Bloomberg chỉ ra 2 tỷ phú mới trong năm nay của khu vực Đông Nam Á gồm ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan Group của Việt Nam và trùm địa ốc Indonesia Donald Sihombing.
Trong bài viết về sự suy giảm tài sản của nhóm tỷ phú châu Á trong năm 2018 vừa qua, tờ Bloomberg đã đề cập tới vấn đề căng thẳng thương mại toàn cầu và nỗi lo biến động cổ phiếu là những nguyên nhân khiến tài sản của 128 tỷ phú giàu nhất khu vực này giảm tổng cộng 137 tỷ USD. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ khi bảng xếp hạng 500 tỷ phú Bloomberg Billionaires Index được đưa ra vào năm 2012.
Khó khăn là vậy nhưng danh sách tỷ phú thế giới năm nay của Bloomberg vẫn "tuyển" thêm được những thành viên mới từ châu Á, lên tới 39 người. Hầu hết tỷ phú mới trong danh sách đến từ Trung Quốc, ngoài ra có 5 người từ Hàn Quốc, 4 người từ Nhật Bản.
Bất ngờ nhất khi nhắc tới khu vực Đông Nam Á, Bloomberg chỉ ra 2 tỷ phú mới trong năm nay gồm ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan Group của Việt Nam và trùm địa ốc Indonesia Donald Sihombing.
Là cổ đông chính của Công ty cổ phần Masan (Masan Corp) – đơn vị đang sở hữu công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group – ông Nguyễn Đăng Quang được ngầm hiểu là người sở hữu nhiều cổ phần nhất.
Cụ thể, dù chỉ trực tiếp nắm giữ vỏn vẹn 15 cổ phiếu Masan Group nhưng ông Quang cùng một lãnh đạo chủ chốt khác là ông Hồ Hùng Anh nắm giữ phần lớn cổ phần của Masan Group thông qua 2 pháp nhân là Masan Corp và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn.
Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ 45,34% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 41.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại. Theo một số nguồn tin, ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đang cùng nhau nắm giữ ít nhất 90% cổ phần của Masan Corp.
Tháng 2 năm nay, số cổ phần cùng tài sản riêng trong tay ông Quang được Bloomberg ước tính vào khoảng 1,2 tỷ USD.
Ông quang khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1990 sau nhiều năm học tập tại Nga. Tại đây, ông tốt nghiệp thạc sỹ từ Đại học Kinh tế Plekhanow Russian và sau đó còn nhận một học vị Tiến sỹ về lĩnh vực khoa học công nghệ từ Học viện Khoa học quốc gia Belarus.
Thời kỳ đó, vị tỷ phú này đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại Nga và quyết định bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây. Công việc kinh doanh thuận lợi, cuối cùng ông đã xây nhà máy sản xuất 30 triệu gói mì mỗi tháng và mở rộng sang đậu nành, cá và tương ớt. Theo sau thành công tại Nga, ông quay lại Việt Nam vào năm 2001 và chuyển hướng kinh doanh tập trung sang thị trường quê nhà.
Kantar Worldpanel – đơn vị theo dõi thói quen người tiêu dùng đã xếp Masan Consumer là 1 trong số 3 thương hiệu thực phẩm lớn nhất Việt Nam vào năm ngoái bên cạnh Unilever và Vinamilk.
Masan nổi tiếng với những loại nước mắm như Chin-su và Nam Ngư. Ngoài kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan còn sở hữu 13,9% cổ phần tại Techcombank – thông qua cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.
Khả năng IPO của ngân hàng này cũng đóng góp cho đà tăng giá cổ phiếu của Masan.
Như vậy, theo xếp hạng của Bloomberg, ông Quang là tỷ phú đôla thứ 3 tại Việt Nam cùng với ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg
EmoticonEmoticon