Có nước, tức là có sự sống. Europa - một trong bốn mặt trăng của sao Mộc - đang trở thành ứng cử viên mới nhất có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống trong hệ Mặt trời.
Như đã đưa tin, NASA đã tổ chức cuộc họp báo công bố về một phát hiện quan trọng trên Europa - một trong 4 mặt trăng của sao Mộc. Trước đó, nhiều người đã cho rằng cuộc họp báo có khả năng sẽ bao gồm thông tin về người ngoài hành tinh trên đó.
Rất tiếc, không có người ngoài hành tinh nào cả. Nhưng bù lại, tiềm năng có sự sống trên Europa là rất lớn, vì kính thiên văn Hubble mới đây đã chộp được hình ảnh trông như cột nước cao tới hơn 200.000m trên bề mặt của vệ tinh sao Mộc này.
Điều đó cho thấy rằng, bên dưới bề mặt của Europa là một đại dương ngầm khổng lồ, và lượng nước này đã theo các ven địa nhiệt vọt thẳng lên không trung.
Mô phỏng cột nước trên bề mặt Europa.
Theo Paul Hertz, giám đốc bộ phận Vật lý Thiên văn tại NASA cho biết: "Trong một thời gian dài, nhân loại đã đau đầu tự hỏi liệu sự sống có tồn tại ở đâu đó? Và chúng ta thật may mắn khi sinh ra trong thời đại có thể trả lời được câu hỏi đó. Sự thật là sự sống giống Trái đất có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, miễn nơi đó có nước và dưỡng chất".
"Vậy nên, chúng ta luôn có hứng thú với những nơi nào đầy đủ đặc điểm như thế. Và có vẻ như Europa chính là nơi đó. Thành quả hôm nay khiến chúng tôi thêm tự tin rằng nước dạng lỏng có thể xuất hiện trên bề mặt của Europa, và chúng ta có thể nghiên cứu nó mà không phải đào xuống lớp băng sâu hàng km trên đó".
Vẫn cần phải quan sát thêm, nhưng nếu hình ảnh này được xác thực, Europa sẽ là Mặt trăng thứ 2 trong hệ Mặt trời có hiện tượng... phun nước từng được phát hiện ra. Trước đó, tàu vũ trụ Cassini đã chộp được cảnh nước vọt lên trên bề mặt của Enceladus - mặt trăng của sao Thổ.
Theo Geoff Yoder - Quản trị định hướng nhiệm vụ khoa học của NASA: "Đại dương trên Europa là một trong những điểm nóng có tiềm năng xuất hiện sự sống trong hệ Mặt trời của chúng ta. Những hơi nước này, nếu có thật, sẽ cung cấp cho chúng ta rất nhiều lựa chọn để kiểm chứng khả năng duy trì sự sống tại đây".
Trước đó, các chuyên gia đã nghi ngờ rằng bên dưới bề mặt Europa có một đại dương khổng lồ, với lượng nước thậm chí gấp đôi so với các đại dương trên Trái đất. Có điều, lượng nước này được bảo vệ bởi một lớp băng siêu dày, siêu cứng, và siêu lạnh.
Đại dương trên Europa được ẩn giấu dưới một lớp băng siêu dày, siêu cứng, siêu lạnh.
Các dữ liệu từ Hubble về Europa đã được thu thập từ tháng 1/2014, dựa trên các dữ liệu từ 2 nhiệm vụ du hành Galileo và Voyager. Kết quả, NASA thu được hình ảnh nghi là cột nước, phun cao tới 200km, sau đó đổ xuống bề mặt cả Europa,
Đội nghiên cứu do William Sparks từ Viện khoa học quan sát thiên văn (Baltimore) đã theo dõi Europa mỗi khi nó đi ngang qua sao Mộc. Họ nhận ra rằng nếu như thực sự có hơi nước trên Europa, nó có khả năng chặn ánh sáng của sao Mộc, và chúng ta sẽ thấy ngôi sao này có những khoảng tối nhất định.
Cuộc theo dõi kéo dài 15 tháng, và thành quả thì như đã được công bố, có dấu hiệu của hơi nước trên bề mặt của Europa, qua đó biến Europa thành ứng cử viên mới nhất có tiềm năng duy trì sự sống trong Thái dương hệ.
Sao Mộc là hành tinh thứ năm tính từ Mặt trời, đồng thời cũng là hành tinh lớn nhất của Thái dương hệ. Đây là một hành tinh khí khổng lồ - tức là không có bề mặt rắn, với khối lượng bằng 2,5 lần tổng khối lượng của tất cả các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời cộng lại.
Mộc tinh có rất nhiều mặt trăng - vệ tinh tự nhiên xoay quanh, trong đó có 4 mặt trăng lớn là Io, Europa, Ganymede và Callisto. Mặt trăng Europa cách Trái đất khoảng 588 triệu km (sai số 670,900 km). Con số này gấp khoảng 1500 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng của chúng ta, và để di chuyển lên đây, con người sẽ cần đến một chuyến đi kéo dài 13 - 14 tháng.
EmoticonEmoticon