Chân dung nữ "đại gia" BĐS Dương Thị Bạch Diệp sở hữu chiếc Rolls-Royce đầu tiên tại Việt Nam vừa bị bắt, và khối bất động sản không ngờ

Thông tin về việc bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã gây “chấn động” trong giới doanh nhân và dư luận.




Theo tìm hiểu, nữ doanh nhân gốc Quy Nhơn, bà Dương Thị Bạch Diệp là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty cùng tên. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy, 2 công ty trong số đó đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại 2 công ty là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương ( Diệp Bạch Dương ) và Công ty TNHH Nam Nam Phương (Nam Nam Phương).


Trong đó, công ty Nam Nam Phương, được thành lập từ năm 2004, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Lầu 1, số 28 Lê Văn Hưu, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Công ty này ít được giới truyền thông chú ý, một phần có lẽ đến từ việc bà Dương Thị Bạch Diệp mới đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này từ tháng 10/2016 (theo thay đổi đăng ký kinh doanh do Phòng ĐKKD TP.HCM cấp).


Ở chiều hướng ngược lại, công ty Diệp Bạch Dương cùng nữ "đại gia" này đã trải qua nhiều sóng gió trên thương trường. Qua tìm hiểu được biết, Diệp Bạch Dương được thành lập ngày 24/4/2002, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 179Bis Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.


Công ty này hiện có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của: bà Dương Thị Bạch Diệp (57,54%) và bà Nguyễn Thị Châu Hà (42,46%).


Trong giai đoạn 2012 đến nay, trong khi nhiều "đại gia" bất động sản khác ghi nhận những bước tiến lớn, công ty Diệp Bạch Dương và bà chủ Dương Thị Bạch Diệp lại được đề cập xoay quanh các khoản nợ ngân hàng lên đến cả nghìn tỷ đồng, nợ thuế và các hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho các đối tác khác.


Vào năm 2014, thông tin về khoản dư nợ “khủng” của Diệp Bạch Dương có giá trị lên tới hơn 3.700 tỷ đồng (nợ gốc: 2.967,7 tỷ đồng, nợ lãi: 732,3 tỷ đồng) tại Chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã gây nhiều sự chú ý của giới truyền thông.


Từng chia sẻ với báo giới trước đây, vị nữ "đại gia" này cho rằng tổng tài sản trên giấy tờ của bà vào thời điểm 2016 ước khoảng gần 10.000 tỉ đồng. Còn doanh thu chính lâu nay là tiền từ cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân tôi, con gái bà cho công ty mượn vốn để hoạt động.


Như vậy, với thông tin công ty Diệp Bạch Dương đang nợ Ngân hàng Agribank 3.700 tỉ đồng, so với tài sản của doanh nghiệp có trong và ngoài nước thì không thành vấn đề. Chỉ cần công ty bán một số dự án lớn là đủ để giải quyết. Bởi các tài sản của công ty rất minh bạch, thuộc chủ quyền tư nhân, có vị trí đắc địa, sinh lợi cao.


Còn về lời đồn bà Dương vay tiền để mua chiếc xe siêu sang Rolls-Royce, trong một lần trả lời báo chí, bà cho biết chiếc Rolls-Royce biển số 77L – 7777 là món quà của con trai, con gái và con rể mua tặng cho bà. Số tiền bà mua xe là của cá nhân gia đình chuyển qua Công ty Diệp Bạch Dương tại Ngân hàng UOB để mua chiếc xe này.


Bà cũng khẳng định rằng hoàn toàn công ty bà không hề vay Agribank đồng nào để mua xe, vì thời điểm công ty thực hiện giao dịch với Agribank là năm 2009. Thời điểm mua xe là ngày 23/11/2007 (xe về đến Việt Nam ngày 28/1/2008). Giá tiền mua xe lúc đó là 496.360 USD, thuế nhập khẩu và thuế trước bạ 882.092 USD, phí vận chuyển 10.000 USD


Cũng theo bà Dương, với tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay và thị trường bất động sản còn trầm lắng, công ty cũng đã bán một số dự án, mặc dù những dự án đó nằm ở những vị trí đắc địa và có giá trị cao. Tuy nhiên, nếu để lại tiếp tục triển khai các dự án sẽ chịu rất nhiều áp lực bởi vì tình hình thị trường không tốt như dự báo trước đó.


Được biết, công ty của bà Dương có 6 dự án lớn tại TP.HCM, trong đó 4 dự án ở trung tâm quận 1, còn lại 2 dự án ở trung tâm quận 3. Còn khu đất trên đường Lê Văn Hưu, quận 1, rộng 1.100m2 đang sử dụng làm trụ sở công ty và nhà hàng, công ty giữ lại để làm dự án căn hộ và văn phòng cho thuê. Đồng thời cũng làm chỗ đi về cho gia đình sau này. Đây là một dự án cực kỳ giá trị.


Đáng chú ý trong số này, một trong số đó là dự án Senla Boutique tọa lạc tại khu đất có diện tích 789 m2, nằm ở ngay góc ngã tư, có 2 mặt tiền (số 111 Hai Bà Trưng và số 64 Lê Thánh Tôn - Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM). Dự án này được khởi công ngày 21/2/2013, được thiết kế với quy mô 15 tầng cao, 2 tầng hầm (chưa tính tầng lửng và tầng kỹ thuật). Theo quan sát, dự án này vẫn "án binh bất động" và nhiều thông tin cho biết bà đã chuyển nhượng cho một đối tác khác từ năm 2017.










