Thời đại khủng hoảng, sống chung với rác nhựa
Không thể phủ nhận rằng dù có ghét bỏ đến mức nào đi chăng nữa, việc từ bỏ nhựa cũng thực sự rất khó khăn.
Khi nhựa mới được phát minh, nó đã tạo nên cuộc cách mạng cho các bà nội trợ. Nếu tìm về thời điểm nhựa vừa mới chào đời, bạn sẽ thấy không ít hình ảnh phụ nữ tung hê mớ chén bát sứ, mặc cho chúng rơi vỡ tan tành. Chẳng có gì phải lo cả, bởi đã có đồ nhựa. Với chi phí rẻ bèo, nhựa nhanh chóng chiếm lĩnh mọi ngóc ngách của sự sự sống.
Và rồi đến cả những thứ chúng ta ăn vào bụng cũng đầy vi hạt nhựa.
Thế giới đang chìm trong khủng hoảng rác nhựa
Nhựa giờ đây tràn ngập đến nỗi tạo nên cơn khủng hoảng rác nhựa toàn cầu. Ở một số quốc gia, chính phủ còn nghiêm khắc đến nỗi áp dụng phạt tiền đối với cư dân sử dụng nhựa dùng một lần. Ví dụ như ở Mumbai, Ấn Độ, bạn sẽ mất cả 5000 rupi (khoảng 1,5 triệu VNĐ) nộp phạt chỉ vì một lần sử dụng bịch nylon. Ở Kenya, bạn có thể còn bị tống giam 4 năm tù nếu vi phạm, hoặc chấp thuận nộp $38.000 (tương đương 885 triệu VNĐ).
Tại mọi vị trí của Trái đất, từ hai cực băng giá xa xôi cho đến rãnh Mariana sâu đến 10.971m, nơi nào cũng có rác nhựa. Bất kể là hòn đảo có hay không có người ở, rác nhựa vẫn cứ ngập tràn. Mỗi một năm, nhân loại thải ra đến 220 triệu tấn rác. Trong đó, rác nhựa cần đến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn.
Theo tính toán của Linda Wang, giáo sư kỹ thuật hóa học của ĐH Purdue, Mỹ thì đến năm 2050, lượng rác nhựa trên biển sẽ còn nhiều hơn cả cá nữa kia.
Nhiệt phân: Cách biến nhựa thành một nguồn tài nguyên
Tuy nhiên, Wang cùng với các nhà nghiên cứu khác của ĐH Purdue đã tìm ra một giải pháp cực kỳ vẹn toàn. Nó không chỉ giải quyết được lượng rác nhựa kinh khủng trên hành tinh này, mà còn nhân thể dứt điểm luôn nỗi lo túng thiếu nhiên liệu sạch.
Linda Wang tự tin có thể biến rác nhựa polypropylen thành nhiên liệu sạch
Qua nghiên cứu, nhóm của Wang phát triển được một cách thức biến đổi polypropylen (vật liệu nhựa bền, chiếm ¼ rác nhựa) thành xăng tinh khiết.
Trên Tạp chí Hóa học Bền vững và Kỹ thuật (Sustainable Chemistry and Engineering), Wang tuyên bố thay vì tiêu diệt nhựa, khiến chúng biến mất khỏi bề mặt Trái đất, họ có cách để phá vỡ cấu trúc và bắt chúng quay lại phục vụ con người.
Cách thức của Wang là đẩy polypropylen tới cực hạn bằng việc "thiêu" nó trong nhiệt độ cao khoảng 450 độ C. Ở ngưỡng nhiệt này, rác nhựa sẽ trở thành một dạng chất lỏng khác với kiểu nóng chảy thông thường. Sau khoảng vài giờ sôi sục, chúng sẽ bị biến đổi thành một loại dầu tương tự như xăng hoặc dầu diesel.
Ngoài ra, nhựa cũng có thể biến thành polymer hoặc một số vật liệu hóa chất khác. Nói chung là chỉ cần khéo léo trong việc chuyển đổi môi trường nhiệt, các nhà khoa học liền có thể biến rác nhựa thành loại nguyên liệu mà họ muốn.
Rác nhựa polypropylen qua nhiệt phân (tùy ngưỡng nhiệt) có thể tạo thành xăng, dầu diesel hoặc một số thành phẩm khác
Vẫn còn đó nhiều lo ngại
Với tần suất sử dụng nhựa ngày nay, con người sẽ sớm tiến tới cái ngưỡng thải ra hàng 300 triệu tấn rác nhựa trên năm. Một khi bị thải ra ngoài môi trường, lượng rác nhựa siêu khủng này lại nhiễm hằng hà sa số hóa chất độc hại vào đất, nước.
Có điều đốt rác liệu có thật là một ý tưởng hay?
Kỳ thực thì nhựa được cấu thành từ hydrocarbon, đem đốt chí ít cũng thu được nhiệt lượng. Tuy nhiên để xây dựng và điều hành một nhà máy năng lượng chất thải lại quá tốn kém và vất vả. Chưa kể việc đốt rác còn sản sinh ra các chất độc hại như điôxin, acid và kim loại nặng. Trừ phi hệ thống máy lọc hoạt động trơn tru, không một lỗi sai sót, bằng không hệ quả cực kỳ khó lường.
Có điều để biến rác nhựa thành nhiên liệu rất tốn kém, lại có phần độc hại cho môi trường
Xét qua các lò đốt rác hiện có, bạn sẽ thấy đầy rẫy những nguy cơ tiềm năng. Năm 2016, chỉ các lò đốt rác của Mỹ thôi đã "xả" vào không khí những 12 triệu tấn carbon dioxide, mà hơn nửa trong số chúng là đến từ rác nhựa.
Đốt rác như kiểu của Wang, tức là làm nóng chảy ở nhiệt độ cao mà không cần đến oxy, biến chúng thành nhiên liệu sạch tuy có khả năng, nhưng xét kỹ lại thấy tốn kém hơn khí đốt tự nhiên giá rẻ rất nhiều. Chưa kể, nó mới chỉ xử lý được tối đa là ¼ rác nhựa.
Ngoại trừ cách của Wang vẫn còn một cách khác cực kỳ quen thuộc trong làng tái chế là chưng khô (pyrolysis). Rác nhựa sẽ bị băm nhỏ rồi sấy lâu trong điều kiện nhiệt độ cao, thiếu oxy, cuối cùng vỡ thành các hydrocacbon nhỏ hơn, có thể dùng tinh chế diesel hoặc tạo sản phẩm nhựa mới. Nhưng để tạo ra thành phẩm vẫn tốn kém hơn hóa dầu ngay từ đầu.
Chỉ là dẫu cho nhiệt phân nhựa chưa hẳn là phương pháp toàn vẹn, nhân loại cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Thà nhiệt phân, còn hơn là để nhựa hoành hành khắp hành tinh.
Tựu chung, phải là giảm bớt và thay thế
Việc đốt rác nhựa không phải là một giải pháp đủ an toàn trong dài hạn, mà điều mấu chốt con người cần làm chính là tìm cách giảm bớt rác nhựa, và sử dụng các vật liệu thay thế cho nhựa.
Ý thức được câu chuyện này. Thời gian gần đây giới trẻ Việt đang tích cực hưởng ứng phong trào sống xanh hay less plastic - cắt giảm chất thải nhựa tối đa giúp bảo vệ môi trường. Như chương trình "WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa" là một ví dụ điển hình để góp phần lan toả thông điệp sống xanh đến với cộng đồng.
EmoticonEmoticon