Bạn chán nản khi không hoàn thành được những mục tiêu đề ra? Chán vì thua sút so với người đồng trang lứa? Ngưng dằn vặt đi, vì sự thật là chúng không đáng để bạn phải suy nghĩ quá nhiều như vậy.
Cuộc sống muôn màu nên chắc chắn nó không chỉ có màu hồng. Sẽ có lúc bạn có cảm giác mình là người thật bất tài, vô dụng, không làm nổi điều gì cả.
Tuy vậy, thay vì cứ đắm chìm trong việc tự trách bản thân thì bạn cần biết rõ điều tồi tệ đến từ đâu và vì sao lại như vậy. Những sự thật khoa học dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về một số khuyết điểm, từ đó có thể khắc phục và tìm thấy niềm vui cho chính mình.
1. Bệnh làm biếng kinh niên mỗi khi về nhà
Nhiều lúc ở nhà bạn hay bị ba mẹ la rầy vì tính ỷ lại như không chịu tự dọn giường, hay đến bữa chẳng chịu mò xuống ăn, mà phải đợi gọi tận mồm mới chịu thò mặt ra. Cảnh này quen đúng không?
Sự thực là không chỉ bạn, mà nhiều người trong chúng ta ai cũng đôi lần mắc phải. Tuy vậy, khoa học đã giúp bạn có một lý do hoàn toàn tuyệt vời để biện minh cho chuyện này.
Theo lý thuyết của chuyên gia tâm thần Murray Bowen, chúng ta luôn có xu hướng quay lại cách hành xử từng có ở tuổi thơ. Vì vậy, nếu khi còn nhỏ, mẹ luôn là người nấu cơm, còn ba luôn là người chở bạn đến trường thì trong tiềm thức bạn luôn mong đợi có lại những điều đó mỗi khi về nhà.
Do đó, cũng khá khó khăn để chống lại "đứa trẻ" bên trong. Đừng quá tự trách nếu thỉnh thoảng bạn mắc phải tật xấu này.
2. Luôn lo sợ trước khi làm việc gì đó
Hãy tưởng tượng bạn đột nhiên nhận cuộc gọi từ sếp, thông báo cần gặp mặt gấp sau 1 tiếng nữa. Khi đó, có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng về việc phải chăng đã làm gì sai sót, năng lực bản thân kém, và nghĩ tới tình huống xấu nhất bị sa thải.
Tuy nhiên, sau tất cả, cuộc gặp lại chẳng có gì nghiêm trọng và không hề liên quan tới những thứ bạn lo lắng. Vậy rốt cục, lo lắng, tự ngược đãi mình để làm cái gì cơ chứ?
Sự thực là chúng ta đều có xu hướng phản ứng thái quá trước những sự kiện trong tương lai. Cụ thể hơn, một nghiên cứu từ Mỹ được tiến hành trên 52 người, trong đó yêu cầu họ tưởng tượng tham gia vào một tình huống gây cảm giác tội lỗi và xấu hổ.
Kết quả cho thấy người chỉ tưởng tượng cho cảm giác "kinh khủng" hơn rất nhiều so với những người thực sự đã trải qua tình huống đó.
Vậy bài học ở đây là gì? Đó là đừng lo lắng nữa, vì mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
3. Lo sợ, chán nản khi ước mơ, mục tiêu không hoàn thành được
Lại thêm một câu chuyện quen nữa này: đầu năm mới, bạn hừng hực quyết tâm và đặt ra rất nhiều mục tiêu: đạt 10 phẩy môn toán, giảm 10kg trong 2 tháng để lấy lại thân hình mi nhon, tập gym để có thân hình đẹp... Để rồi sau đó, mục tiêu không thể thực hiện, còn bạn thì... vỡ mộng.
Thực chất thì đó cũng là điều hoàn toàn tự nhiên. Có điều, sự hụt hẫng của mỗi người là khác nhau.
