Doanh thu quý II của Bamboo Airways gấp 3 lần quý I và số lỗ đang giảm dần theo từng tháng.
UBND tỉnh Bình Định – nơi Bamboo Airways đăng ký đầu tư và đặt trụ sở vừa cho biết, doanh thu quý II của hãng bay này đạt hơn 1.115 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I (hơn 371 tỷ đồng). Như vậy, sau nửa năm hoạt động, hãng đạt doanh thu khoảng 1.486 tỷ đồng. Tính đến 30/4, Bamboo Airways lỗ khoảng 329 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lỗ này đang giảm dần theo từng tháng.
Cơ quan này giải thích, Bamboo Airways lỗ lớn trong 3 tháng đầu tiên sau khi cất cánh vì có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dịch vụ vận chuyển để thu hút khách hàng; những khoản đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị, đặt cọc thuê mua máy bay.
Cuối tháng 6, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cũng từng nói, tập đoàn vẫn đang phải bù lỗ cho Bamboo Airways và hy vọng hãng có lãi từ đầu năm sau. Ông lý giải rằng, Bamboo Airways vận hành 10 máy bay nhưng phải nuôi bộ máy nhân sự để sẵn sàng phục vụ cho kế hoạch tăng quy mô đội bay lên 30 chiếc.
"Chi phí biến đổi trong 3 tháng đầu hoạt động theo nguyên tắc kế toán sẽ ghi nhận bằng doanh thu, phần còn lại sẽ phân bổ đều trong các tháng còn lại. Điều này chứng minh hoạt động của Bamboo Airways ngày càng hiệu quả, hoàn toàn đủ năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm", UBND tỉnh Bình Định nêu và cho biết, khoản cho vay ngắn hạn của Bamboo Airways tại thời điểm 30/6 là 986,49 tỷ đồng, đã giảm 7% so với thời điểm 30/4 (1.062 tỷ đồng).
Các khoản cho vay này dùng cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC vay, với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo Airways và Tập đoàn FLC. Ngay khi Bamboo Airways cần sử dụng đến nguồn tiền này, việc thu hồi sẽ tương đối đơn giản, với sự hỗ trợ và đảm bảo của FLC.
Trước đó, trong văn bản góp ý về đề nghị điều chỉnh dự án của Bamboo Airways với quy mô đội bay lên gấp 3 lần và tăng vốn lên 8.300 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho rằng, hãng chưa có thuyết minh tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền. Cơ quan này nhận định, doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh, chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả khi trích dẫn số liệu Bamboo Airways lỗ 329 tỷ tính đến 30/4.
Bộ Tài chính cũng đánh giá hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ. Do đó, nếu FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay... Thì cần báo cáo làm rõ, giải trình năng lực, khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan...
Hôm nay, Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép nâng đội bay lên 30 chiếc vào năm 2023, gồm các loại máy bay thân hẹp A319/A320/A321 và thân rộng A330/A350 hoặc Boeing B787.
Tuy nhiên, Chính phủ không phê duyệt nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8.300 tỷ đồng như hồ sơ đề nghị trước đó của Bamboo Airways. Con số này được điều chỉnh xuống còn 5.700 tỷ đồng, trong đó vốn góp 1.300 tỷ đồng (là vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%), vốn huy động 2.450 tỷ đồng, vốn khác 1.950 tỷ đồng. Chính phủ yêu cầu vốn của Bamboo Airways phải được huy động theo thực tế tiến độ tăng số lượng tàu bay và kết quả hoạt động kinh doanh.
Chính phủ cũng yêu cầu hãng bay chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ điều chỉnh và hiệu quả đầu tư dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm huy động vốn, đảm bảo góp đủ số đã đăng ký theo tiến độ, tính khả thi theo đúng quy định pháp luật.
Anh Tú
EmoticonEmoticon