Fastgo bị nghi ngờ khả năng "chia đất" với Grab, CEO Nguyễn Hữu Tuất tự tin khẳng định có cách làm và tầm nhìn rất riêng

Mặc dù không tiết lộ giá trị đầu tư, bởi VinaCapital sẽ rót vốn dần, đồng thời hướng đến mục tiêu làm xong tại Việt Nam sẽ tiến quân ra nước ngoài, CEO Fastgo có bật mí con số vốn từ VinaCapital thực tế hơn 3 triệu USD.






Câu chuyện cạnh tranh trên thị trường vận tải bằng ứng dụng có lẽ chưa bao giờ nguội, từ lúc Uber nhường lại thị trường Đông Nam Á, không ít các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu các động thái đẩy nhanh quá trình ra mắt ứng dụng gọi xe. Các ứng dụng có thể kể đến hiện nay là VATO, Xelo hay loạt ứng dụng mới ra mắt thị trường vào đầu tháng 6 như Fastgo, ABER đều đang đẩy mạnh hoạt động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cả tài xế và khách hàng.


Tuy nhiên, đến nay hầu hết các tên tuổi trên có vẻ đang "chìm" dần, nguyên nhân theo phía dư luận chưa có gì thực sự đột phá, vì thực chất mọi mô hình vận tải đều giống nhau về ý tưởng. Ngoại trừ Fastgo, sau 3 tháng thành lập, ứng dụng này hiện đã chiếm 20% thị phần, đứng thứ 2 thị trường ứng dụng gọi xe và có tốc độ phát triển tương đối khả quan.


3 tháng có mặt thành 3 thành phố lớn, chiếm 20% thị phần ứng dụng xe


Chính thức ra mắt vào tháng 6/2018 tại Hà Nội, thời gian ngắn sau đó Công ty đã có mặt tại Tp.HCM và đầu tháng 9 này triển khai tại thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch được chia sẻ bởi ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO, sáng lập Fastgo – Công ty dự kiến sẽ ra mắt tại 6-8 thành phố khác.




Ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO Fastgo Việt Nam.


Tính đến nay, mạng lưới của Fastgo gồm 15.000 đối tác xe ô tô và xe máy tại Tp.HCM cũng như Hà Nội, đơn vị đã kết nối thành công hơn 15.000 chuyến đi trong tháng 8/2018. So với hơn 1.000 xe đăng ký hôm ra mắt hồi tháng 6, hiện FastGo đã có hơn 4.000 xe cá nhân và 1.000 taxi của 25 hãng tại Hà Nội tham gia ứng dụng.


Theo thống kê trên hệ thống tính đến tháng 8, Fastgo có 16.000 khách hàng tải ứng dụng và có khoảng 25.000 cuốc khách được yêu cầu, trong đó Fastgo xử lý cho 5.000 khách hàng đi xe thành công.


Ý tưởng một màu, Fastgo có ưu thế gì để tiếp tục duy trì và phát triển?


Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên trước việc hàng loạt ứng dụng như VATO, Xelo… cũng tuyên bố mạnh mẽ sẽ cạnh tranh với đối thủ đáng gờm Grab đang dần "đuối", Fastgo có ưu thế gì để duy trì được vị thế cũng như phát triển trong tương lai? Khi, thực chất mô hình vận tải hầu hết các đơn vị đều tương tự nhau, tức về mặt ý tưởng sẽ không có gì quá khác biệt.


Trả lời điều này, ông Tuất đồng ý mô hình kinh doanh, tức ý tưởng là như nhau. Song, điều làm nên thành công của kinh doanh theo vị này không phải là ý tưởng, mà là cách làm và tầm nhìn, hai thứ này Fastgo rất tự tin.


