Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058 của Thủ tướng về phê duyệt đề án tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 15/10.
Theo NHNN, sau 2 năm triển khai nghị quyết, luỹ kế toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống đạt 11,9%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 16,9%. Vốn điều lệ của TCTD được củng cố, tăng dần qua các năm. Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 592.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2018. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu giúp chất lượng tín dụng được cải thiện và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD duy trì dưới 2%.
Theo Phó Thống Đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, trên cơ sở Nghị quyết 42, Quyết định 1058, Quyết định 986 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng, đến nay, hầu hết các phương án cơ cấu lại của từng TCTD đã được NHNN phê duyệt.
Kết quả cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; Năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện; Chất lượng tín dụng được nâng cao cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định 1058.
“Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.
Đại diện NHNN cho biết đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói chung và công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu nói riêng. NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan rà soát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời, NHNN đã hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối; quy định liên quan đến đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.
EmoticonEmoticon