Trong cuốn sách Generation Me, Jean Twenge - Giáo sư tâm lý từ ĐH bang San Diego (Mỹ) giải thích rằng những người đặt ra cho bản thân những mục tiêu cao sẽ thấy hụt hẫng hơn nhiều so với người khác nếu họ không đạt được chúng.
Tương tự, một bài báo đăng trên tạp chí Social Psychological and Personality Science cho rằng "Với những kỳ vọng quá cao thì việc tuổi trưởng thành cảm thấy đau khổ là kết quả khó tránh".
Bạn biết không, Đan Mạch luôn nằm trong những quốc gia hạnh phúc nhất, và một trong những nhân tố quan trọng làm nên điều này là vì họ có những kỳ vọng rất thấp.
Tất nhiên, chẳng có gì sai khi cảm thấy thất vọng vì thất bại. Nhưng xin đừng vì thế mà tự ti về năng lực của mình. Thay vào đó, hãy đặt những mục tiêu thấp và vừa sức hơn, bạn sẽ ổn thôi.
4. Bệnh "chán" không muốn tham gia bất kỳ sự kiện nào
Bạn có hẹn đi uống nước với một người bạn sau giờ làm việc. Tuy nhiên, do có những điều không vừa ý xảy ra trong ngày, bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và nghĩ tới việc sẽ hủy cuộc hẹn để đi thẳng về nhà nghỉ ngơi.
Đây có lẽ là cảm giác nhiều người đã từng trải qua. Tuy nhiên, nếu thực sự chọn việc không gặp bạn bè thì có lẽ bạn đã để vụt mất một khoảng thời gian rất tuyệt vời rồi.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology giải thích rằng chúng ta chỉ thực sự đánh giá một hoạt động là vui khi thực sự làm nó.
Do vậy, nếu đã lên lịch cho một cuộc gặp gỡ hay điều gì đó tương tự, tốt nhất là bạn nên thực hiện điều đó đi kẻo hối hận. Chỉ khi lựa chọn ngược lại cho thấy lợi ích lớn hơn rõ ràng, còn không thì bạn đừng nên bỏ lỡ nó kẻo tiếc.
5. Lo lắng vì đánh mất liên lạc với bạn học
Có một sự thật là những mối quan hệ bạn bè thường chỉ tồn tại cho đến khi... tốt nghiệp. Nhưng nếu lo lắng vì nó thì đừng, vì điều này hoàn toàn bình thường, thậm chí có bằng chứng khoa học hẳn hoi.
Cụ thể, một phân tích trên tạp chí Psychological Science cho rằng hầu hết tình bạn sẽ đơm hoa vào năm lớp 8, nhưng tàn lụi khi hết trung học.
Trong khoảng thời gian đó, mọi người đều trải qua những thay đổi về cảm xúc và nhận thức. Vì thế, tình bạn thời còn cắp sách đến trường đều có ý nghĩa nhất định đối với mỗi người, nhưng cũng dễ tan biến khi các biến đổi của tuổi mới lớn chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu đến hiện tại bạn vẫn còn giữ liên lạc với những người bạn học lúc trước của mình thì xin chúc mừng, đó thực sự là một tình bạn đặc biệt.
6. Quên sạch những kiến thức từng được học trong trường
Nghĩ kỹ thì đúng là chỉ có tài thánh mới có thể nhớ được toàn bộ kiến thức được học trong trường.
Nêu vậy để thấy rằng đây là một hiện tượng bình thường. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, sự thật là càng lớn tuổi, người ta vẫn có khả năng gợi nhớ lại ký ức cũ nhưng sẽ là khó khăn hơn so với khi trẻ.
Dù vậy, nếu bạn đã quên mất những điều học ở trường thì cũng đừng quá lo lắng, bởi có thể chúng vẫn được lưu trữ ở đâu đó trong não bạn mà thôi.
EmoticonEmoticon