Chuyện lạ: Người cao tuổi Trung Quốc thi nhau đi... học đại học

Năm 2017, những ngôi trường cho người già tại Trung Quốc đã tuyển sinh được 8 triệu người, mới chỉ chiếm hơn 3% tổng số người cao tuổi tại đây. Con số này cho thấy một thị trường đầy tiềm năng đang phát triển nhanh chóng.





Trung Quốc từng nổi tiếng là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và là nguồn lực thúc đẩy kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, với chính sách một con cũng như lối sống đô thị hóa ngại sinh đẻ, mức độ lão hóa của người dân đang tăng lên nhanh chóng và hàng loạt dịch vụ cho người già tại đây đã phát triển mạnh, điển hình là những trường đại học cho người cao tuổi.


Hàng năm, nhiều nhóm tuyển sinh cho những ngôi trường này tổ chức các cuộc hội thảo, cắm trại nhằm tuyển sinh. Các khóa học cũng vô cùng đa dạng, từ lớp nhảy, hướng dẫn mua sắm trực tuyến, học tiếng Anh du lịch cho đến các môn giáo dục truyền thống.


Năm 2017, những ngôi trường cho người già tại Trung Quốc đã tuyển sinh được 8 triệu người, mới chỉ chiếm hơn 3% tổng số người cao tuổi tại đây. Con số này cho thấy một thị trường đầy tiềm năng đang phát triển nhanh chóng.


Trên thực tế những ngôi trường đại học cho người cao tuổi không phải một khái niệm mới. Ngôi trường đầu tiên đã được thành lập tại Pháp năm 1973 rồi lan rộng sang nhiều nước châu Âu và trở nên cực kỳ phổ biến tại Anh.


Tại Trung Quốc, những ngôi trường cho người cao tuổi vốn được thành lập cho các cựu quân nhân sau khi giải ngũ. Tuy nhiên với nhu cầu học tập ngày càng cao từ lượng lớn người già Trung Quốc, các ngôi trường này bắt đầu mở cho những thành phần lao động nghỉ hưu và rồi cho tất cả những người cao tuổi có nhu cầu. Phần lớn các trường đều có sự đầu tư từ chính phủ Trung Quốc và mức phí bình quân mỗi khóa học vào khoảng 200 Nhân dân tệ (31 USD).


Với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu học tập của người cao tuổi Trung Quốc đang ngày càng tăng. Số người trên 60 tuổi tại Trung Quốc được sự kiến sẽ tăng từ 241 triệu người hiện nay lên 487 triệu người vào năm 2050, tương đương 35% dân số.


Trung Quốc hiện đang là một trong những nước có tốc độ lão hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chính sách 1 con áp dụng trong khoảng 1979-2016 đã làm mất cân bằng dân số nghiêm trọng, tạo nên hiện tượng "4-2-1", nghĩa là cứ 1 đứa trẻ hiện nay khi lớn lên sẽ phải chăm 2 người gồm cha mẹ và 4 người gồm ông bà nội ngoại.


Chính quyền Bắc Kinh đang lập kế hoạch xây dựng mỗi tỉnh một trường đại học chính quy cho người già vào năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ tầng lớp người cao tuổi tránh khỏi các bệnh trầm cảm cũng như cô đơn, tạo điều kiện cho họ đóng góp cho xã hội.


Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng những ngôi trường này không giải quyết được triệt để vấn đề khi có rất nhiều người cao tuổi nghèo không có tiền theo học. Những ngôi trường này cũng không thay thế được các trung tâm chăm sóc sức khỏe và không tạo ra được nguồn lao động chính thức mới cho xã hội.


EmoticonEmoticon