Bước ra từ hội trường công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2018), ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội hồ hởi: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ (2015 - PV), TP Hà Nội có chương trình riêng nhằm nâng cao chỉ số PCI, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ là năm 2020 là sẽ đứng trong Top 10. Vậy mà năm nay đã lọt Top này, coi như đã vượt được 2 năm".
Báo cáo PCI 2018 ghi nhận Top 10 lần đầu tiên có sự góp mặt của thủ đô Hà Nội, với bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp.
Đăng ký kinh doanh chưa đến 3 ngày, đứng đầu cả nước về hút FDI
Ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội
Trong bảng xếp hạng PCI năm nay, Hà Nội vươn từ vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng năm ngoái lên vị trí thứ 9, với 65,4 điểm. Theo ghi nhận, có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%).
Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó, xuống còn 5% trong năm vừa qua.
"Giờ đăng ký kinh doanh đến 100% đăng ký qua mạng. Dạo trước, doanh nghiệp có thể mất 30 ngày, rồi 15 ngày, 7 ngày, giờ đăng ký kinh doanh tại Hà Nội chỉ khoảng dưới 3 ngày", Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội chia sẻ.
"Tất cả điều kiện đó tạo ra sự bùng nổ của hệ thống doanh nghiệp. Trong mấy năm trở lại đây, mỗi năm Hà Nội có thêm 22.000 - 24.000 doanh nghiệp. Việc này cho thấy việc gia nhập thị trường của hệ thống doanh nghiệp đã cải thiện rất tốt".
Ông Nam cho biết: Chỉ số gia nhập thị trường rất được TP Hà Nội quan tâm. Lãnh đạo thành phố và lãnh đạo ngành thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, tìm ra những điểm nghẽn đối với từng loại hình doanh nghiệp để tháo gỡ, từ vấn đề quy hoạch, đất đai, đến thuế, hải quan…
"Ví dụ khi thành lập một doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi kết nối luôn với bộ phận công an để làm con dấu, kết nối luôn với cơ quan thuế, với cơ quan hải quan và tài khoản ngân hàng, giúp cho doanh nghiệp rất nhàn", Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Học hỏi mô hình "Cà phê doanh nhân" của tỉnh bạn, lãnh đạo thành phố và lãnh đạo ngành gặp gỡ doanh nghiệp hàng tháng, thậm chí hàng tuần
Ảnh: Hà Nội mới.
"Có thể nói Hà Nội cũng học tập được nhiều các mô hình của tỉnh bạn như cà phê doanh nhân, cà phê doanh nghiệp, gặp gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp… Chúng tôi thường xuyên có những nội dung liên quan đến gặp gỡ doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khó khăn đối với từng lĩnh vực từ đất đai, quy hoạch, thuế, hải quan, cho đến những nội dung về vướng mắc khó khăn trong thời gian tới đối với cả doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Nam kể.
Mô hình "Cà phê doanh nhân" xuất phát ban đầu từ tỉnh Đồng Tháp, cũng là phương thức giúp Đồng Tháp nhiều năm giữ vững vị trí Top 5, và năm nay đã soán ngôi Đà Nẵng để giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng PCI.
Năm 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở các cấp huyện, thị. Do vậy, những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải tỏa khá hiệu quả.
Kết quả điều tra PCI 2018 cũng phản ánh phần nào đánh giá của doanh nghiệp về vấn đề này: 67% doanh nghiệp cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%); 87% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017).
"Việc tiếp xúc với doanh nghiệp, doanh nhân phải nói là hàng tháng với cấp lãnh đạo thành phố. Còn đối với lãnh đạo ngành, không phải tần suất gặp hàng tháng mà là hàng tuần, để doanh nghiệp có vướng mắc, khó khăn gì thì chúng tôi còn tháo gỡ kịp thời", ông Nam nói.
Năm 2018, 22 chỉ tiêu kinh tế xã hội của TP Hà Nội đều hoàn thành, trong đó hoàn thành vượt mức 8 chỉ tiêu, và một nửa trong số vượt mức đó là đã đạt được kết quả của định hướng đến năm 2020.
EmoticonEmoticon