Bạn có thể thất bại do thiếu kỹ năng, thiếu may mắn hay thiếu cả hai, cổ đông có thể chê trách bạn nhưng bạn sẽ vẫn có cơ hội làm lại bởi con đường kinh doanh còn dài với những người đam mê khởi nghiệp. Tôi là người thích kinh doanh và trải qua nhiều thất bại trong kinh doanh. Người ta thường nói: "Thất bại là mẹ của thành công". Câu nói này không sai nhưng cũng không đúng. Bởi tôi đã chứng kiến rất nhiều người khởi nghiệp sau khi vấp ngã đã không thể gượng nổi dậy để đi tiếp. Mỗi lần thất bại trong việc kinh doanh riêng, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều nguồn lực. - Về thời gian: Chúng ta cống hiến rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp của mình nhưng không có kết quả. Và bạn biết rồi đó, thời gian là thứ cực kỳ quý giá bởi khi càng nhiều tuổi, nhiệt huyết khởi nghiệp của cá nhân thường có xu hướng giảm dần. - Về tiền bạc: Không thất bại nào trong kinh doanh riêng không gắn liền với mất mát về tài chính. Ít nhất, bạn đã mất tiền đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp và để rồi đến lúc thất bại, bạn sẽ rất may mắn nếu tình trạng tài chính của bạn là con số 0. Trên thực tế, rất nhiều bạn bè của tôi sau khi thất bại đã phải bắt đầu với con số âm, tôi cũng không phải ngoại lệ. Và trong thời buổi kinh tế hiện nay, đồng tiền kiếm được là vô cùng quý giá. - Về tâm lý: Đây là mất mát vô hình nhưng lớn nhất. Khi khởi nghiệp, chúng ta đầy khát khao, đam mê, hoài bão để rồi khi đối diện với thất bại, chúng ta sẽ phải đối diên với hàng loạt thắc mắc: "Tôi thật kém cỏi", "Tôi thật vô dụng"... và chưa kể là những ánh mắt của bạn bè, người thân luôn xoáy vào bạn. Những câu nói dè bỉu: "Tao đã bảo rồi mà..." sẽ luôn khiến bạn cảm thấy dằn vặt. Chính rào cản về mặt tâm lý mới là điều kinh khủng nhất, là yếu tố tôi chứng kiến nhiều bạn bè của mình sau khi vấp ngã đã không thể một lần nữa phá rào để khởi nghiệp lại. Trong khi rất nhiều sách vở đề cao sự thất bại thì hãy cẩn thận, tốt hơn hết là tránh được thất bại mà vẫn gặt hái được thành công, đó mới là điều tốt nhất. Nếu bạn yêu thích thất bại, tốt hơn cả là bạn nên có nhiều tiền, nhiều thời gian và có thần kinh thép. Sở dĩ tôi nói vậy vì mỗi lần khởi nghiệp thất bại, tôi thường phải mất từ 1 đến 2 năm mới có thể hồi phục lại được và tiếp tục khởi nghiệp trở lại. Sau này, khi nhìn lại, tôi mới thấy rằng có nhiều thất bại của mình diễn ra một cách rất ngu xuẩn. Thực tế, những thất bại này hoàn toàn có thể tránh được. Trải nghiệm thất bại sau đó thành công là điều tốt. Nhưng tốt hơn cả là quan sát, học hỏi để tránh khỏi thất bại cần thiết. Chúng ta không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại. Những thất bại cũng vậy, có nhiều thất bại trong lĩnh vực khởi nghiệp được lặp đi lặp lại và nếu quan sát một cách kỹ càng, học hỏi một cách chân thành, chúng ta sẽ tránh được thất bại và điều này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được những nguồn lực khổng lồ về mặt thời gian cũng như tiền bạc. Tôi đã rất nhiều lần thất bại nhưng tôi xin kể với bạn 3 câu chuyện tôi đã thất bại khi khởi nghiệp, và những thất bại đó đã cho tôi những bài học gì. Mong các bạn tránh được những thất bại mà tôi đã vấp phải. Câu chuyện khởi nghiệp 1: Tôi vốn học Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Từ thời sinh viên, tôi và các bạn bè cũng lớp đã có những hợp đồng dịch. Mức giá tiền khi đó là 50.000 đồng/trang. Điều đáng nói: Định nghĩa của 1 trang giấy ở đây có mức độ co giãn rất lớn khi mà các công ty dịch đưa cho chúng tôi những tờ giấy A4 nhưng căn lề ra sát dòng, font chữ không bao giờ là 12 mà chỉ là 10, đặc biệt, không bao giờ xuống dòng. Sau khi ra trường, dù đã có công việc chính thức nhưng ngoài giờ, tôi vẫn nhận dịch, những hợp đồng dịch tốt hơn: nghĩa là ít chữ hơn và tiền nhiều hơn. Đôi khi, một mình không đủ thời gian dịch, chúng tôi chia sẻ lại cho bạn bè và cùng nhau dịch. Đến một thời điểm, tôi ngồi cùng hai người bạn và nói: "Chúng ta nên thành lập một công ty về dịch thuật. Quay lại trường tìm những bạn sinh viên tốt. Chia sẻ những bản dịch cho mọi người. Sinh viên sẽ được chúng ta đối xử tốt hơn. Chúng ta cũng sẽ thả sức nhận nhiều hợp đồng dịch lớn và kiếm nhiều tiền hơn". Và thế là chúng tôi bắt tay vào thành lập một Trung tâm Dịch thuật, hì hụi thiết kế logo, làm web, in card... với