Robot Sophia được chế tạo thế nào?


Ra đời từ một phòng thí nghiệm ở Hong Kong, Sophia có làn da và biểu cảm gương mặt gần giống con người, trò chuyện bằng trí tuệ nhân tạo.






David Hanson từ Texas (Mỹ) đã cùng với các cộng sự của mình tại công ty Hanson Robotics ở Hồng Kông phát triển Sophia - robot có ý thức, sáng tạo và có thể trở thành một cá thể trong xã hội. "Cha đẻ" của Sophia từng làm điêu khắc cho Disney, hi vọng "đứa con" của mình sẽ lấy được lòng tin và gần gũi với con người.



Hanson muốn robot của mình thật giống con người để xóa nhòa khoảng cách giữa máy móc và một thực thế sống. Bởi vậy, ông tập trung thiết kế để tạo ra những nét tự nhiên về ngoại hình cho Sophia.



Robot sử dụng vật liệu có tên "frubber", một dạng silicon cao cấp, mô phỏng gần với da con người. Nó được xây dựng dựa trên công nghệ nano, có tính chất đàn hồi và co dãn như thịt.



Gương mặt của Sophia được tích hợp hàng loạt motor, cho phép robot này biểu cảm hàng chục kiểu khác nhau khi giao tiếp với con người. Đôi mắt tích hợp camera, có khả năng nháy mắt và trở thành một phần ngôn ngữ cơ thể của robot này.



Ben Goertzel, trưởng bộ phận khoa học của Hanson Robotics cho biết: "Từ quan điểm phần mềm, có thể nói Sophia là một nền tảng. Giống như một chiếc laptop là nền tảng cho thứ gì đó. Bạn có thể chạy nhiều chương trình phần mềm khác nhau trên cùng một robot".



Hanson cũng nói rằng các nhà phát triển AI phải suy nghĩ như những bậc cha mẹ và coi việc phát triển đứa con tinh thần của mình "như một đứa trẻ ngoan". Tuy nhiên, về trí thông minh nhân tạo, trên thực tế Sophia vẫn chưa đạt được mức độ này và công ty sẽ liên tục phát triển cho robot.



Ngày 25/10/2017, Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân và trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao chứng nhận này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng động thái này của chính quyền Saudi Arabia là nhằm quảng cáo về một quốc gia đổi mới, với các cam kết phát triển du lịch và công nghệ trong thời kỳ "hậu dầu mỏ" tới đây.

Bảo Anh

Bizlive


EmoticonEmoticon