ThS. Phan Vũ Diễm Hằng, cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội trở thành nữ thí sinh Việt Nam đầu tiên dự thi IMO 17 năm 1975 tại Bungari. Năm đó, Phan Vũ Diễm Hằng đoạt huy chương đồng, với thành tích 24/40 điểm. Như vậy, ThS Phan Vũ Diễm Hằng là nữ sinh Việt Nam đầu tiên tham gia IMO và cũng là nữ sinh Việt Nam đầu tiên giành huy chương tại IMO. Chị là cháu nội của cụ Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giai đoạn 1955 - 1973.

Sau khi đạt giải Olympic toán năm 1975, chị học ĐH ở Liên bang Nga, tại MGU. Ra trường chị về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư. Công tác tại đây được 16 năm, năm 1997, chị xin ra ngoài làm cho chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, rồi cho những chương trình, dự án khác nhau.


TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa, trường THPT chuyên khoa học tự nhiên, dự thi IMO 18, năm 1976 tại Áo. Chị đoạt huy chương bạc, thành tích 27/40 điểm. Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam năm đó. TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa là nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt huy chương bạc tại IMO. Chị lấy bằng Tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ). Chị là giáo sư ĐH tại Mỹ.

Những nữ sinh Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế là ai? - Ảnh 1

TS. Nguyễn Thị Thiều Hoa (đứng giữa)

Chị Nguyễn Thị Minh Hà là học sinh trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Chị tham gia IMO lần thứ 25 tại Tiệp Khắc với số điểm 19/42 điểm.

PGS. Phan Thị Hà Dương, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, tham gia IMO lần thứ 31 năm 1990 tại Trung Quốc với số điểm 19/42. Cùng năm đó, chị trở thành sinh viên Khoa Toán - Cơ - Tin, ĐH Tổng hợp (cũ) Hà Nội, nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Những nữ sinh Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế là ai? - Ảnh 2

PGS. Phan Thị Hà Dương

Hết năm thứ 3, Hà Dương được học bổng của Chính phủ Pháp. Với hồ sơ đẹp, chị được xét đặc cách vào học tiếp năm thứ 4 (điều hy hữu xảy ra) tại ĐH Paris 6. Chị có bằng cao học về Hình học đại số năm 1995. Nhưng sau đó chị chọn ngã rẽ khác – sang tin học.


Tháng 1/1999, luận văn Tiến sĩ của chị được Hội đồng chấm luận án ĐH Paris 7 xếp vào loại rất xuất sắc (très honorable). Đặc biệt, năm đó, tin chị trúng tuyển vị trí Phó Giáo sư tại trường này gây bất ngờ lớn: Khi đó, Khoa Tin học, ĐH Paris 7 cần tuyển 3 Phó GS mà có tới 100 đơn. Và, cô tiến sĩ trẻ đã vượt qua hầu hết những người lớn tuổi và kinh nghiệm hơn mình để xếp ở vị trí số 1. Tháng 8/2005, chị rời vị trí là niềm ao ước của nhiều người để trở về làm việc tại Viện Toán học Việt Nam cho đến nay.

Nguyễn Thùy Linh, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tham gia IMO lần thứ 33 tại Liên bang Nga với thành tích huy chương đồng, 16/42 điểm.


Phạm Chung Thủy, trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, tham gia IMO lần thứ 34 tại Thổ Nhĩ Kỳ, đạt huy chương Đồng với số điểm 17/42.

Đào Thị Thu Hà, chuyên Khoa học tự nhiên, tham gia IMO lần thứ 39 năm 1998 tại Đài Loan, đoạt huy chương Đồng với thành tích 23/42 điểm.


Nguyễn Phi Lê, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, tham gia IMO lần thứ 41 tại Hàn Quốc năm 2000, đoạt huy chương bạc với thành tích 21/42.

Đỗ Thị Thu Thảo, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, tham gia IMO lần thứ 49 tại Tây Ban Nha năm 2008, đoạt huy chương Bạc với 29/42 điểm.


Vương Nguyễn Thùy Dương, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, tham gia IMO lần thứ 55 tại Nam Phi năm 2014 với thành tích đoạt huy chương Bạc, 22/42 điểm.

Và gần đây nhất là Nguyễn Thị Việt Hà, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, tham gia IMO lần thứ 56 tại Thái Lan năm 2015, đoạt huy chương Đồng với số điểm 15/42 điểm.


Như vậy, trong lịch sử tham gia IMO của mình, Việt Nam có 11 nữ thí sinh tham gia đoạt huy chương. Nhưng chưa có nữ thí sinh đoạt huy chương vàng, chủ yếu đạt huy chương Bạc và Đồng. Nữ thí sinh có thành tích tốt nhất trong các lần Việt Nam tham gia IMO là Đỗ Thị Thu Thảo, 29/42 điểm.