Tính từ tháng 6/2009 đến nay, kinh tế Mỹ đã trải qua 10 năm tăng trưởng liên tiếp, hồi phục lại mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng 2008. Nếu đà tăng trưởng này tiếp tục trong tháng 7/2019 thì Mỹ sẽ phá kỷ lục tăng trưởng 10 năm giai đoạn 1991-2001 và trở thành giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1854, mức xa nhất mà các thông số ghi chép được.
Đây đáng lẽ là 1 sự kiện vui vẻ nhưng lại chẳng có mấy ai ăn mừng khi chiến tranh thương mại đang diễn ra và nguy cơ khủng hoảng cận kề trước mắt. Thương mại Mỹ-Trung đang hạ xuống mức tồi tệ chưa từng có trong khi nước láng giềng Mexico cũng đang đau đầu với các đe dọa kinh tế từ Mỹ.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Mỹ trong tháng 5/2019 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009. Trong phiên 3/6/2019, trái phiếu kỳ hạn 3 tháng của Mỹ tăng giá mạnh so với loại trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mức cách biệt kỷ lục kể từ năm 2007, qua đó cho thấy nhà đầu tư đang cảm thấy cực kỳ bất an cũng như lo sợ về 1 cuộc khủng hoảng mới.
Hai chu kỳ tăng trưởng dài của Mỹ với tỷ lệ bình quân (%)
Thậm chí JP Morgan Chase đã nâng tỷ lệ khả năng xảy ra khủng hoảng trong nửa cuối năm nay từ 25% lên 40% vào tháng 5/2019.
Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu khiến nhà đầu tư lo lắng về 1 cuộc khủng hoảng hơn là chỉ vì chiến tranh thương mại. Chu kỳ tăng trưởng rồi khủng hoảng 10 năm đã từng diễn ra và có nhiều yếu tố tương đồng giữa chu kỳ 1991-2001 với hiện nay.
Trong 30 quý đầu tiên của chu kỳ 1991-2001, tăng trưởng GDP bình quân đạt 43% trong khi con số này là 22% trong 39 quý tính đến tháng 3/2019.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế Mỹ làm gia tăng tài sản cho giới nhà giàu cũng như làm tăng trưởng các dòng vốn trên thị trường chứ không hướng đến những yếu tố cơ bản hơn như lợi ích người lao động. Tỷ lệ thu nhập của người lao động Mỹ trong tổng thu nhập quốc gia đã giảm từ 68,9% xuống 66,4% trong cùng kỳ.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhà sáng lập Nir Kaissar của hãng Unison Advisors nhận định kinh tế Mỹ sẽ cần 6 năm nữa để đạt tốc độ thần kỳ như chu kỳ 1991-2001 hay 9 năm nữa để có tốc độ tăng trưởng kỷ lục 54% của thời kỳ 1961-1969.
Dẫu vậy, liệu phía trước nền kinh tế Mỹ là chu kỳ tăng trưởng tiếp hay khủng hoảng vẫn là điều khó nói. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã từng tuyên bố sẽ tăng lãi suất để hạ nhiệt đà tăng trưởng quá nóng để rồi bất ngờ đổi ý không tăng với lý do tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng và tỷ lệ lạm phát chưa đạt mức mục tiêu 2%.
Kể từ cuối năm 2016, FED đã tăng 2% lãi suất trong 2 năm nhưng họ lại chần chờ không có nhiều động thái thời gian gần đây trước các tín hiệu không rõ ràng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Mỹ trồi sụt mạnh, căng thẳng thương mại và chính phủ Mỹ gặp rất nhiều thách thức về ngân sách, thậm chí đã phải đóng cửa ngắn hạn khiến nhà đầu tư lo lắng về 1 cuộc khủng hoảng phía trước.
Thậm chí vào ngày 5/6/2019, thị trường kỳ hạn Federal Funds Futures (FFF) dự đoán 95% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trước hoặc trong kỳ họp tới, tức tháng 9/2019.
