Chỉ cần thực hiện một phương pháp ai cũng biết, số lượng người chết vì ung thư sẽ giảm đi một nửa mà không cần đến các phương pháp điều trị cực kỳ tốn kém hiện nay.
Có người từng nói rằng đây là thời đại của ung thư. Dù có vẻ tiêu cực, nhưng dường như câu nói này cũng có ý đúng, khi chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng các ca mắc ung thư trên toàn thế giới.
Và trong bối cảnh phải tốn $10.000/tháng (khoảng 220 triệu VND) chỉ để kéo dài sự sống thêm một thời gian ngắn, việc đưa ra một ý tưởng điều trị mới có khả năng giảm mức độ nguy hại của ung thư xuống còn 1/2 quả là một tin đáng mừng đối với nhân loại.
Nhưng không hẳn! Trong nghiên cứu mới thực hiện của ĐH Harvard, các chuyên gia đúng là đã xác nhận được cách giúp cho tỉ lệ người chết vì ung thư giảm xuống chỉ còn một nửa. Có điều, đó là thứ nhân loại đã và đang tuyên truyền trong hàng thập kỷ nay: không hút thuốc, uống ít rượu bia, tập thể dục thể thao, giữ cho cơ thể cân đối, khỏe mạnh.
Duy trì một lối sống khỏe mạnh là bí quyết giảm tỉ lệ mắc ung thư xuống còn một nửa
Theo như ước tính, nếu thực hiện đúng như vậy, số phận của hơn một nửa số người chết vì ung thư hiện nay có thể đã thay đổi, đồng thời giảm số ca mắc ung thư từ 40% - 60%.
Nghe cũng thật là nghịch lý. Cuộc chiến chống lại ung thư đã được con người khởi xướng từ rất lâu, hao tổn quá nhiều tiền của, nhằm cho ra đời những loại thuốc đặc trị. Thế nhưng sau tất cả, chỉ cần thực hiện những phương pháp rất đơn giản mà khoa học vốn đã biết từ lâu.
Theo Siobhan Sutcliffe - phó giáo sư tại ĐH Washington St. Louis: "Chúng ta đã từng thấy sự sụt giảm khá rõ về tỉ lệ tử vong do ung thư - đặc biệt là ung thư phổi - do nỗ lực giúp người dân cai thuốc lá. Phát hiện lần này là mới, nhưng thực chất nó đến từ những kiến thức chúng ta vốn đã biết từ lâu".
Nhằm đánh giá sự ảnh hưởng từ lối sống đến ung thư, 2 nhà nghiên cứu tại bệnh viện Đa khoa Massachusetts và ĐH Harvard đã thực hiện khảo sát và sử dụng số liệu của những nghiên cứu trên hàng chục ngàn người. Các ứng viên sẽ được chia ra 2 nhóm: nhóm lành mạnh - không hút thuốc, uống ít rượu, cơ thể cân đối, chăm tập luyện; và nhóm "buông thả" với các tiêu chí ngược lại.
Sau khi so sánh các trường hợp ung thư và tỉ lệ chết vì ung thư của 2 nhóm, các nhà khoa học nhận thấy lối sống thực sự có ảnh hưởng đến một số loại ung thư. Trong đó, ung thư phổi có ảnh hưởng lớn nhất. Tỉ lệ ảnh hưởng của ung thư ruột, ung thư tuyến tuỵ, ung thư thận cũng không hề nhỏ.
Cuối cùng sau khi áp dụng nghiên cứu lên toàn nước Mỹ, kết quả cho thấy đối với phụ nữ, 41% số ca ung thư và 59% trường hợp chết vì ung thư có thể được ngăn chặn. Ở nam, con số lần lượt là 63% và 67%.
Phát hiện này tương đối gây shock, khi trước kia các nhà khoa học dù biết một lối sống lành mạnh là rất có lợi, nhưng hầu hết đều đánh giá thấp hiệu quả của nó. Trong khi đó, cuộc chiến chống ung thư thường tập trung giải quyết giai đoạn cuối của bệnh, hoặc tìm cách ngăn chặn ung thư triệt để - thứ gần như bất khả thi để thực hiện.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Oncology.
EmoticonEmoticon