Nhận đầu tư khủng, được bình chọn là ví điện tử số 1, nhưng năm 2019 của MoMo sẽ chẳng êm đềm với hàng loạt đối thủ siêu lớn

Cuộc chơi ví điện tử ở Việt Nam vốn đã không dễ dàng cho các đối thủ, nhưng năm 2019 này, cuộc chơi ấy lại càng nóng hơn khi những tập đoàn trị giá hàng tỷ đô đều đang tập trung vào mảnh đất nhỏ hẹp này.



Đón đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử đã được đầu tư mạnh mẽ trong vài năm gần đây, trong đó, các ứng dụng thanh toán trên di động đang dành được nhiều sự quan tâm nhất.

Momo

Momo đang là một trong những ví điện tử "nổi" nhất hiện nay với lợi thế được thành lập từ rất sớm và nhận được sự đầu tư mạnh mẽ của các quỹ đầu tư lớn.

CTCP Dịch vụ Di Động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị chủ quản của MoMo - được thành lập từ năm 2007 nhưng đến tháng 6/2014 thì ứng dụng MoMo mới chính thức được phát hành trên nền tảng Android và iOS cho người dùng di động.

MoMo hiện đang cung cấp dịch vụ Ví điện tử trên di động, Dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch (OTC) và nền tảng thanh toán (payment platform).

Điểm yếu của MoMo so với nhiều đối thủ sinh sau đẻ muộn là không nằm trong một hệ sinh thái nào do đó phải rất vất vả trong việc xây dựng và duy trì tập khách hàng. Bù lại, Momo sẽ có lợi thế của đơn vị "trung lập", có thể bắt tay được với nhiều bên mà không bị phân biệt "gà nhà" với "người ngoài". Cũng nhờ lợi thế đi tiên phong, MoMo hiện đang sở hữu mạng lưới rộng khắp với số lượng merchant lớn: hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, cho phép khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

GrabPay

Ví điện tử của công ty trị giá 10 tỷ USD đang có những bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Được đầu tư lớn cả về nhân lực lẫn tài chính, GrabPay công bố đã hỗ trợ liên kết 11 ngân hàng, gấp đôi so với con số 4 - 5 ngân hàng khi mới tích hợp Moca vào tháng 10.

Với việc công bố đã có được 1.000 cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội chấp nhận thanh toán bằng GrabPay, hãng cho thấy mình chính thức đặt chân vào cuộc chiến ví điện tử. GrabPay giờ đây không chỉ dùng cho thanh toán các dịch vụ của Grab nữa mà đã mở rộng ra bên ngoài.

Với việc đổ tiền mạnh vào GrabFood hay khuyến mại người dùng đi GrabCar hay GrabBike miễn phí khi dùng GrabPay, Grab đang tham vọng trở thành kẻ thống lĩnh ở thị trường O2O Việt Nam. Và để chắc chân ở thị trường này thì một ví điện tử GrabPay mạnh là điều cực kỳ cần thiết.



ViettelPay

Ví điện tử của Tập đoàn viễn thông quân đội vừa chào năm mới 2019 bằng một MV ca nhạc quảng cáo với cả chục người nổi tiếng từ Trường Giang, hoa hậu Tiểu Vy tới Justatee,... Khi các TVC quảng cáo chỉ cần 1 người trong đó thôi là đủ thì ViettelPay sẵn sàng làm gấp chục lần. ViettelPay cho thấy họ đã không chơi thì thôi, còn chơi thì phải lớn. Điều đó gợi nhớ tới màn trình diễn vô cực cạnh Hồ Gươm được dân trong ngành đánh giá có thể tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.

Đó là về mặt marketing và truyền thông. Còn về mặt sản phẩm, dù mới ra mắt nhưng Viettel Pay đã hỗ trợ nạp tiền từ tất cả các ngân hàng và hãng còn hỗ trợ rút tiền miễn phí vào tài khoản. Khả năng "tiêu tiền" trên ViettelPay thì chưa được đa dạng lắm do chưa có nhiều đơn vị liên kết. Mới chỉ là những tính năng cơ bản của ví điện tử gồm nạp tiền điện thoại, điện, nước, internet và một số dịch vụ cơ bản, đơn vị giáo dục.

VinID

Những bước đi mạnh mẽ gần đây của VinGroup ở mảng công nghệ cho thấy họ đã sẵn sàng phát triển giải pháp thanh toán đặt cạnh VinID (hoặc chính là VinID?). Hiện tại VinID mới dùng để thanh toán các dịch vụ cuả Vingroup như VinMart, VinMec, VinSchool,… và bán một số voucher nhỏ. Nhưng chỉ cần tưởng tượng tất cả các dịch vụ trong hệ sinh thái của Vingroup được tích hợp, các cửa hàng trong trung tâm thương mại Vincom đều sử dụng VinID để thanh toán, sẽ là một con số khổng lồ.

Có lẽ thách thức nhiều nhất với VinID là mở rộng thanh toán ra ngoài các dịch vụ của Vingroup. Tuy nhiên, Vingroup là tập đoàn có tiềm lực tài chính rất mạnh và đang thể hiện sự đầu tư quyết liệt vào chiến lược phát triển công nghệ. Bởi vậy việc bung mạnh mảng thanh toán sẽ chỉ là vấn đề thời gian.




Kết
Ngoài những tên tuổi mạnh và có sự đầu tư rõ nét trên đây, thị trường còn có sự góp mặt của rất nhiều thương hiệu khác nữa. Trong đó thậm chí có cả những đơn vị được đầu tư bởi các doanh nghiệp lớn như VNG (ZaloPay) hay SEA (AirPay), tuy nhiên về mặt chiến lược kinh doanh và chiến lược truyền thông của các đơn vị này đều khá mờ nhạt và chưa thực sự quyết liệt.

Cuộc chiến ví điện tử sẽ còn khốc liệt hơn trong năm 2019, chưa rõ các tay chơi lớn sẽ tung chiêu gì, nhưng rõ ràng người được lợi nhất là người dùng với vô vàn khuyến mại, và các chủ cửa hàng cũng được lợi không ít qua các chương trình thúc đẩy điểm bán và bớt phải quản lý tiền mặt, tiền lẻ.


EmoticonEmoticon