Hiện nay nền kinh tế Mỹ đang khá phức tạp với nhiều tín hiệu không rõ ràng. Tăng trưởng của Mỹ vẫn tốt bất chấp những tranh cãi về ngân sách hay các chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ. Thâm hụt ngân sách đã giảm xuống chỉ hơn 2% GDP vào cuối năm 2015 nhưng đã lại mở rộng gần 4,5% kể từ đó. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách cắt giảm thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump kèm theo hàng loạt chi tiêu cho thương mại và quốc phòng.
Tệ hơn, biến động của thị trường trái phiếu cho thấy nhu cầu vay vốn đầu tư tại Mỹ đang giảm còn tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình lại tăng. Việc không có nhu cầu đầu tư hay chi tiêu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tiêu dùng và cả nền kinh tế nói chúng. Đây là những tín hiệu cực kỳ trái chiều khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Lawrence Summers của trường đại học Harvard cho biết nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng "giảm tốc", khi nhu cầu tiêu dùng, đầu tư yếu và chính phủ buộc phải có những chính sách kích thích kinh tế cực mạnh mới thúc đẩy đà phát triển đi lên.
Tình trạng này đã từng diễn ra tại Mỹ vào đầu thời kỳ Đại khủng hoảng thập niên 1930, thập niên 1950 và đầu thập niên 2000. Hiện tại, phần lớn nền kinh tế trên thế giới như Nhật Bản hay Châu Âu cũng đang gặp vấn đề tương tự và có khả năng Mỹ cũng sẽ theo gót.
Chính sách cắt giảm thuế năm 2017 của Mỹ nhằm chủ yếu vào tầng lớp chủ doanh nghiệp hay người giàu trong khi những người bình thường, thành phần chủ chốt của thị trường tiêu dùng cũng như nền kinh tế lại bị bỏ sót. Khảo sát tháng 1/2019 của Hiệp hội kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE) cho thấy 84% doanh nghiệp Mỹ không mở rộng sản xuất hay thuê thêm nhân viên dù thuế đã được giảm.
Bên cạnh những thông tin tiêu cực, Mỹ cũng có những tin tích cực như tỷ lệ thất nghiệp tháng 5/2019 đã hạ xuống mức 3,6%, thấp nhất trong 50 năm qua. Mức thu nhập của người lao động cũng tăng lên so với trước đây. Thu nhập bình quân theo giờ trong tháng 4/2019 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Các thông số này đã kích thích tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Chỉ số thoải mái của người tiêu dùng Mỹ theo tuần (WCCI) đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2000.
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp hiện nay là do những công việc chân tay, bán thời gian hay trình độ kỹ thuật thấp tăng lên. Chúng sẽ giúp người dân có việc làm nhưng chẳng thúc đẩy được thu nhập, giáo dục hay kinh tế với đồng lương ít ỏi và tình trạng việc làm phập phù. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 đang diễn ra và chẳng sớm thì muộn thị trường lao động Mỹ sẽ phải biến đổi để sống sót.
Số liệu của Bộ lao động Mỹ (BLS) cho thấy khoảng 3,1% số lao động nam độ tuổi 25-31 tại Mỹ đã bị sa thải tháng 4/2019 nhưng thực tế có thêm khoảng 10,8% số người cùng độ tuổi bị loại khỏi thị trường lao động. Nguyên nhân chính là nhiều người ngừng tìm kiếm việc làm toàn thời gian mà chấp nhận công việc bán thời gian, bất chấp chúng không tương xứng bằng cấp, khả năng và lương thấp.
Năm 1931, nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keyné đã có nhận định rằng chu kỳ giảm tốc kinh tế là tiền kỳ cho những cuộc khủng hoảng. Liệu kinh tế Mỹ có đang đứng trước cuộc khủng hoảng sau 10 năm tăng trưởng hay không vẫn còn là câu hỏi. Tuy nhiên, chắc chăn giờ đây người dân Mỹ đang lo lắng cho tương lai của họ.
EmoticonEmoticon