Thông qua việc hiểu rõ về 4 yếu tố này, các bạn sẽ hình dung được "bản thân mình đang ở đâu, và bạn sẽ muốn đi đến đâu và đi như thế nào để đến đó" tốt hơn.
* Đọc xong một cuốn sách nào đó có nghĩa là bạn đã có kiến thức tốt về chủ đề đó chăng?
* Trải nghiệm làm việc tại một vị trí trong vài tháng có đủ để gọi đó là kinh nghiệm làm việc?
* Dành hết "cả cuộc đời" để gõ văn bản có đảm bảo bạn có kỹ năng tin học văn phòng?
Có lẽ, lúc viết CV và lúc đi phỏng vấn sẽ là những cơ hội cấp thiết nhất giúp bạn nhìn nhận lại những gì bạn có, chưa có và cần phải bổ sung phát triển để đảm bảo công việc được hoàn thiện tốt và việc phát triển của bạn là đang đi đúng định hướng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy "4-K" này bị hiểu nhầm rất thường xuyên. Đôi khi bị sử dụng thay cho nhau trong nhiều hoàn cảnh. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ góc nhìn của mình về 4 chữ K sau:
1. Khả Năng
2. Kiến Thức
3. Kinh Nghiệm (và đi kèm Trải Nghiệm)
4. Kỹ Năng
Thông qua việc hiểu rõ về 4 yếu tố này, các bạn sẽ hình dung được "bản thân mình đang ở đâu, và bạn sẽ muốn đi đến đâu và đi như thế nào để đến đó" tốt hơn. Nói cách khác, đó là bạn có thể định hướng phát triển bản thân một cách cụ thể hơn, lựa chọn những công việc có tính lộ trình hơn là chỉ đáp ứng những nhu cầu tạm thời và không mang tính bền vững về sau cho việc phát triển sự nghiệp.
1 - Khả Năng
Có thể nói, chữ K duy nhất trong 4 yếu tố mang tính phụ thuộc đến những gì được gọi là "trời phú" là yếu tố KHẢ NĂNG. Yếu tố này, đôi khi được gọi bằng từ "Năng Lực". Nhưng tôi cho rằng hai cụm từ này không thể được dùng thay thế nhau được. Vì nghĩa của Năng Lực bao hàm trong đó yếu tố Khả Năng. Năng lực là sự tổ hợp của 4 chữ K này để từ đó tạo nên "lợi thế cạnh tranh" của một người là gì. Trong tiếng Anh, khả năng được gọi là Ability và năng lực gọi là Competency.
Nói đến yếu tố "trời phú", tức về tự nhiên, cá nhân đó có sẵn những khả năng nhất định. Ví như có người hát hay, giọng hát ngọt ngào và có khả năng bắt kịp nhịp điệu và âm vực mà không cần phải qua trường lớp đào tạo nào cả. Nhưng cũng có những cá nhân hoàn toàn không tài nào có thể vẽ một đường thẳng tấp trên tờ giấy được. Khả năng, vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự có, tự nhiên của một người.
Các bài kiểm tra đánh giá tính cách, hành vi, theo tôi quan sát thấy, chú trọng khai thác được vấn đề Khả Năng của một người là gì. Ví dụ như khi làm bài đánh giá Gallup Strengths-Finder, là bài kiểm tra giúp tìm ra 5 điểm mạnh nhất của một người và các điểm mạnh phụ khác. Khi xem qua các điểm mạnh này, tôi nhận ra rằng nó liên quan đến việc miêu tả khả năng/thiên hướng của người thực hiện nhiều hơn là xem xét các yếu tố về kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, v.v...
5 điểm mạnh mà Gallup xác định giúp mình đó là: Khả năng kết nối cá nhân (Relator), Khả năng nhìn thấy mối liên hệ của sự vật và sự việc (Strategic), Khả năng suy tính kỹ lưỡng (Deliberative), Khả năng thu thập kiến thức và học hỏi (Learner) và Khả năng (yêu thích) giải quyết vấn đề bất kì (Restorative).
Miêu tả sơ bộ 5 điểm mạnh này thiên về xu hướng tôi THÍCH hơn là tôi CÓ THỂ. Khó khăn lớn nhất của mỗi người trong việc định hướng công việc, có thể nói, đó là phát hiện ra, hoặc cân bằng giữa những điều mình THÍCH và những điều mình CÓ THỂ làm vào chung một công việc. Vì vậy, Khả Năng đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định mức độ một người có thể làm chủ một vấn đề nào đó.
