Theo thông tin từ trang Yahoo Finance cuối tháng 11-2018, tài sản của các tỉ phú Mỹ tăng 12% trong năm 2017, trong khi tỉ lệ này đối với tỉ phú Trung Quốc là 39%.
Tỉ phú người Mỹ Warren Buffett từng nhận định rằng "vấn đề thực sự" đối với nền kinh tế hàng đầu thế giới là sự mất cân bằng về thu nhập. Tình hình cũng xảy ra như vậy ở nhiều nơi khác.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Tổ chức Từ thiện Oxfam, nhận định hiện tượng bùng nổ tỉ phú là triệu chứng của một hệ thống kinh tế đang suy yếu. Hơn nữa, sự tập trung tài sản vào tay một số người càng làm gia tăng mức độ bất bình đẳng về kinh tế trên toàn cầu.
Theo báo cáo của Oxfam hồi tháng 1-2018, trong năm 2017, tài sản của khoảng 3,7 tỉ người - tương đương phân nửa dân số thế giới - không gia tăng. Thay vào đó, 82% tài sản toàn cầu được tạo ra trong năm 2017 thuộc về khoảng 1% những người giàu nhất. Báo cáo này cho biết 42 tỉ phú sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số thế giới.
Thật khó hiểu lý do tỉ phú nghĩ họ cần sở hữu những số tiền khổng lồ và kiếm thêm nữa. Tuy nhiên, khi nói đến những gì họ khao khát, câu trả lời là: Nhiều lắm! Nhiều người còn đang dành công sức và tiền bạc cho mục đích gây ảnh hưởng với các chính phủ... Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua tại Mỹ, nhiều tỉ phú bỏ ra không ít tiền để hậu thuẫn các ứng viên ưa thích. Trong đó, chỉ riêng tỉ phú Sheldon Adelson đã chi 113 triệu USD cho các cuộc bầu cử liên bang.
Một số tỉ phú cũng cam kết dành phần lớn tài sản của họ cho hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, tài sản của họ lại đang tăng nhiều hơn so với số tiền cam kết hiến tặng. Năm 2010, tỉ phú Bill Gates có khối tài sản trị giá 54 tỉ USD khi cam kết trên được công bố. Con số này hiện tăng lên hơn 90 tỉ USD.
Tóm lại, khi tài sản tập trung vào ngày càng ít người, hầu hết dân chúng khắp thế giới rõ ràng là "người thua cuộc".
EmoticonEmoticon