Độc quyền, Grab bị khách hàng than vãn huỷ cuốc không lý do

Nhiều tuần nay trên fanpage chính thức của Grab hàng loạt các bình luận của khách hàng phản ánh về tình trạng bị hủy chuyến vô tội vạ. Nhiều người cho rằng đây chính kết quả của việc Grab “độc quyền” trên thị trường dịch vụ taxi và xe ôm công nghệ.



Dưới nhiều bài đăng tải trên fanpage chính thức của Grab , không khó để tìm thấy hàng chục bình luận của khách hàng phản ánh về tình trạng bị hủy chuyến vô lý. Các khách hàng đều thể hiện thái độ vô cùng gay gắt và thất vọng với thái độ phục vụ của nhiều graber.


Một khách hàng có tên tài khoản Bibi Trần, thường xuyên sử dụng dịch vụ grabbike phản ánh, vô cùng búc xúc với thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp của dịch vụ grab.


"Tôi là khách hàng ngày nào cũng đi grap it nhất là 2 lần mà mỗi lần có thể đợi tài xế từ 10- 20 phút. Nhưng hôm qua khi tôi chưa kịp xuống, nhìn đồng hồ đúng 3 phút vừa chạy xuống đã thấy grap phi xe đi mất. Tôi gọi lại tiêu gọi thì tài xế không nghe máy. Khi đó tôi đang rất vội", bạn Bibi Trần bày tỏ.


Ngay dưới bình luận của bạn có nickname Bibi Trần, fanpage đưa ra phản hồi giải thích và xoa dịu khách hàng. Theo đó, hãng cho biết theo quy định, tài xế có thể đợi khách hàng trong vòng 5 phút khi đã đến điểm đón, nếu khách muốn lái xe chờ thêm cần phải có thoả thuận từ hai bên.


Tuy nhiên, giải thích này khiến nhiều khách hàng không hài lòng, bởi Grab chưa có chính sách rõ ràng về việc xử phạt đối với những tài xế tự ý hủy chuyến xe của khách hàng.


Tương tự, khách hàng Bảo Tuyên cũng chia sẻ từng bị "bùng" chuyến không lý do sau 20 phút đợi tài xế. Theo người này, khi đợi quá lâu không thấy tài xế nhận chuyến đến đón bạn đã nhắn tin và gọi điện nhưng không nhận được phản hồi. Kết quả là Bảo Tuyên bị trễ công việc gần một tiếng đồng hồ.


Ngay dưới bình luận của Bảo Tuyên, một số tài khoản của một số tài khoản của tài xế Grab lý giải nguyên nhân không nhận chuyến "Đi Grab pay còn khuyến mãi nữa, nên tôi thấy không thích và không chạy chứ gì mà hỏi" hay "toàn khuyến mãi vs Grab pay ai chạy?".




Những chia sẻ khó hiểu ngay trên trang xã hội của ứng dụng Grab.


Bảo Tuyên cho rằng, việc Uber rút khỏi Việt Nam đồng nghĩa với Grab không còn "đối thủ" trên thị trường ở mảng gọi xe nên chất lượng dịch vụ có phần đi xuống, kém cạnh tranh. Hiện tại, một số ứng dụng khác ra đời với giá rẻ hơn và chất lượng phục vụ cũng được chú trọng hơn nhiều nhưng số lượng tài xế còn quá ít.


Trước đó, ngày 26/3, Uber Technologies đã đồng ý bán toàn bộ hoạt động ở khu vực Đông Nam Á cho Grab. Theo đó, Grab sẽ thâu tóm toàn bộ hoạt động của Uber ở khu vực Đông Nam Á có tới 620 triệu dân bao gồm cả dịch vụ chuyển đồ ăn UberEats.


Đổi lại, Uber đã có 27,5% thị phần trong công ty mới hợp nhất đồng thời giám đốc điều hành của Uber sẽ tham gia vào ban điều hành của Grab có trụ sở ở Singapore.


Ngay khi Uber rút khỏi Việt Nam nhiều chuyên gia đánh giá việc Grab hoạt động độc quyền sẽ xảy ra những tình trạng như giá cuốc xe tăng cao, ưu đãi mã giảm giá không còn nữa, tài xế sẽ là người chịu thiệt thòi... Không ngoài dự đoán, theo nhiều khách hàng, hiện tại giá cước xe của Grab liên tục tăng từ 10.000- 20.000 đồng/ chuyến.


Giải thích cho vấn đề này, trên fanpage cho rằng, giá cước trên ứng dụng Grab là giá cước cố định và có biểu phí linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu khách hàng và số lượng xe tại khu vực. Nếu cước phí đang trong thời điểm tăng cao, khách hàng có thể chờ vài phút để đặt lại hoặc có thể chuyển đổi loại hình dịch vụ phù hợp để di chuyển.


EmoticonEmoticon