Tháng trước, chính phủ Thụy Sĩ vừa cho ra mắt một tờ tiền thông minh mới. Đồng 1.000 franc Thụy Sĩ màu tím là nỗ lực cải tổ mới nhất của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB). Đồng tiền này nhỏ hơn một chút và in hình một cái bắt tay bên cạnh một quả địa cầu. Theo SNB, hình ảnh này lấy cảm hứng từ sự tinh tế trong giao tiếp.
Đây không phải là tờ tiền bình thường, nó là một trong những tờ tiền giá trị nhất thế giới, trị giá khoảng 880 euro (khoảng gần 23 triệu đồng). Theo số liệu mới nhất của SNB, có hơn 48 triệu tờ tiền 1.000 franc đang được lưu hành, chiếm khoảng 60% tổng giá trị của tất cả tiền mặt ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, cuộc cải tổ này diễn ra khi các quốc gia khác đang thu hồi dần các đồng tiền có mệnh giá cao của họ, đồng thời người dân ở các nước châu Âu ngày càng ít sử dụng tiền mặt hơn.
Khi thảo luận về đồng tiền mới vào đầu tháng 3, Phó chủ tịch SNB Fritz Zurbruegg đã miêu tả tiền mặt đối với người Thụy Sĩ giống như một hiện tượng văn hóa và cho rằng tờ 1.000 franc “tương thích với nhu cầu của người dân.” Nó thường được sử dụng để mua hàng hóa giá trị cao, thanh toán hóa đơn tại bưu điện, và cũng được coi là một công cụ lưu trữ giá trị.
Ở Thụy Sĩ, tiền mặt vẫn là một phương thức thanh toán chủ yếu. Tại quốc gia này, hầu hết mọi người đều mang theo tiền mặt, ngay cả khi nền kinh tế nói chung đang ngày càng số hóa. Nếu bạn dùng tờ 100 franc để trả tiền cho một ly cà phê, không ai sẽ hỏi bạn có đồng tiền nào nhỏ hơn không. Đối với những món hàng có giá trị lớn, một số ngân hàng thậm chí còn cho phép bạn rút tới 5.000 franc một ngày (hoặc 10.000 franc/tháng) tại một máy rút tiền mà không cần báo trước. Mua một chiếc ô tô với giá hàng chục nghìn franc bằng tiền mặt cũng không phải điều gì quá lạ lẫm.
Một khảo sát năm 2017 của SNB về hành vi thanh toán của 2.000 người Thụy Sĩ cho thấy 70% giao dịch của họ được thực hiện bằng tiền mặt. Thẻ ghi nợ chỉ chiếm 22%, sau đó là thẻ tín dụng ở mức 5%. Các phương thức thanh toán điện tử như ứng dụng thanh toán và thanh toán thẻ không tiếp xúc có tỉ lệ rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy trên toàn cầu, nhiều khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt đã được số hóa. Các nước láng giềng như Đức cũng ưa chuộng tiền mặt như Thụy Sĩ, trái ngược với xu hướng ở các quốc gia châu Âu khác như Thụy Điển và Hà Lan.
Tại sao Thụy Sĩ lại yêu thích tiền mặt đến vậy?
Có 2 lý do đơn giản để giải thích hiện tượng này: người dân đất nước này tin rằng sử dụng tiền mặt cho phép họ theo dõi chi tiêu dễ dàng hơn và tiền mặt được coi là một phần văn hóa của họ.
Bà Chris Troiani, 53 tuổi, đã xác nhận điều này và cho biết nhiều người quen của bà vẫn cảm thấy yên tâm khi mang những tờ tiền lớn trong ví. Theo Philippe Chappuis, 44 tuổi, việc SNB áp dụng lãi suất âm đã dẫn đến sự lo lắng nhất định trong lòng người dân, và tiền mặt thì hữu hình hơn: khi bạn cầm trên tay, bạn chắc chắn mình sở hữu nó. Jürgen Engler, giống như những thương nhân khác ở Marketplatz, Basel chỉ chấp nhận tiền mặt.
Jane Kettner, 29 tuổi, là một phần của thế hệ trẻ đang sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, nhưng cô vẫn thấy thanh toán bằng tiền mặt giúp cô kiểm soát tốt hơn chi tiêu của mình. Theo cô, khi tiền ở dạng điện tử, bạn sẽ tiêu nó nhiều hơn.
Người Thụy Sĩ ưa chuộng tiền mặt một phần là do cách họ nhìn nhận bản thân. Đây là một quốc gia coi trọng sự riêng tư và không muốn bị sai bảo phải làm gì. Họ cảm thấy mình khác với các nước láng giềng châu Âu và bảo vệ chặt chẽ những truyền thống tạo nên sự khác biệt của Thụy Sĩ bao gồm ngôn ngữ, hệ thống chính trị và tiền mặt.
Tương lai của phương thức thanh toán ở Thụy Sĩ
Theo Patrick Comboeuf, thành viên của Viện Kinh doanh kỹ thuật số thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng HWZ, Zurich và hội đồng quản trị Fintechrockers – một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà hoạt động tới từ nhiều lĩnh vực khác nhau, Thụy Sĩ cũng sẽ từ bỏ dần tiền mặt trong tương lai.
Tiền mã hóa và công nghệ blockchain vẫn là chủ đề nóng hổi đối với các công ty khởi nghiệp cũng như các công ty có danh tiếng ở Thụy Sĩ. Một nghiên cứu bởi Đại học Lucerne cho thấy tăng trưởng fintech ở Thụy Sĩ đã tăng tốc đáng kể trong năm 2018 cả về số lượng công ty và vốn đầu tư mạo hiểm.
Jonathan Rea, CEO của Foinder – công ty tư vấn kinh doanh tại Thụy Sĩ, tin rằng phải cần tới ít nhất 10 năm nữa để thanh toán bằng tiền điện tử xảy ra trong các giao dịch hàng ngày ở Thụy Sĩ. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, nhiều người Thụy Sĩ vẫn coi trọng sự ẩn danh và tự do mà tiền mặt mang lại cho họ.
EmoticonEmoticon