, nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước 62,4%.

Tỷ lệ và quy mô danh mục nợ Chính phủ giảm, song Chính phủ thừa nhận, việc giải ngân các dự án vay vốn nước ngoài lại quá thấp so với kế hoạch giao. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ. Ngoài ra, chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, chi phí. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong trả nợ.

Năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 53,65% kế hoạch Quốc hội giao. Còn 5 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới giải ngân được gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 7% (trên tổng số hơn 28.000 tỷ đồng kế hoạch giao).

Nhiều nguyên nhân được Chính phủ đưa ra để lý giải cho thực trạng này, như chính sách thiếu đồng bộ, cơ chế quản lý, phân bổ vốn chưa rõ ràng, hay quy định về giải ngân song song vốn ngân sách trung ương cấp phát và vốn nước ngoài địa phương vay lại theo cơ chế tài chính trong nước...

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Ngọc Thành

Nhưng mối lo khác trong sử dụng, giải ngân vốn ODA được Ủy ban Tài chính ngân sách nêu trong báo cáo thẩm tra, là sự lệ thuộc vào đối tác cho vay trong quá trình đàm phán hiệp định vay vốn.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, số dự án sử dụng vốn vay ODA vẫn bị động trong đàm phán hiệp định vay và các điều kiện vay với đối tác. Thực tế này dẫn tới hệ lụy cho nền kinh tế khi số dự án dạng này kéo dài, đội vốn lớn. Điểu hình là dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông và việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP HCM.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh, Chính phủ cần có phương án xử lý để giải quyết với những dự án cụ thể và rút kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chí, điều kiện vay và tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Trước đó, Báo cáo gửi Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu chi tiết thực trạng đầu tư, xây dựng cơ bản các dự án giao thông, điển hình là các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Cả 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM đều chậm tiến độ, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Số liệu cập nhật tới cuối tháng 3, lượng vốn tăng thêm của các dự án này gần 81.050 tỷ đồng (hơn 3,45 tỷ USD). Con số này giảm trên 3.760 tỷ đồng so với dữ liệu được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại một báo cáo về quản lý, sử dụng vốn ODA hồi tháng 8/2018.

Hai dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương có số vốn đội nhiều nhất, hơn 51.710 tỷ đồng. Trong khi đó, 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, gồm Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi có số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu, lần lượt là 14.052 tỷ, 9.232 tỷ và 5.602 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay ODA nên phụ thuộc vào hiệp định vay đã được ký kết với nhà tài trợ, theo đó thì tổng thầu do Trung Quốc chỉ định chứ không phải thi tuyển. Hiện dự án này vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.


EmoticonEmoticon