Qua tìm hiểu được biết chủ mới là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang. Lúc này, dự án mới chỉ hoàn thành được phần thô và vẫn còn ngồn ngang vật liệu. Trước đó, vào đầu năm 2017, dự án Senla Boutique đã được rao bán với mức giá khoảng từ 860 - 900 tỷ đồng.


Tương tự, khu đất để xây dựng dự án khách sạn có tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng tại số 179Bis Hai Bà Trưng (Quận 3, TP. HCM) cũng đã được công ty Diệp Bạch Dương nhượng lại cho đối tác.


Dự án này được công bố vào năm 2009, quy mô hơn 3.000m2 bao gồm: 2 tầng hầm, 2 tầng lửng và 25 tầng lầu chia làm 2 khối (có công năng dành cho kinh doanh khách sạn và nhà hàng tiệc cưới). Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ trở thành công trình kiến trúc hiện đại và mang tầm vóc thế giới.


Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, Diệp Bạch Dương không có dấu hiệu triển khai dự án. Tới tháng 10/2014, Công ty TNHH Phan Thành khởi công xây dựng trung tâm mua sắm SaiGon Square 3 trên diện tích đất của dự án này.





Siêu dự án Khu khách sạn kết hợp Trung Tâm hội nghị tiệc cưới cao cấp tại 179Bis Hai Bà Trưng – quận 3 được công bố năm 2009 với quy mô hơn 3.000m2 và vốn đầu tư ban đầu hơn 2.600 tỷ đồng.





Hứa hẹn, đây sẽ là một công trình kiến trúc hiện đại và cao cấp mang tầm vóc thế giới, gồm 2 tầng hầm, 2 tầng lửng và 25 tầng lầu chia làm 2 khối có công năng đặc biệt phù hợp cho việc kinh doanh khách sạn và nhà hàng tiệc cưới. Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng sang chủ nhân mới, dự án vẫn "án binh bất động".


Một tài sản bất động sản khác là 18 căn nhà và 7 mặt bằng tại số 31 Lê Duẩn, quận 1 của Diệp Bạch Dương nằm trong phần mở rộng của dự án Tòa nhà Hữu nghị Việt Nam-Slovakia do Công ty CZ Slovakia thực hiện. Dự án ban đầu dự định triển khai trên khu đất 1.700 m2, chức năng trung tâm hội nghị quốc tế, văn phòng, cơ quan nghiên cứu, khu công sở.


Theo phản ánh của Công ty Diệp Bạch Dương, sau đó dự án được mở rộng thành hơn 4.000 m2 và thêm các chức năng như căn hộ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn. Việc mở rộng dự án làm 15 căn nhà của cá nhân và bảy mặt bằng của Công ty Diệp Bạch Dương bị thu hồi.


Để thu hồi khu đất này, UBND quận 1, TP HCM đã ký ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với mức giá 220 triệu đồng/m2 nhưng Công ty Diệp Bạch Dương vẫn tiếp tục khiếu nại, vì không đồng tình về giá bồi thường và muốn tự triển khai dự án trên mảnh đất của mình.


Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.


Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng làm cán bộ lao động tiền lương. Năm 1975 bà chuyển vào miền Nam.


Một thời gian bà Diệp công tác tại Công ty Vận tải thuỷ An Giang. Thời điểm đất nước mới giải phóng, kinh tế còn khó khăn, bà Diệp là một trong các cán bộ đấu tranh tránh nạn ăn cắp xăng dầu. Có thời điểm, bị đối tượng xấu thuê người giết hại nhưng bà đã thoát chết.


Năm 1994, bà Diệp đã từng bị tạm giam 6 tháng vì liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu, bị lừa hàng trăm lượng vàng. Tuy nhiên đến tháng 5/1995 bà được trả tự do vì không tìm ra bằng chứng phạm tội.


Sau thời gian đó, bà xin nghỉ chế độ chính sách và bắt đầu bước vào kinh doanh bất động sản. Nhiều thông tin cho biết ban đầu bà cư ngụ tại một căn hộ chung cư ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Khi ngược xuôi qua các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Diệp nghĩ rằng nếu các căn nhà cũ kĩ được sửa sang lại thì bán đi sẽ sinh lợi rất nhiều.


Bà Diệp nhanh chóng đưa những suy nghĩ của mình vào thực tế. Việc đầu tiên, bà sửa lại chính căn chung cư cũ của mình. Căn hộ chung cư đã được sửa lại đẹp đẽ và bán được với giá 12 lượng vàng.


Năm 1984, bà Diệp mua căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo với giá 4 lượng vàng. Ngoài số tiền bán căn chung cư cũ, bà tiếp tục vay mượn bạn bè để xây lại căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu hết 20 lượng vàng.


Vừa xây xong, căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo được bán cho Công ty Savimex với giá 80 lượng vàng. Có tiền "rủng rỉnh", bà Diệp tiếp tục mua những căn nhà khác rồi xây lại, sửa lại và trở thành đại gia trong ngành bất động sản với số vốn lên tới hàng ngàn lượng vàng.


Đến năm 2002, bà Diệp lập ra Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương. Đây cũng là thời điểm công ty nhanh chóng sơ hữu hàng chục biệt thự lớn và nhiều dự án “đất vàng” tại TP.HCM.


EmoticonEmoticon