Malaysia cứu vớt nền công nghiệp ôtô bằng cách bắt tay với Trung Quốc

Chiếc SUV X70 đánh dấu hợp tác giữa Geely và Proton, đồng thời nối lại quan hệ song phương giữa Malaysia và Trung Quốc sau căng thẳng hồi tháng 5.

Trung Quốc và Malaysia đang kỳ vọng vào một mối quan hệ song phương tốt đẹp hơn dựa vào chiếc Proton X70. Chiếc xe vừa được ra mắt hôm 12/12 là kết quả hợp tác giữa Proton Malaysia và tập đoàn Chiết Giang Geely Holdings của Trung Quốc. Buổi lễ có sự góp mặt của thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad.
Thủ tướng Mahathir Mohamad trong lễ ra mắt Proton X70.
Thủ tướng Mahathir Mohamad trong lễ ra mắt Proton X70.
Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng kể từ tháng 5/2018 khi thủ tướng Mahathir Mohamad đình chỉ một số dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc trúng thầu tại đất nước Đông Nam Á này.
Proton X70 được phát triển dựa trên chiếc xe bán chạy nhất của Geely là Boyue. Đây cũng là mẫu xe tay lái nghịch đầu tiên của hãng xe Trung Quốc. Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc cho biết, sau Malaysia, Proton X70 sẽ được mang đến những thị trường khác tại Đông Nam Á. Đây cũng được xác định là thị trường quan trọng của hãng trong bối cảnh doanh số bán hàng trong nước đang có dấu hiệu giảm xuống.
Tuy nhiên nhật báo Nikkei viết: "Nhiều nhà phân tích đặt ra dấu hỏi về sự thành công của Proton X70 trong một thị trường đang bị chiếm lĩnh bởi xe Nhật như Đông Nam Á".
Ban đầu, mẫu SUV của Proton sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Trong thời gian tới, hai nhà sản xuất ôtô đang có kế hoạch sản xuất xe tại Malaysia vào năm sau với khoản đầu tư lên tới 1,2 tỷ ringgit (tương đương 287 triệu USD). Geely mua 49,9% cổ phần của Proton từ tập đoàn DRB-Hicom vào tháng 5/2017. Nhà sản xuất ôtô Malaysia được chính Thủ tướng Mahathir thành lập trong thời gian đầu nắm quyền vào những năm 1980.
Buổi lễ ra mắt có sự góp mặt của An Conghui, chủ tịch Geely. Thủ tướng Mahathir phát biểu: "Kể từ khi hợp tác với Geely, Proton đã hồi phục trở lại. Tôi tin rằng, sự tăng trưởng sẽ ngày một cao nhờ sự xuất hiện của chiếc X70 mới nhất". Ông cũng cho biết, Proton trước đây thuộc sự quản lý của chính phủ Malaysia. Tuy nhiên, doanh số của hãng giảm dần theo thời gian bởi chất lượng thấp và thiếu các mẫu xe mới. Proton từng có thời kỳ chiếm tới 50% thị phần tại Malaysia, nhưng hiện tại con số chỉ dừng lại ở mức hơn 10%.
Những dấu mốc của DRB-Hicom
1980
 Tập đoàn công nghiệp nặng Malaysia (Hicom) được giao nhiệm vụ   chèo lái nền công nghiệp của đất nước này, giảm thiểu sự phụ thuộc   của nền kinh tế vào nông nghiệp.
1983
 Dưới sự dẫn dất của Hicom, Proton được thành lập bởi chính phủ   của Thủ tướng Mahathir Mohamad.
2000
 Hicom hợp nhất với mảng kinh doanh xe tải quốc gia và xe máy   thành lập tập đoàn đa ngành nghề Berhad (Diversified Resources   Berhad), đổi tên thành DRB-Hicom.
2005
 Etika Strategi thâu tóm DRB-Hicom. Đây là công ty được điều   hành bởi doanh nhân Syed Mokhar Albukhary.
2012
 Quỹ đầu tư Khazanah Nasional thâu tóm 42,7% cổ phần Proton   Holdings với khoản tiền 1,3 tỷ ringgit (tương đương 311 triệu   USD). Đơn vị này đề nghị bắt buộc những cổ đông còn lại hủy bỏ thương hiệu Proton vào tháng 5.
2016
 Tập đoàn này công bố khoản nợ xấu lên đến 991 triệu ringgit (237   triệu USD) của năm vào tháng ba. Tháng tư, chính phủ thông báo   khoản vay ưu đãi 1,5 tỷ ringgit (359 triệu USD) dành cho Proton.
5/2017
 Tập đoàn Geely Holdings thâu tóm gần một nửa cổ phiếu của   Proton và hãng xe thể thao của Anh là Lotus.
 12/2018 
 Geely và Proton ra mắt SUV X70, chiếc xe tay lái nghịch đầu tiên   hướng đến thị trường Đông Nam Á.
Nhà sản xuất ôtô Malaysia đã không thể kiểm soát sự sụt giảm, dù Mahathir là cố vấn thương hiệu và sở hữu cả thương hiệu xe thể thao Lotus của Anh. Geely là tập đoàn ôtô Trung Quốc, năm quyền kiểm soát với Volvo và có cổ phần tại Mercedes-Benz. Hãng xe của tỷ phú Li Shufu xuất hiện với hy vọng tái thiết Proton hồi năm ngoái với sự giới thiệu của cựu thủ tướng Najib Razak.
Tỷ phú Li Shufu vừa được chính phủ Trung Quốc vinh danh là một trong 100 "nhà tiên phong cải cách" nhân kỷ niệm 40 năm mở cửa và cải cách nền kinh tế của đất nước này. Ngoài ra, danh sách 100 người còn có sự xuất hiện của tỷ phú Jack Ma của Tập đoàn Alibaba Group và Pony Ma Huateng của Tencent Holdings.
