Người đàn ông 95 tuổi này là đối tác vàng của Warren Buffett, đã nắm quyền trong 40 năm, giúp giá cổ phiếu của Berkshire tăng 5.000 lần


Nhân vật chính của bài viết hôm nay chính là Charlie Munger. Ông là đối tác vàng, người đã làm việc với Buffett trong nhiều thập kỷ, là linh hồn của Berkshire (công ty đồng quản lý với Buffett), là bậc thầy tinh thần của Buffett, và còn được công nhận là người thông minh hơn Buffett.



Charlie Munger sinh năm 1924, năm nay ông 95 tuổi. Đã 40 năm kể từ năm 1978, khi ông bắt đầu giữ chức phó chủ tịch và cổ đông lớn thứ hai của Berkshire Hathaway. Trong 40 năm qua, cổ phiếu của Berkshire đã trở thành một huyền thoại trên thị trường chứng khoán với lợi nhuận trung bình hàng năm là 24%, nghĩa là nếu bạn đã mua 10.000 cổ phiếu của Berkshire vào 40 năm trước, thì số tiền đó nay sẽ trở thành 50 triệu.


Nếu bạn cần một người thành công đến giảng cho bạn nghe về đạo lý làm nên thành công, thì Charlie Munger là nhân vật hoàn hảo để nói với bạn điều đó.


Cuốn sách "Poor Charlie's Almanack", được xem là phiên bản giấy các ý tưởng đầu tư của Munger và cuốn "Damn Right: Behind the Scenes with Berkshire Hathaway Billionaire Charlie Munger" của tác giả Janet Lowe là hai cuốn sách đáng để những người trẻ nghiêm túc đọc một lần, mỗi một câu nói trong cuốn sách luôn tỏa sáng cùng với sự khôn ngoan.



Charlie Munger

Cá nhân tôi đã đọc hai cuốn sách đo một cách cẩn thận và đây là 3 điều tôi tóm tắt lại được:


Đầu tiên, tạo ra một mô hình tư duy đa chiều


Đây là khả năng mà hầu hết những người tôi biết đều thiếu. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần nắm vững một vài tri thức liên ngành để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất khi gặp phải khó khăn, thay vì chỉ khư khư kiến ​​thức về một lĩnh vực, trông mèo vẽ hổ, rập theo một khuôn.


Ví dụ, bàn về "tốc độ vũ trụ" hay "vận tốc thoát ly" trong vật lý, tên lửa sau khi đạt tới tốc độ hơn 11,2km/s sẽ có thể thoát khỏi trái đất. Khi đi học, tôi chỉ nghĩ khái niệm này là một kiến ​​thức vật lý đơn giản, chỉ là một giá trị số. Sau đó, tôi đọc được một bài viết mở rộng kiến ​​thức này như sau: Miễn là tốc độ kiếm tiền của bạn đủ nhanh, bạn sẽ có thể thoát khỏi xiềng xích của những vấn đề tầm thường hàng ngày. Khi đó, tôi phát hiện ra rằng cao thủ đều học theo cách này, đều biết cách áp dụng vào thực tiễn.


Theo quan điểm của Munger, người chỉ tư duy theo một chiều không phải là người thông minh. Người trong tay lúc nào cũng chỉ cầm búa thì nhìn đâu cũng chỉ thấy cái đinh. Khi giải quyết một sự việc, việc có nhiều kiến ​​thức hơn sẽ giúp bạn nhìn ra được bản chất và hiểu rõ sự việc hơn.

Khi đối mặt với một sự việc cụ thể, mặc dù với trình độ hiện tại, bạn có thể giải quyết được chúng, nhưng sẽ luôn chỉ có một cách hiểu và một giải pháp có thể tối đa hóa lợi ích của bạn. Tri thức cho giải pháp này đến từ đâu? Đến từ tư duy đa chiều, và tri thức liên ngành chính là một khởi đầu quan trọng của tư duy đa chiều.


Kiến thức thực ra là một thư viện vũ khí. Đừng chỉ vì học võ cổ truyền mà chỉ biết chọn côn, hãy xem xem cái nào tốt hơn, xem vũ khí nào có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu bạn không hiểu điều này, nhưng đối thủ cạnh tranh của bạn lại hiểu, vậy thì bạn sẽ rất khó giành được chiến thắng.



