Vừa qua, nhiều tài xế công nghệ kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xem xét lại ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 100 triệu đồng/năm (được áp dụng từ năm 2015 đến nay chưa điều chỉnh).

Hầu hết tài xế cho rằng, cần nâng mức chịu thuế này lên khoảng 150 triệu đồng/năm. “Nếu áp dụng ngưỡng 100 triệu hiện nay, tức 8,3 triệu đồng/tháng đã phải đóng thuế thực sự không công bằng với các tài xế, nhất là những người sống ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp”, anh Nguyễn Thái Hòa (35 tuổi, một tài xế Grab ở Hà Nội) bày tỏ.

Theo văn bản hướng dẫn từ năm 2016, 2017 của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với các doanh nghiệp công nghệ, cá nhân kinh doanh vận tải ký hợp đồng hợp tác với công ty, hoặc tổ chức kinh doanh vận tải phải có nghĩa vụ nộp thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) và thuế TNCN theo tỉ lệ % trên doanh thu.

Trong đó, tỉ lệ % tính thuế VAT trên doanh thu chịu thuế VAT là 3% và tỉ lệ tính thuế TNCN trên doanh thu chịu thuế TNCN là 1,5%. Đối với các khoản tiền thưởng khuyến khích theo doanh thu thì tỉ lệ 1% trên tiền thưởng. Với khoản tiền thưởng chất lượng phục vụ theo đánh giá sao thì tính thuế TNCN, với 10% trên tiền thưởng từ 2 triệu đồng/lần trở lên.

Các tài xế công nghệ cho rằng, việc đóng 4,5% cho toàn bộ 80% doanh thu (20% thuộc về Grab) là chưa phù hợp. Họ đề nghị được giảm tỉ lệ thuế phải đóng hoặc nâng mức doanh thu bắt đầu tính thuế lên vì thông thường tài xế mất khoảng 15% chi phí xăng dầu, khấu hao xe cộ. Do vậy, thu nhập thực của tài xế chỉ chiếm khoảng 65% số tiền mà họ thu được hằng ngày.

Tại Việt Nam ứng dụng gọi xe đông đảo nhất hiện nay là Grab. Theo thống kê, đến tháng 5/2019, mạng lưới tài xế của Grab lên đến 190.000 tài xế. Tính đến tháng 5/2019, Grab đã đóng tổng cộng hơn 947 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong 5 năm qua.

Riêng tại TP.HCM có khoảng vài nghìn tài xế đang nằm trong ngưỡng chịu đóng thuế TNCN, nghĩa là có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với các chi phí đắt đỏ ở TP.HCM, các tài xế đều đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để cơ quan chức năng nâng ngưỡng chịu thuế này lên.

Bình luận về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho rằng, việc quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng thuộc diện chịu thuế VAT, TNCN đã được nêu tại Luật thuế VAT, Luật thuế TNCN.

Do đó, việc tăng doanh thu tính thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi sửa 2 luật trên. Đến thời điểm này chưa có cơ sở pháp lý để nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT và TNCN với riêng ngành nghề kinh doanh hoạt động vận tải.

Về đề nghị nên áp dụng thu nhập của các tài xế công nghệ theo thu nhập từ tiền công, tiền lương, Tổng cục Thuế cho rằng các tài xế không ký hợp đồng lao động, không nhận tiền lương, tiền công từ doanh nghiệp vận tải nên không thuộc diện nộp thuế TNCN từ tiền công, tiền lương.

Trước phản ảnh cách khấu trừ và nộp thuế khác nhau giữa các hãng Grab, Be, Go Viet, Tổng cục Thuế cho biết sẽ chỉ đạo các cục thuế hướng dẫn các công ty vận tải có hợp tác với cá nhân kinh doanh thực hiện thuế đúng quy định. Bởi chính sách và quản lý thuế hiện hành áp dụng thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp hợp tác với tài xế công nghệ.