Một người hát hay sẵn, nếu được đào tạo và rèn luyện tốt sẽ có thể đạt mức "diva". Nhưng một người khả năng hát hoàn toàn không có, dù có qua trường lớp đào tạo và luyện tập cật lực đi nữa, thì mức độ hoàn thiện cũng sẽ không bằng đối tượng kia. Việc phát hiện và tìm hiểu về thiên hướng, khả năng của bản thân sẽ giúp bạn chọn lọc được một số ngành nghề, công việc phù hợp để giúp bạn phát huy tốt nhất.
Hiện tại, tôi nhận thấy có 2 cách tốt để giúp phát hiện ra khả năng của bản thân.
Cách đầu tiên là hãy đầu tư vào những bài kiểm tra đánh giá tính cách, hành vi để có những gợi ý nhất định về việc bản thân bạn mạnh về điều gì. Mình đã làm các bài test tính cách như Big Five IPIP, MBTI, Nielsen, v.v.
Nhưng theo đánh giá của tôi thì các bài kiểm tra này cho ra kết quả chung chung và chỉ miêu tả toàn diện về cá nhân, không gợi ý cụ thể được thiên hướng của họ là gì. Cho đến thời điểm hiện tại thì tôi vẫn thấy Gallup đưa ra kết quả mình tự nhìn lại đánh giá và ứng dụng cho sau này được. Tuy nhiên, bài kiểm tra chỉ giúp gợi ý. Nếu bạn muốn khai thác kết quả tốt, bạn sẽ cần tới một Người Huấn Luyện - Coach chuyên về bài kiểm tra đó (ví dụ MBTI và Gallup đều có khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho những cá nhân muốn trở thành Coach cho các bài kiểm tra này). Chỉ những người Coach được đào tạo để sử dụng kết quả đánh giá của các bài kiểm tra này mới giúp bạn phân tích được tường tận nhất các kết quả và giúp bạn định hướng phát huy những yếu tố đó ra sao.
Cách thứ 2 đó là hỏi hết tất cả những người bạn quen biết trong công việc và trong mối quan hệ cá nhân về nhận xét của họ về bạn là gì. Ngày xưa tôi có hỏi mọi người một câu chung là "Bạn sẽ tìm đến tôi cho việc gì/khi cần điều gì/để làm gì/v.v?". Câu trả lời mình có được khi đó là để tìm lời khuyên, tìm sự phân tích bao quát, v.v Và nó khá giống với khả năng Relator/Strategic mà kết quả Gallup chỉ ra cho tôi.
Lý do tôi chỉ hỏi rằng người khác đến với mình vì điều gì, cho mục đích gì là vì trong công việc, nhà tuyển dụng, khách hàng cũng chỉ tìm đến mình vì mình có giá trị với họ và giải quyết được khó khăn của họ, giúp họ phát triển được.
2 - Kiến Thức
Một trong những lời phàn nàn tôi nghe nhiều nhất, và bản thân ngày xưa cũng không ít lần thốt ra, đó là "Học đại học ra không dùng được!". Nhưng sự thật có đúng là vậy hay không? Tôi nhận thấy, nhận xét này thiếu rất nhiều cơ sở để xác định tính đúng đắn của nó:
- Thiếu hoàn cảnh xét đến đó là ở Việt Nam, công tác định hướng sự nghiệp chưa được thực hiện (hoặc có cũng không bài bản, theo hệ thống một cách khoa học). Cho nên, khi vào đại học, chúng ta chỉ chọn theo sở thích hoặc theo xu hướng ở thời điểm đó. Hiển nhiên, nếu không xuất phát từ một kế hoạch có lộ trình, mục tiêu thì những lựa chọn cũng sẽ không khôn ngoan và hợp lý theo.
- Bản chất của việc học là để tích lũy kiến thức. Hình thức đào tạo - Training là để cung cấp thông tin và kiến thức. Nặng về lý thuyết và ít cơ hội để ứng dụng trong quá trình học tập. Cho nên, sau khi học xong đại học, chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình phải có đủ khả năng giải quyết công việc. Nhưng khi bước chân vào công việc đầu tiên, chúng ta cảm thấy như chưa bao giờ được học gì cả và phải học lại từ đầu mọi thứ. Thật ra, nếu làm công việc theo chuyên ngành học, bạn sẽ có nền tảng kiến thức để ứng dụng vào công việc và thực hành dựa trên đó. Nhưng nếu làm việc trái ngành, thì công tác Re-training (đào tạo lại) là việc hiển nhiên.
