Văn Phượng 'Mẹ ghẻ': Vai Diệu quá nặng, tôi bị tát và phải khóc nhiều!

Tự làm xấu mình cho hợp vai diễn

- Nhìn hình ảnh Văn Phượng ngoài đời tươi trẻ xinh đẹp khác hẳn với sự xấu xí khắc khổ của Diệu trong phim, chắc là chị đã phải làm xấu mình đi rất nhiều cho hợp với vai diễn này trong 'Mẹ ghẻ'?

Khi nhận kịch bản, ấn tượng đầu tiên của tôi về vai diễn này là một cô gái đi bán vé số, con trai lại đi bán ve chai nên tôi hình dung Diệu là một người rất khổ. Lúc đó da tôi rất trắng nên từ lúc nhận kịch bản đến khi quay hết phim là tôi không dưỡng da luôn để da cổ, da tay đen đi. Thậm chí tôi còn mua thêm phấn nền nâu để hóa trang. Tôi có trao đổi với chị trang điểm không cần dùng mascara và màu son môi phải tái nhất có thể để cho ra vẻ khắc khổ. Vì Diệu là một cô gái miền Tây Nam Bộ nên tôi đã trao đổi với đạo diễn để xin cho nhân vật của mình mặc áo bà ba cho hợp và đẹp hơn. Đạo diễn Trương Dũng đã đồng ý ngay và cho rằng hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba dễ thuyết phục khán giả.

- Ngoài làm xấu mình đi tôi cũng thấy chị chia sẻ rằng trong quá trình quay 'Mẹ ghẻ' phải khóc rất nhiều. Diệu có phải là vai lấy đi nhiều nước mắt nhất, khổ nhất của Văn Phượng từ trước đến nay?

Đây là vai khổ nhất tôi từng đảm nhiệm. Nếu trước đó tôi nhận vai hoặc là khổ vì chồng, hoặc là khổ vì con nhưng đều được ăn mặc đẹp nhưng với vai Diệu cô ấy vừa khổ vì chồng vì con, lại vừa phải mặc xấu. Nỗi đau của cô ấy qua nhiều giai đoạn, lúc đầu là vì không môn đăng hộ đối mà không đến được với người mình yêu nhưng về sau là nỗi đau mất đi người mình yêu và lớn hơn cả là nỗi đau mất đi đứa con của mình. Cái khó của Diệu là phải diễn bằng mắt sao cho khán giả thấu hiểu nỗi đau của cô ấy, nhất là đoạn Diệu đọc lại nhật ký của con. Cảnh đó tôi nhớ là quay khi đã rất khuya rồi.

Trước đó gần như ngày nào quay tôi cũng khóc từ sáng đến tối, chưa kể các phân cảnh quay ngoài nắng nhân vật Diệu bị đánh là tôi cũng bị đánh thật. Do vậy khi quay cảnh đọc nhật ký cũng là lúc tôi đã thấm mệt, cả ngày quay cảnh khóc khiến mắt tôi sưng và ráo hoảnh gần như không thể chảy nước mắt được nữa. Tuy nhiên đó là phân đoạn nước thắt của phim mà tôi lại quá đuối rồi nên đạo diễn Trương Dũng định tra nước mắt giả cho tôi. Nhưng tôi không đồng ý bởi một phân đoạn quan trọng mà dùng nước mắt giả sẽ không thể thuyết phục được khán giả bởi mắt mình ráo hoảnh không ổn. Do vậy tôi tự thuyết phục mình tập trung và lấy tâm lý để diễn, lúc đó đã là gần 12 giờ đêm. Và rõ ràng đó là phân đoạn tôi nhận được rất nhiều lời khen của người xem.

Tôi bị nhiều người tát lắm

- Chị vừa nói các phân cảnh khóc hay bị đánh đều là thật, Hình như tất cả những gì Diệu phải trải qua trên phim chị cũng phải trải qua thật?

Tất cả các cảnh trên phim đều là thật, ví dụ như quay cảnh tát thật là tôi bị hoảng luôn. Trong phim tôi là nhân vật bị tát nhiều nhất, bị đánh liên tục và đạo diễn Trương Dũng cũng yêu cầu diễn viên phải làm thật. Do vậy trước khi quay tôi phải năn nỉ bạn diễn tát nhẹ lại một chút vì vai tôi đã tả tơi và đau lắm rồi. Dù đã năn nỉ như thế nhưng khi vào quay vì các bạn diễn nhập vai quá nên họ vẫn chơi tới và tát rất đau, nhiều khi má tôi hằn lên vết 5 ngón tay đến nỗi phải chờ cho dịu lại mới quay tiếp được.

- Đỉnh điểm là Văn Phượng bị ăn tát bao nhiêu cái cho một cảnh quay?

Thực sự là quá nhiều không thể đếm được bởi mỗi cảnh Diệu ăn tát thì phải quay đủ các cảnh cận, trung, toàn mà vai này tôi bị nhiều người tát lắm. Nhiều cảnh tôi bị đánh và tát rất đau nhưng tôi không giận bạn diễn bởi tất cả chỉ vì mang đến trải nghiệm chân thực cho khán giả. Và sự thật là mỗi khi có những cảnh đó phát sóng khán giả đều rất thương Diệu.