Bằng chứng là tốc độ phát triển rất nhanh mà Fastgo đạt được 3 tháng qua, ông Tuất nói, Fastgo đạt tốc độ nhanh chóng trong việc kết nối với đối tác từ tài xế cho đến khách hàng, trong việc hỗ trợ về mặt thanh toán bằng việc liên kết với các ngân hàng, áp dụng dịch vụ thẻ…


Hiện, Fastgo đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và tài xế, chi tiết các tài xế chỉ đóng phí tham gia và không bị trích xuất doanh thu cho Fastgo (tức không chiết khấu), trong đó các tài xế có thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày thì chỉ trả phí tối đa 30.000 đồng/ngày cho Fastgo.


Về phía khách hàng, đến nay Fastgo đang áp dụng mức giá tương đối rẻ so với đối thủ, thậm chí nếu tính giờ cao điểm FastGo rẻ hơn 1/3. Ngoài ra, Fastgo cũng triển khai chương trình khuyến mại với mức giảm giá đáng kể để thu hút khách hàng. Đặc biệt, Fastgo cũng là ứng dụng duy nhất tại Việt Nam có kèm bảo hiểm Fast Protection với giá trị hồi hoàn 200 triệu đồng trên mỗi chuyến đi.


Nói về chính sách giá cả trên, ông Tuất khẳng định nói về ưu thế cách làm thì Công ty còn nhiều khía cạnh khác, không chỉ một mặt về tài chính như đã đề cập.


Được VinaCapital rót hơn 3 triệu USD, Fastgo khẳng định đã chấp nhận mọi rủi ro


Liên quan đến kêu gọi đầu tư, Fastgo nhiều lần chia sẻ đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư công nghệ. Và trong đó, ngày 30/8 VinaCapital chính thức thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures quy mô 100 triệu USD chuyên cho các startup công nghê, hai thương vụ rót vốn đầu tiên là Fastgo, cùng với Logivan.


Đến với VinaCapital, Fastgo được nhận khoản đầu tư với quy mô từ 2 đến 10 triệu USD, có thể đầu tư ít hơn trong trường hợp trở thành NĐT chiến lược, đồng thời dự án có khả năng kêu gọi cùng kêu gọi đầu tư với mạng lưới lớn hơn. Có thể thông qua hai hình thức, (1) đầu tư mạo hiểm thông thường và (2) tạo ra các liên doanh với các đơn vị chủ chốt để giải quyết bài toán của ngành.


Giới quan sát dấy lên nghi vấn về những rủi ro mà Fastgo phải chịu khi chấp nhận cuộc chơi với quỹ mạo hiểm.


Phân trần điều này, ông Tuất nhấn mạnh giọng Fastgo chấp nhận mọi rủi ro khi nhận đầu tư, bởi tỷ suất sinh lợi đem về rất lớn, hơn gấp nhiều lần so với rủi ro tính toán.


CEO Fastgo nói thêm, với mô hình công nghệ mới mẻ này, thì chúng ta nghĩ mình đang làm cách mạng, nếu thất bại thì sẵn sàng đón nhận vì đó là điều hết sức bình thường. Ngược lại, nếu cách mạng thành công thì kết quả mang về không chỉ còn là lợi nhuận, mà mà cơ hội thay thế được cuộc chơi.





Đại diện VinCapital cùng CEO Fastgo tại buổi ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures - đã đầu tư vào Fastgo hơn 3 triệu USD.


Mặc dù không tiết lộ giá trị đầu tư, bởi VinaCapital sẽ rót vốn dần, đồng thời hướng đến mục tiêu làm xong tại Việt Nam sẽ tiến quân ra nước ngoài, ông Tuất có bật mí con số vốn từ VinaCapital thực tế hơn 3 triệu USD.


Nói về VinaCapital Ventures, vị này còn cho biết quỹ đã giúp các đơn vị startup công nghệ Việt Nam đỡ phải lặn lội ra nước ngoài tìm vốn từ các nhà đầu tư vì trước đây, nước ta chưa có các quỹ đầu tư cho loại hình này.


EmoticonEmoticon