Đối với DRB-Hicom, nhà lắp ráp các thương hiệu xe Nhật như Honda, Isuzu, Mitsubishi, chiếc X70 được xem như là báo hiệu cho một bước ngoặt mới đầy tiềm năng. Giám đốc điều hành tập đoàn, ông Syed Faisal Alba cho biết: "Đây là một sự hồi sinh đối với Proton. Geely cho động lực để nâng Proton lên một tầm cao mới bằng cách xuất khẩu sang Đông Nam Á".
Cả Geely và Proton khẳng định, mục tiêu của liên doanh này là mở rộng thị trường thông qua các đối tác quan trọng. Với doanh số hằng năm dưới 600.000 xe, thị trường xe hơi tại đây chưa thể sánh được với Thái Lan và Indonesia, hai thị trường xe tay lái nghịch. Tuy nhiên, việc triển khai sẽ phụ thuộc vào sự thành công của X70 tại thị trường trong nước. Chiếc xe này sẽ được trang bị những tính năng an toàn của Volvo, có giao diện giải trí điều khiển giọng nói được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, thủ tướng Mahathir vẫn thừa nhận rằng về cơ bản đây là một chiếc xe của Trung Quốc. Ông cũng nói thêm: "Trong tương lai, hãng sẽ sản xuất một chiếc xe 100% Malaysia. Những bản concept, thiết kế, thử nghiệm và sản xuất bởi người Malaysia".
"Mẫu xe này là điểm nhấn quan trọng để Proton phát triển trong tương lai", Chips Yap, trưởng ban biên tập chuyên trang Motor Trade Online của Malaysia cho biết. "Điều này cho thấy Proton đã thay đổi", anh nói thêm.
Tại Malaysia, các showroom của Proton được nâng cấp, tân trang lại. Các cuộc đàm phán với các đối tác tại cả hai nước đang được tổ chức. Nhà phân tích tại AmInvestment Bank, Al Zaquan cho biết: "Chúng tôi tin rằng, Proton X70 cần thật sự thành công tại thị trường trong nước trước khi nghĩ đến việc xuất khẩu ra nước ngoài".
Proton X70 sử dụng động cơ 1.8, có giá bán dưới 124.000 ringgit (tương đương 29.683 USD), rẻ hơn một vài đối thủ đến từ Nhật Bản. Proton cho biết, họ đã nhận được hơn 10.000 đơn đặt hàng trong ba tháng qua. Trong khi đó, đến hết tháng 10 năm nay, doanh số bán hàng của năm 2018 đạt 54.326 xe. Số liệu được công bố bởi một cơ quan công nghiệp.
Proton X70
Proton X70
Yap cho biết cần thời gian để người dân Malaysisa có thể quen với X70. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh: "Nếu thành công, đây sẽ là sự công nhận của thương hiệu Trung Quốc đằng sau chiếc X70. Điều này giúp xóa bỏ sự hoài nghi của nhiều người đối với ôtô Trung Quốc".
Trong buổi ra mắt vừa qua, An Conghui, chủ tịch Geely từ chối phát biểu. Ông nhường chỗ cho trưởng bộ phận thiết kế tập đoàn Peter Horbury giải thích những đường nét thiết kế của xe.
Những đất nước như Malaysia đang tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành thị trường quan trọng của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc. "Thị trường Trung Quốc đã ngừng tăng trưởng trong một thời gian dài. Thật khó để bán một chiếc xe đơn thuần", Lawrence Ang Siu-lun, giám đốc điều hành Geely Automobile Holdings chia sẻ. Tập đoàn này cũng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Geely đang kinh doanh tốt hơn những đối thủ của mình. Doanh thu tháng 11/2018 tăng 0,3% trong năm, so với mức giảm 14% của toàn thị trường Trung Quốc. Dù vậy, nhiều người vẫn cảm nhận rõ ràng được sự sụt giảm của toàn thị trường.
"Tôi không thấy dấu hiệu gì của sự phục hồi", Ang nói. Ông cũng dẫn thêm một vài trường hợp ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ. "Trường hợp của Huawei có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng", ông nói thêm. Mục tiêu 1,58 triệu xe trong năm nay của công ty có vẻ khó đạt được. Để hoàn thành, Geely cần bán hon 172.000 chiếc xe nữa trong tháng 12, hoặc nhiều hơn 12% so với năm ngoái.
Kelvin Lau của Daiwa Capital Markets ở Hong Kong xác nhận Geely thuộc nhóm cổ phiếu nên mua vào ngày 6/12 vừa qua với những triển vọng dài hạn. Tuy nhiên, ông nhận thấy những rủi ro của việc giảm doanh số kỳ vọng và sự tăng lên của giá bán trung bình.
Geely từng tập trung vào thị trường quê nhà khi đang tăng trưởng tốt, 98% doanh số xe bán ra được sản xuất tại Trung Quốc. Với việc thay đổi chiến lược này, Geely đặt kỳ vọng lớn vào đối tác đến từ Malaysia này.


EmoticonEmoticon