Charlie Munger và Warren Buffett

Thứ hai, ý thức được sự phi lý trí của con người


Tin tốt là có rất nhiều kiến ​​thức là có sẵn, chúng ta chỉ cần tìm sách, đọc và suy nghĩ làm sao để sử dụng chúng, còn tin xấu là trước khi biết những kiến thức này có ích với mình ra sao, chúng ta lại chẳng bao giờ chịu chủ động đi học tập. Vì vậy, chúng ta cần phải nhận thức được sự phi lý tính của con người. Phi lý trí ở đây chính là "chả hiểu tại sao…", "không biết thế nào…", con có hư tới đâu thì cha mẹ vẫn yêu thương, biết là tốt nhưng vẫn không muốn học… mà "chả hiểu tại sao".


Tâm lý học là một môn khoa học xứng đáng để được nghiên cứu bởi bất kỳ ai và trong bất kỳ ngành công nghiệp nào. Munger thừa nhận rằng mình chỉ đọc qua một cuốn sách về tâm lý học, nhưng ông lại có thể liệt kê ra được 25 thành kiến tâm lý của con người, tóm tắt lại một câu đó là: Con người là phi lý trí, chúng ta cần phải nhận thức được sự phi lý trí của mình đồng thời nỗ lực để khắc phục nó.


Munger đã sử dụng kiến ​​thức này để giải thích tại sao Coca-Cola lại thành công như vậy. Tại sao Coca-Cola chi rất nhiều tiền mỗi năm để quảng cáo, bởi vì họ cần liên tục củng cố nhận thức về thương hiệu trong tâm trí người dùng. Tại sao thay đổi khẩu vị là một lựa chọn tồi, bởi vì con người trời sinh ra đã thích những thứ xác định. Tại sao ngay cả khi có những loại đồ uống khác ngon hơn Coca-Cola, nhưng lại chẳng thể vượt qua được thương hiệu này, đó là bởi vì Coca-Cola đã chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách đồ uống của mọi người, các thương hiệu khác cần phải dành nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể thay đổi được thứ tự này.


Bạn có thể làm gì trong cuộc sống để tránh bản thân rơi vào những cái hố của sự "phi lý trí"? Chỉ bằng cách tiếp tục học hỏi, suy nghĩ và tổng kết. Xem người tiền nhiệm vấp ngã ra sao, tránh những cái hố đó ra, có vậy khả năng chiến thắng của bạn sẽ cao hơn nhiều.





Thứ ba, nhân cách quan trọng hơn IQ


Munger nói rằng trên con đường thành công, nhân cách quan trọng hơn nhiều so với IQ.


Không tham lam. Bạn không thể kiếm được tất cả tiền, chỉ cần kiếm được số tiền bạn có thể kiếm được trong vòng tròn nhận thức của mình là đã đủ để sống một cuộc sống tốt rồi. Trọng tâm của cuộc sống và công việc không phải là bạn có thể kiếm được bao nhiêu, mà là cách bạn có thể xây dựng và mở rộng vòng tròn năng lực của mình. Chỉ cần bạn trong lĩnh vực mà mình "rành" xác định được những cơ hội thành công, sau khi "nhắm" được rồi, hãy bắn tên.


Thành tín là tố chất phải có của một người thành công. Mặc dù gian trá có thể giúp bạn có được lợi ích không thuộc về mình, nhưng đó chỉ là trong thời gian ngắn, về lâu về dài, sự trung thực trong nhân cách mới là thứ giúp bạn thu được lợi ích lớn hơn. Mỗi người đều là một thương hiệu, và sự thành tín là thứ để định giá thương hiệu này.


Siêng năng. Thành công chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, bạn nghĩ rằng mình đã nỗ lực đủ nhưng luôn luôn có người chăm chỉ hơn bạn. Tất cả những gì bạn có thể làm đó là làm việc chăm chỉ hơn nữa, như Elon Musk nói "Work super hard". Khi lặp lại những lời nói này của Musk, tốt nhất là hãy soi gương và nhìn thẳng vào mắt mình.


Đố kị là thứ cảm xúc ngu xuẩn nhất của con người. Bởi đối tượng mà bạn đố kị sẽ chẳng có bất kì tổn hại gì, và nó cũng chẳng làm bạn giỏi lên. Nếu quả thực có người giỏi giang hơn bạn, hãy chấp nhận điều này, dành cho họ một tràng pháo tay, đồng thời chấn chỉnh lại tâm trạng và xem xem mình có thể học hỏi được điều gì từ họ.

Như Nguyễn


Theo Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon