Văn hóa quẹt ngón cái trên điện thoại: Công nghệ làm cho mọi thứ tức thì, nên quan hệ giữa người và người trở thành sản phẩm mỳ ăn liền, hời hợt, qua loa

Thế giới tranh luận về vật lý lượng tử, bán vé tàu du hành không gian SpaceX giá có thể từ 100 ngàn đô trở lên để dọn nhà qua sao Hoả sống, ta vẫn còn lơ mơ tìm oan hồn trên vài nén khói nhang. Cuộc đời dời hết lên mạng, cuộc đời quá ảo, người quen ảo, bạn ảo, tiền ảo, tương tác ảo, đến vợ chồng, người yêu cũng ảo. Có phải ta đã lãng quên những cảm xúc thật, tình yêu thật, hạnh phúc thật có hương vị đậm ngọt đến thế nào?




Tôi vừa trở về Việt Nam sau một chuyến công tác dài tại Ả rập Saudi. Tôi nhớ chiều ngày 25/3 khi đăng đàn diễn thuyết tại khách sạn Ritz Carlton ở Jeddah, Saudi Arabia, tôi đến sớm và đứng bên ngoài sảnh phòng hội nghị.

Chợt có một ông Ả rập độ ngũ tuần bước đến hỏi, cô làm speaker ở phòng hội nghị này à? Tôi gật đầu. Ông hỏi tiếp May I know who you are? (Có thể cho tôi biết cô là ai không?) Câu hỏi rất thẳng thừng, May I know who you are – Có thể cho tôi biết cô là ai không? Và tôi nghĩ, có bao nhiêu lần trong đời ai đó bước đến và hỏi mình câu đó. Who am I? Tôi là ai? Who are you? Bạn là ai? Và cho tôi hỏi lại các bạn hôm nay, May I know who you are? Xin cho tôi biết bạn là ai.


Thế kỷ 21 là thế kỷ của những điều huyễn hoặc, thế kỷ của paradox – những điều nghịch lý. Chưa bao giờ trên thế giới mà vài ý tưởng mỏng manh của một vài bạn trẻ có lại có thể lật nhào những tượng đài thương hiệu sừng sững trăm năm, như cái cách mà Uber, Airbnb, hay Netflix đã làm.





Chưa bao giờ trên thế giới mà con người phải nhìn nhau và tự hỏi mình, cuối cùng con người là loài thượng đẳng hay là loài hạ đẳng đi làm thuê cho máy.


Chưa bao giờ mà khái niệm về đạo đức được đưa ra cãi vã khủng khiếp thế, xem ai, người hay máy, cuối cùng được cái quyền quyết định như thế nào là đạo đức trên thế gian này.


Chưa bao giờ mà những khái niệm mới như singularity – sự hợp nhất giữa người và máy được đặt ra, tranh luận chưa tới hồi kết thúc, nhưng đã có trường đại học được lập ra mang tên Singularity để dạy người phải hợp nhất với máy ra sao.


Và chúng ta, con người, chúng ta đang tồn tại thế nào?


Quốc gia dậm dật khởi nghiệp, nói về những con kỳ lân, nói về magic – phép thuật để có triệu đô tỷ đô thần thánh sau một đêm mơ hoang trên chiếu rách. Nhưng ta có phải đã quên đi gần 60% người dân trong nền kinh tế xám (shadow economy) đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tồn tại mỗi ngày? Họ về đâu trong nền kinh tế số hôm nay? Có phải bán được nhiều điện thoại thông minh là ta đã mang họ đi về phía nền kinh tế số? Hay ta cần làm như chính phủ Nigeria, dạy cho họ cách hội nhập vào nền kinh tế nhân lực đám mây?

Thế giới tranh luận về quantum physics – vật lý lượng tử, bán vé tàu du hành không gian SpaceX giá có thể từ 100 ngàn đô trở lên để dọn nhà qua sao Hoả sống, ta vẫn còn lơ mơ tìm oan hồn trên vài nén khói nhang.

