Để lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, ngày 15/10 UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại địa phương này. Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND và ông Võ Văn Minh – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương chủ trì buổi đối thoại.
Tại buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3.700 dự án đầu tư từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ đô la Mỹ, tính cả vốn đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần là 34,87 tỷ đô la Mỹ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu tại cuộc đối thoại
Tính đến ngày 31/12/2018, Bình Dương có 27.566 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 3 cả nước, là địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp 17,4%, đứng đầu cả nước; mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động đạt 21,7 doanh nghiệp, đứng thứ 5 cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 2 tỷ 560 triệu đô la Mỹ, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 82,9% so với chỉ tiêu năm 2019. Có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương.
Trong đó, Nhật Bản đứng đầu với với tổng vốn đầu tư đăng ký 489 triệu đô la Mỹ (304 dự án), chiếm 19,1 tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 442,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; Đài Loan đứng vị trí thứ 3 với 279 triệu đô la Mỹ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh nhiều bất cập cần lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khắc phục
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh nhiều bất cập, trong đó nói về tình trạng thiếu nguồn lao động rất nhiều. Thế nhưng, tình trạng công nhân được “bảo kê” nghỉ làm có lương khiến doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trong đến hoạt động sản xuất. Cụ thể, do chưa có sự kiểm sát chặt chẽ nên nhiều bệnh viện thỏa sức cấp giấy nghỉ bệnh nhiều ngày trong khi nhiều người thậm chí không có bệnh.
Doanh nghiệp cũng cho rằng, tình trạng đèn chiếu sáng tại khu công nghiệp Đại Đăng xuất cấp gây nguy hiểm nhưng khi phản ánh thì mãi đến 2 tháng sau tình trạng mới được khắc phục. “Nạn cướp giật lộng hành ở quanh doanh nghiệp khiến tâm lý công nhân bất an. Nhiều công nhân thậm chí nghỉ việc vì lo sợ. Tại khu công nghiệp Kim Huy và Đại Đăng vừa có đồn công an, chúng tôi hy vọng tình trạng cướp giật sẽ không còn”, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản nói.
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND (giữa) và ông Võ Văn Minh - Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương (bìa phải) chủ trì buổi đối thoại
Trong khi đó, đại diện một công ty Nhật Bản than rằng, Cục Thuế Bình Dương gây khó khăn cho họ. Theo đó, khi hồ sơ doanh nghiệp gửi đến rất lâu không được giải quyết, khi doanh nghiệp đến tận nơi thì lại chỉ dẫn đi lòng vòng qua nhiều phòng. “2 Giờ chiều nhưng Cục Thuế vẫn chưa hoạt động, trong khi chúng tôi gọi điện trước không được, điều này khiến chúng tôi lãng phí thời gian.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Ông Liêm đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo các ban, ngành khẩn trương khắc phục và tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp phản ánh.
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản và lãnh đạo tỉnh Bình Dương
EmoticonEmoticon