Căn bệnh ung thư đứng đầu Việt Nam: Hàng chục triệu người mang "mầm bệnh"

Theo các chuyên gia gan mật tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút ở nước ta quá cao, khiến bệnh ung thư gan trở thành bệnh đầu bảng trong các bệnh ung thư cả về tỷ lệ mắc và tử vong.




Mắc viêm gan B mà không biết
Anh Nguyễn Xuân T (42 tuổi, quê Hà Nam) đến khám bệnh trong tình trạng người mệt mỏi, bụng chướng. Anh T được các bác sĩ cho thực hiện xét nghiệm lâm sàng. Kết quả men gan tăng cao, chỉ số AST và AFP tăng nhiều hơn người bình thường.


Siêu âm gan phát hiện mặt gan gồ ghề, thùy gan phải to bất thường nên bệnh nhân được chỉ định chụp CT scan. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư gan, khối u 4 – 6 cm và theo dõi vi rút viêm gan B.


Anh T đến Bệnh viện K trung ương kiểm tra lại lần nữa và kết quả vẫn là ung thư gan. Cách đây 3 năm, chị gái cả của anh T cũng bị tử vong do mắc ung thư gan. Khi biết mình mắc bệnh giống chị gái, anh T rất hoang mang.


Không riêng gì anh T theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa ngoại gan mật Bệnh viện K trung ương, rất nhiều bệnh nhân đến khám và phát hiện ung thư gan dù trước đó sức khỏe bình thường, không biết mình mang viêm gan vi rút.



PGS Nguyễn Xuân Thành khám cho bệnh nhân viêm gan B

Ví dụ như trường hợp ông Trần Văn H (54 tuổi, quê Yên Bái), xuống Hà Nội thăm bạn và nhân tiện đi kiểm tra sức khỏe tổng quát.


Kết quả kiểm tra tổng quát tình cờ phát hiện có u gan và các bước xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán ung thư gan. Ông H đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt gan và đến nay ông H đang hồi phục.


Khoảng hơn chục năm trước, ông H có kiểm tra sức khỏe được chẩn đoán viêm gan vi rút B nhưng ông đã điều trị khỏi bằng thuốc Đông y.


TS.Anh cho biết, có nhiều bệnh nhân từng bị viêm gan vi rút và đã điều trị xong. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân không thực hiện tái khám định kỳ vì nghĩ khỏi bệnh. Khi có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, vàng da bệnh đã chuyển sang ung thư gan.


Biến chứng do viêm gan B
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành, Nguyên bác sĩ chuyên khoa gan mật tại Bệnh viện quân y 103, ung thư gan ở Việt Nam đứng đầu trong các bệnh ung thư cũng là điều dễ hiểu vì tỷ lệ mắc viêm gan vi rút B và C ở nước ta cao.


Bác sĩ Thành cho biết, số bệnh nhân mắc viêm gan điều trị đã nhiều, số người bị bệnh nhân không biết mắc bệnh cũng rất lớn.


Theo thống kê, Việt Nam có từ 10-20% dân số (khoảng từ 12-16 triệu người) nhiễm vi rút viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.



Viêm gan vi rút con đường dẫn tới ung thư gan


Chỉ có khoảng 1/4 bệnh nhân nhiễm viêm gan B cấp là có biểu hiện lâm sàng, có thể được chẩn đoán và điều trị. Một số ít có khả năng chống lại viêm gan B và "làm sạch" được vi rút trong cơ thể. Số còn lại thường không có biểu hiện lâm sàng và tiến triển thành viêm gan B mạn tính.


PGS Thành nhấn mạnh viêm gan B mạn tính diễn biến âm thầm theo thời gian, vi rút gây tổn thương gan dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn tiến triển rõ hoặc có biến chứng.


Việc điều trị viêm gan B, PGS Thành khuyến cáo, chưa có bài thuốc Đông y nào có thể trị được viêm gan B. Người bệnh cẩn trọng không nên tin theo bài thuốc nào rồi nghĩ bệnh khỏi, bỏ điều trị dẫn đến biến chứng.


Viêm gan B ở mỗi giai đoạn của bệnh, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các biểu hiện khác nhau. Có thể triệu chứng bệnh rõ ràng, hoặc mờ nhạt nhưng đều có chung những triệu chứng đặc trưng của bệnh ở giai đoạn cấp tính viêm gan B người bệnh thường bị sốt nhẹ trong những ngày đầu của bệnh, sốt vào buổi chiều.


Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn uống, không muốn đi lại, khi ăn vào ậm ạch khó tiêu, đi ngoài phân lỏng, nát, một số trường hợp ứ mật gây phân bạc màu. Dấu hiệu nữa đó là, nước tiểu có màu vàng sậm, đau tức ở hạ sườn phải, vàng da, vàng củng mắt.


PGS Thành nhấn mạnh, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất và không mắc vi rút viêm gan B sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư gan rất lớn.


EmoticonEmoticon