Có thể nói, Kiến Thức là điều kiện cần khi thực hiện công việc nào đó. Và cần rất nhiều lần áp dụng kiến thức đó - trải nghiệm, để rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình. Mặt khác, kiến thức có thể được tích lũy bằng rất nhiều cách: đọc sách, theo học các chương trình - khóa học nào đó, cập nhật tin tức, nghiên cứu tài liệu trên mạng, trao đổi với nhiều người khác nhau, v.v... Bạn có thể đọc sách về kỹ thuật cắt tóc nhưng không có nghĩa bạn có kỹ năng cắt tóc. Hãy áp dụng kiến thức - thông tin của mình nhiều lần, quan sát, đánh giá, rút kinh nghiệm từng chút một để thật sự phát triển, hình thành được kỹ năng cụ thể.
Một điểm khác tôi muốn nói đến ở đây đó là bạn không cần thiết phải cảm thấy là "người ngoại đạo" nếu muốn theo đuổi một ngành nghề nào khác. Bạn không nhất thiết phải học thêm một bằng đại học nào đó để có thể chuyển ngành. Dù cho bạn có học kỹ thuật điện tử, nhưng muốn làm biên tập viên tòa soạn thì hãy cứ nghiên cứu lộ trình để trở thành biên tập viên yêu cầu bạn những loại kiến thức, kỹ năng gì. Và xác định cách để bạn đào tạo lại hiểu biết của mình nhanh nhất để có thể "rẽ hướng" thành công.
3 - Kinh Nghiệm
Điểm thú vị trong quá trình xem xét hồ sơ ứng tuyển hay góp ý cho việc viết CV từ trước đến bây giờ, là tôi nhận ra khi viết mục Kinh Nghiệm Làm Việc, mọi người có xu hướng đưa hết những thông tin được liệt ra trong bản mô tả công việc (JD) của những vị trí từng đảm nhận vào mục này.
Thật ra, đôi khi người viết ra JD đó, tạo ra vị trí đó cũng không biết nên tuyển một người như thế nào vào hay thực tế làm việc của vị trí đó ra sao. Nếu bản thân người viết cũng không rõ vị trí đó cần làm gì, có năng lực ra sao, yêu cầu những vấn đề gì thì phần lớn tính chất công việc đó sẽ do người nhân sự được tuyển vào xây dựng dần trong quá trình làm việc. Mặt khác, nếu tình cảnh này diễn ra, ít có trường hợp nào nhân sự sẽ yêu cầu được chỉnh sửa JD trên hợp đồng làm việc. Và sau đó thì vẫn sử dụng JD cũ để điền vào CV về sau.
Quay lại với vấn đề Kinh Nghiệm. Đây là những gì bạn đã thực sự làm, trải nghiệm qua đủ để rút ra được cách giải quyết của riêng của bạn cho công việc đó. Khi đó, những trải nghiệm đó trở thành Kinh Nghiệm của bạn. Trường hợp này, may mắn thay tiếng Việt của chúng ta có hai cụm từ Trải Nghiệm và Kinh Nghiệm. Trong khi đó, tiếng Anh chỉ có duy một từ Experience. Có lẽ vì vậy nên khi dịch sát nghĩa Work Experiences sang tiếng Việt thì thành Kinh Nghiệm Làm Việc. Từ đó, các thông tin nêu trong mục này không sát với thực tế và không có giá trị cao trong việc hiểu về quá trình làm việc của một người. Vì vậy, theo sau CV, luôn luôn phải phỏng vấn trực tiếp, hỏi nhiều về bản chất trải nghiệm việc làm của ứng viên thì mới xác định được một người có kinh nghiệm liên quan sâu đến đâu.
Kinh nghiệm cho biết bạn ĐÃ LÀM những việc tương tự hay đúng việc đó hay chưa. Và bạn có BIẾT CÁCH LÀM TỐT những công việc đó hay không. Những bài học rút ra từ kinh nghiệm có tính chuyển đổi được. Tức bạn có thể có kinh nghiệm tư vấn sản phẩm điện máy, thì bạn cũng có thể áp dụng kinh nghiệm đó vào trong việc tư vấn sản phẩm gia dụng hoặc xa hơn , có thể là sản phẩm giáo dục (với sự điều chỉnh ở mức độ nhất định khi áp dụng). Đối với tôi, để trả lời được vấn đề mình có kinh nghiệm về việc gì đó hay không. Tôi sẽ trả lời những câu hỏi sau:
1. Tôi có định hình được các bước giải quyết công việc đó không?
2. Tôi có thực hiện các bước này tốt hơn những người khác có cùng số năm đi làm trong cùng lĩnh vực hay không?
3. Kết quả công việc của tôi trong việc này được đánh giá tốt đến đâu?
Khi viết mục Kinh Nghiệm Việc Làm, tôi cũng sẽ nhìn lại JD của vị trí đã đảm nhận và trả lời hết 3 câu hỏi này cho từng mục công việc được liệt kê. Chỉ khi nào trả lời được hết cả 3 câu này thì tôi mới đưa công việc đó vào trong vị trí ghi trên CV. Cách duy nhất để có được kinh nghiệm làm việc tốt, là hãy thường xuyên đánh giá hiệu quả - hiệu suất làm việc của bạn cho công việc đó, tìm cách cải thiện chất lượng và quy trình công việc để thật sự nắm bắt được cách giải quyết tối ưu của riêng bạn cho công việc đó.
4 - Kỹ Năng
Yếu tố kỹ năng có thể nói là tạo ra một thị trường sôi nỗi của mảng đào tạo - giáo dục. Trong bối cảnh kinh tế ngày nay, bất kì ai cũng cần phải luôn cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng để vẫn có lợi thế cạnh tranh với các nhân sự khác trên thị trường tuyển dụng. Như đã giải thích trong phần Kiến Thức, các khóa "đào tạo kỹ năng" không giúp bạn hình thành và phát triển kỹ năng được. Giới hạn của các khóa đào tạo này nằm ở chỗ cung cấp kiến thức nền tảng, mô hình - framework để bạn có cơ sở lên kế hoạch xây dựng kỹ năng đó cho bản thân mình.
Ví dụ, bạn có thể theo học khóa học Kỹ Năng Thuyết Trình để biết và hiểu về các yếu tố giúp cho việc nói trước đám đông, trình bày thông điệp làm sao cho hiệu quả nhất. Nhưng bạn cần phải luyện tập các kỹ thuật, yếu tố đó qua rất nhiều lần thuyết trình thực tế. Đồng thời, sau mỗi lần thực hành, tự rút ra bài học trải nghiệm cho bản thân. Thì sau những kinh nghiệm đó, bạn mới hình thành được Kỹ Năng. Lưu ý, kỹ năng có thể bị "suy giảm" nếu bạn không thường xuyên luyện tập, cập nhật, phát triển nó.
Mức độ hiệu quả sẽ nói lên rất nhiều về kỹ năng nào đó của bạn đang ở trình độ căn bản, trung bình hay thành thạo. Một người có kỹ năng sử dụng PowerPoint ở mức căn bản có thể thao tác với các công cụ phổ biến nhất trong phần mềm đó, tạo ra được những file trình chiếu đơn giản. Nhưng một người có khả năng cao cấp, thành thạo hơn sẽ có thể sử dụng PowerPoint để thiết kế motion graphic video, hay tạo các file có độ tương tác cao với người xem và cũng có thể mang tính thẩm mỹ cao.
Để phát triển kỹ năng, bạn không nhất thiết phải biết quá nhiều kiến thức, mà hãy tích lũy kiến thức vừa đủ, và đặc biệt là đúng lúc. Hơn hết là ứng dụng, thực hành những kiến thức đó một cách thuần thục. Sau đó tiếp tục nghiên cứu thêm và tiếp tục ứng dụng, thực hành thêm. Việc luyện tập, thực hành một cách có ý thức, đánh giá cụ thể sẽ giúp quá trình phát triển, hoàn thiện kỹ năng diễn ra hiệu quả hơn.
Trong khuôn khổ thông tin bài viết này, tôi mong rằng sau khi đọc, bạn sẽ hiểu được rằng đối với công việc hiện tại và sau này, bạn xác định được mình cần tập trung phát triển yếu tố nào, theo thứ tự ưu tiên ra sao và có kế hoạch cụ thể hơn. Ví dụ, nếu bạn muốn chuyển ngành làm việc, có thể bạn sẽ cần phát triển yếu tố Kiến Thức (cập nhật tình hình thị trường ngành, hiểu về các yếu tố cơ bản trong ngành đó, v.v), sau đó xem xét các Kỹ Năng hiện tại của bạn có thể chuyển đối sang ngành mới hay không hay cần phải xây dựng mới một vài kỹ năng nào khác, v.v...
Chúc các bạn ngày càng phát triển tốt.
Tú Phan - Project Manager cum Internal Coach của PIKE Vietnam
Theo Trí Thức Trẻ
EmoticonEmoticon