Tôi tưởng lúc đó mình xong luôn rồi

- Nghe nói cảnh Diệu nhảy xuống nước cứu con chị suýt thì bị chết đuối, Văn Phượng có thể chia sẻ thêm về tình huống hút chết này? Đây có phải cảnh quay ám ảnh nhất trong phim?

Cảnh ám ảnh nhất với tôi chính là cảnh Diệu bị đuối nước. Tôi không sợ khi quay vì đoàn làm phim đã chuẩn bị mọi tình huống ứng cứu dù thực tế là tôi không biết bơi. Nhưng không ngờ khi xuống quay nước lại chảy ngược dòng, khi đó trời mưa lại vào ban đêm nữa. Dòng nước khá sâu nên đoàn phim lấy dây theo giăng phía dưới và tôi được dặn cứ lấy chân bám vào những mảng dây đó dưới nước mà đi. Nhưng vì nước chảy ngược dòng nên tôi bị đẩy ra xa và hụt chân luôn, phải uống đến mấy chục ngụm nước trước khi đoàn phim ra kéo tôi lên bờ. Tôi tưởng lúc đó mình xong luôn rồi.

- Rating 'Mẹ ghẻ' cao vọt (6.7), chị cảm thấy sao khi bộ phim được quan tâm đến vậy?

Thực sự tôi bất ngờ và vui lắm. Ngay từ khi đọc kịch bản tôi đã nghĩ mình sẽ đầu tư cho vai diễn này và hy sinh 100% thời gian ở Sài Gòn để xuống Vĩnh Long ở nhằm phục vụ việc quay phim. Tôi đầu tư cho vai từ tạo hình đến cảm xúc nhưng không nghĩ là phim khi phát sóng lại có hiệu quả tốt như vậy. Lúc biết tin đạt rating cao nhất tôi đã khóc. Khán giả khóc vì Diệu còn tôi lại khóc vì khán giả đã dành tình cảm cho cô ấy. Bởi Diệu là vai quá nặng. Nhiều người nói sao tôi chưa có gia đình mà lại dám nhận vai như vậy. Nhưng tôi hạnh phúc vì mình đã góp một phần vào thành công của phim.

Các phân đoạn khóc không làm khó tôi

- Tôi cũng thắc mắc làm sao một phụ nữ độc thân chưa từng làm mẹ hay trải qua nỗi đau mất con lại có thể vào vào một người phụ nữ có số phận và mất mát như vậy? Chị đã phải chuẩn bị cảm xúc như thế nào để diễn cho ra nỗi đau của Diệu?

Tôi yêu Diệu nên mọi cảm xúc đều từ Diệu mà ra. Có phân đoạn dù chưa diễn và mới đọc kịch bản nhưng tôi đã khóc bởi nhân vật quá tội nghiệp. Thực sự các phân đoạn khóc không làm khó tôi nhưng khóc phải thuyết phục được khán giả, giọt nước mắt vì mất chồng khác với mất con. Đó là điều tôi cố gắng xử lý. Cứ mỗi tập phát sóng gần đây được khán giả yêu mến và đồng cảm khiến tôi rất hạnh phúc và thực sự là mọi sự cố gắng đều được đền bù xứng đáng. Thực sự tôi phải cảm ơn đạo diễn Trương Dũng nhiều. Vì sự kỹ tính của anh đã khiến tôi có được thành quả ngày hôm nay.

- Khi phim phát sóng khán giả phản ứng với chị như nào?

Khi đi ăn hay ra đường nhiều khán giả thấy tôi có nói: "Mẹ ghẻ kìa" thậm chí có khán giả đến ôm tôi và nói rất thương Diệu. Thành công của diễn viên là được khán giả đón nhận và yêu thương, quan trọng nhất là họ gọi tên nhân vật của mình. Điều đó khiến tôi rất vui.

- Gia đình chị có xem phim không và họ nhận xét ra sao?

Gia đình xem đã khóc theo nhân vật của tôi và mẹ là người khóc nhiều nhất khi thấy tôi hóa thân vào vai Diệu. Tôi không thấy khổ cực khi đóng vai này mà tôi vui vì đúng hơn bởi nhân vật của mình đã lấy được tình cảm của khán giả.

Clip trích đoạn cảnh Diệu đọc nhật ký của đứa con bị nước cuốn trôi trong "Mẹ ghẻ"

Mỹ Anh

Văn Phượng 'Mẹ ghẻ' lột xác khác hẳn hình ảnh khổ cực trên phim

Văn Phượng 'Mẹ ghẻ' lột xác khác hẳn hình ảnh khổ cực trên phim

Vào vai một người phụ nữ có số phận long đong, nữ diễn viên sinh năm 1988 đã phải làm xấu mình đi rất nhiều để phù hợp với nhân vật.


EmoticonEmoticon