Đội tuyển Việt Nam 2018 (kỳ 1): Xứng danh thế hệ vàng!? |
Những lời tán dương dành cho đội bóng được mệnh danh là “Thế hệ vàng mới” của tuyển Việt Nam sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có danh hiệu thực sự. |
Thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam kể từ ngày trở lại hội nhập là lứa cầu thủ huyền thoại Công Minh, Hồng Sơn, Huỳnh Đức… tỏa sáng cách đây tròn 20 năm. Ở thời điểm đó, không chỉ bóng đá mà mọi mặt đời sống ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Màn trình diễn của đội tuyển ở các sân chơi như Tiger Cup hay Sea Games để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ.
Hình ảnh đội bóng áo đỏ thi đấu vừa hòa hoa đẹp mắt, vừa kiên cường bất khuất thời đó nhanh chóng trở thành hình mẫu cho các tuyển Việt Nam sau này.Chính vì thế, cho dù không có danh hiệu chính thức nào, họ vẫn được xem là người hùng của đám đông cho đến ngày hôm nay.
Những năm sau đó, bóng đá Việt Nam tiếp tục sản sinh ra nhiều tài năng. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng ta có lại một đội tuyển có các ngôi sao trải đều các tuyến. Đáng tiếc nhất vẫn là lứa cầu thủ của Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh dính chàm tại Sea Games 23 khiến tuyển Việt Nam sứt mẻ mất một thế hệ có tiềm năng tạo ra sự thống trị bóng đá Đông Nam Á.
Cần biết rằng ở thời điểm đó, dù trải qua bê bối lớn và mất một số tài năng đặc biệt, tuyển Việt Nam vẫn nhanh chóng hồi phục và chứng minh sức mạnh bằng chức vô địch AFF Cup 2008. Đó được xem là thế hệ vàng thứ 2 của bóng đá Việt Nam, với những ngôi sao như Dương Hồng Sơn, Vũ Như Thành, Vũ Phong, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Minh Phương, Lê Tấn Tài, Lê Công Vinh…
Tuy nhiên, đội tuyển này cũng không đứng được trên đỉnh cao quá lâu phần lớn các trụ cột đều chín muộn. Bộ khung mà HLV Calisto dày công xây dựng nhanh chóng tan giã. Tuyển Việt Nam cũng đi xuống chóng mặt, từ chức vô địch đến bị loại ở bán kết 2010 và dừng bước ngay ở vòng bảng 2012.
Đó cũng là giai đoạn chuyển giao đầy đau khổ và thất vọng của bóng đá Việt Nam. Các đội tuyển liên tiếp thất bại ở giải đấu khu vực, chưa nói đến việc tạo ra bất ngờ ở tầm châu lục. Vẫn có những thời điểm người hâm mộ sống dậy hy vọng với HLV Miura và Hữu Thắng, nhưng ngay sau đó là vực sâu nghi ngờ.
Phải 10 năm sau kỳ tích năm 2008, Việt Nam mới có một lứa cầu thủ mới xứng đáng được kỳ vọng là thế hệ vàng mới. Đó là đội bóng do HLV Park Hang Seo nắm giữ hiện tại. Điểm đặc biệt ở thế hệ này là các ngôi sao sáng giá nhất đều còn rất trẻ, trải đều các tuyến và hứa hẹn mang đến những thành công to lớn trong tương lai.
Ở AFF Cup 2018, độ tuổi trung bình của tuyển Việt Nam chỉ là 23,7 tuổi, trẻ thứ 4 ở giải và trẻ hơn đáng kể so với các đối thủ lớn như Thái Lan, Philippines, Singapore hay Malaysia. So với đội U23 dự vòng chung kết U23 châu Á đầu năm nay, HLV Park Hang Seo giữ đến 15 cầu thủ. Đây là điều rất đáng lưu tâm vì nó cho thấy tuyển Việt Nam đang tạo ra một bộ khung cực kỳ vững chắc và đủ khả năng chơi bóng đỉnh cao trong nhiều năm.
Xét những trụ cột kể từ đầu giải, chỉ có Nguyễn Anh Đức là “lão tướng”. Tiền đạo của Bình Dương đã gần 34 tuổi! Thế nhưng, vị trí của Anh Đức đang có Tiến Linh nổi lên và cho thấy nhiều tiềm năng.
Các cầu thủ “có tuổi” khác như Nguyễn Trọng Hoàng (29 tuổi), Nguyễn Văn Quyết (27 tuổi) đều không phải trụ cột không thể thay thế của Park Hang Seo. Trong khi Trọng Hoàng chỉ là giải pháp tình thế vì Văn Thanh chấn thương nặng, thì Văn Quyết lại không có suất đá chính dù mang băng đội trưởng.
Ngược lại, những ngôi sao hàng đầu của tuyển Việt Nam lúc này đều còn rất trẻ. Văn Lâm, Ngọc Hải nổi bật như vậy những mới 25 tuổi, Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu... còn trẻ hơn nữa. Đệm giữa các cầu thủ này là lứa của Công Phượng, Xuân Trường cũng là những tên tuổi lớn. Nói cách khác, tuyển Việt Nam đang có dàn cầu thủ ngôi sao có tuổi đời trải đều từ 19 đến 25, khoảng tuổi tuyệt vời để đi cùng nhau đến đỉnh cao.
Trong những năm tới, khi những ngôi sao khác nổi lên, tuyển Việt Nam sẽ có được sự cạnh tranh vị trí khốc liệt, qua đó tự mình “tiến hóa” thêm một bậc. Đó là điều rất đáng chờ đợi, đặc biệt khi nhiều đại gia đã và đang đầu tư rất mạnh cho công tác đào tạo trẻ.
|
EmoticonEmoticon