Cuộc đời dời hết lên mạng, cuộc đời quá ảo, người quen ảo, bạn ảo, tiền ảo, tương tác ảo, đến vợ chồng, người yêu cũng ảo. Có phải ta đã lãng quên những cảm xúc thật, tình yêu thật, hạnh phúc thật có hương vị đậm ngọt đến thế nào?





Chúng ta lao đi, đầu óc rối tung hàng vạn những cột mốc muốn đạt được trong đời, lao vào những chằng chịt mơ hồ mà quên béng vì sao mình bắt đầu, mục đích ta xuất hiện và bước đi trong cuộc đời này là để làm gì nữa.


Chúng ta vội vã lao về phía trước nhưng bỏ quên chính mình lại phía sau. Công nghệ làm cho mọi thứ rất tức thì, nên quan hệ giữa người và người trở thành sản phẩm mỳ ăn liền, hời hợt, qua loa, lạnh nhạt.


Chúng ta nói về những điều lớn lao trong hành trình về phía trước, nhưng quên rằng trái tim mong manh chỉ rung động trước những điều giản đơn, mộc mạc, bình dị, đời thường.


Gửi đi một dòng tin nhắn trên messenger, check status đã xem, nhưng nào biết người ta có hiểu. Tin nhắn gởi đi, vừa gởi, chưa kịp hồi âm, đã giận dỗi vì trả lời quá chậm. Thế kỷ gì kỳ vậy? Văn hoá quẹt ngón cái trên điện thoại quên mất cách cư xử đàng hoàng, tử tế giữa những con người chân thật với nhau.


Chúng ta nói quá nhiều về cá nhân nhỏ bé với cái ngã mạn to vật vã của bản thân, nhưng quên mất rằng ta chỉ là hạt bụi li ti trong dãy ngân hà của lịch sử đà hàng triệu năm, của vũ trụ vốn bao la vô giới hạn.


Cuối cùng, ta là ai giữa những nghịch lý này?


Chưa bao giờ mà con người lại bị dằng xé dữ dội giữa hai thái cực như trong thế kỷ này. Như thế nào là đạo đức? Như thế nào là không đạo đức? Như thế nào là đúng là sai? Như thế nào là giá trị mà ta sẽ tạo ra? Như thế nào là cuộc sống như những chấm đen mơ hồ, vô nghĩa? Câu hỏi quăng vào vũ trụ nhiều lắm. Câu trả lời chẳng có.





Phải chăng đã đến lúc mỗi chúng ta phải tìm lại cho mình điểm khởi đầu, tìm lại cho mình điểm cân bằng, tìm lại chân giá trị, để đủ lặng mà nhìn rõ hơn thế giới lao xao ngoài ấy, để cái đầu thật nhanh nhưng trái tim thật chậm mà lắng nghe nhịp đập của trái tim chính mình. Đâu là cực đoan, đâu là con đường trung đạo? Đâu là sự nghiệp cuống cuồng, đâu hạnh phúc giản đơn? Đâu là nửa ảo cuộc đời đâu là nửa thật đến quặng đau? Đâu là sống và đâu là tồn tại?


Chân giá trị, Equilibrium – điểm cân bằng, là nơi tôi gặp bạn, là nơi ta gặp nhau để lại được làm người, để là một phần của thế giới thật, một phần của đám mây ảo, một phần của quê hương, một phần thế giới, một phần của quá khứ, một phần của tương lai, để tìm lại được chính mình trong thế giới hiện tại của chập chùng nghịch lý.


Gửi đi một dòng tin nhắn trên messenger, check status đã xem, nhưng nào biết người ta có hiểu. Tin nhắn gửi đi, vừa gửi, chưa kịp hồi âm, đã giận dỗi vì trả lời quá chậm. Thế kỷ gì kỳ vậy? Văn hoá quẹt ngón cái trên điện thoại,nháo nhào tìm nhau nhưng quên mất cách cư xử đàng hoàng, tử tế giữa những con người chân thật với nhau.


EmoticonEmoticon