những viễn cảnh tươi sáng. Trung tâm lay lắt được vài tháng thì dừng hoạt động. Nguyên nhân: Chẳng ai trong số chúng tôi quyết định nghỉ việc để về làm toàn thời gian cho công việc kinh doanh của mình cả. Bởi công việc hiện tại của ba đứa đều ổn định, thu nhập tốt và khi bắt tay vào thực hiện dự án dịch thuật, không ai có đủ thời gian để chạy hai công việc cùng một lúc. Bài học: Sau này, tôi gặp gỡ nhiều bạn bè, chứng kiến nhiều start up và cũng được bạn bè rủ tham gia vào những start up khác nhau. Câu hỏi đầu tiên tôi luôn đặt ra là: "Ai sẽ quyết định làm toàn thời gian, sống chết cho dự án này". Nếu mọi người đều chỉ tham gia với tư cách bán thời gian, tôi sẽ dừng việc hợp tác ngay lập tức, cho dù là đội hình đó có kinh nghiệm đến mấy, có bằng cấp cao đến mấy. Bởi khi khởi nghiệp, công việc tư duy rất nhiều nhưng công việc chân tay còn nhiều hơn gấp bội. Bạn cần phải có người xắn tay vào làm việc cật lực, toàn tâm, toàn ý, may ra thành công mới mỉm cười với bạn. Câu chuyện khởi nghiệp 2: Một người bạn tôi rất nể trọng trong lĩnh vực công nghệ rủ tôi khởi nghiệp. Đó là thời điểm năm 2008 khi làn sóng thương mại điện tử còn khá mới mẻ. Lĩnh vực về ERP: phần mềm quản trị doanh nghiệp, người bạn tôi nói: "Đây là lĩnh vực của tương lai. Doanh nghiệp sẽ quản trị toàn bộ nhân sự, kế toán... trên nền tảng ERP". Khi đó, tôi đã đọc quá nhiều sách về Bill Gates, Steve Jobs, Micheal Dell và bị ám ảnh bởi những thương vụ khởi nghiệp tỷ đô ở thung lũng Silicon hoa lệ và nhanh chóng bị người bạn thuyết phục với lời khẳng định của người bạn: "Phần mềm này ở nước ngoài có giá lên đến hàng chục ngàn đô. Tớ có thể làm được chỉ với vài chục triệu". Giấc mơ làm giàu bùng cháy để rồi tắt ngấm sau... chưa đầy 1 năm. Nguyên nhân: Người bạn tôi vật lộn mãi nhưng không thể nào làm ra được sản phẩm demo. Trong khi đó, chi phí nuôi nhân viên kỹ thuật, nhân viên bán hàng, tiền thuê nhà... hàng tháng rất lớn. Cuối cùng, khi sản phẩm ra đời, chúng tôi đi chào hàng thì chẳng doanh nghiệp nào mua. Thực tế là chẳng có ai dám trao toàn bộ hệ thống dữ liệu doanh nghiệp cho hai thằng nhóc với một công ty hoàn toàn không có thương hiệu trên thị trường. Bài học: Sau này, khi tham gia tư vấn hoặc tham gia trực tiếp vào một số doanh nghiệp ở thời điểm khởi nghiệp, câu hỏi tôi luôn đặt ra là: "Bao nhiêu lâu thì sản phẩm phải ra đời", "Ngân sách nuôi công ty đến lúc sản phẩm ra đời là bao nhiêu tiền", và "Bao nhiêu tiền sẽ được chi ra để làm thương hiệu nhằm thuyết phục khách hàng mua sản phẩm". Nếu ba câu hỏi trên chưa được trả lời thấu đáo, tôi sẽ chờ đợi đến thời điểm chín muồi hơn để bắt đầu. Câu chuyện khởi nghiệp 3: Sau khi ra trường, tôi làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhận thấy thị trường nhà hàng chuyên dành cho khách du lịch có tiềm năng, tôi cùng hai người anh cùng nghề nữa quyết định gọi vốn mở nhà hàng du lịch. Bởi vì ba anh em đều ít vốn nên chúng tôi quyết định gọi thêm vốn từ những anh em bạn bè khác cũng làm trong lĩnh vực du lịch. Một phần lo sợ mơ hồ rằng sau này công ty lớn mạnh, những cổ đông lớn hơn sẽ chiếm đoạt tâm huyết do mình gây dựng nên chúng tôi quyết định những cổ đông góp vốn không được góp quá 20% cổ phần. Rất nhiều người tham gia góp vốn và dự án nhà hàng được hình thành với danh sách cổ đông ban đầu lên tới gần chục người. Sau hơn 1 năm nhà hàng hoạt động, tôi cùng với một cổ đông sáng lập khác rút vốn khỏi dự án. Nguyên nhân: Nguyên nhân không hẳn đến từ việc kinh doanh. Thực tế công việc kinh doanh khá suôn sẻ và nhà hàng đã có độ phủ rộng tới toàn bộ các công ty du lịch tại Hà Nội với lượng khách khá ổn định. Tuy nhiên, sự tan rã đến tự nội bộ cổ đông. Nhiều người không phải là điều tệ hại. Điều tệ hại là khi bạn có nhiều người tham gia góp vốn, bạn cần phải có luật chơi thật sòng phẳng và rõ ràng ngay từ ban đầu. Nếu không, sự va chạm của những cái tôi lớn và tư duy "tôi là cổ đông, tôi là chủ" sẽ khiến doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ rồi không thể vươn mình lên một tầm vóc lớn được. Bài học: Vậy có nghĩa là bạn nên khởi nghiệp một mình? Không! Những câu chuyện kinh doanh đã đề cao quá nhiều đến vấn đề cá nhân. Một mình Steve Jobs không thể khởi nghiệp thành công nếu thiếu thiên tài kỹ thuật của Steve Wozniak và tư duy marketing ban đầu của Mike Markkula. Một mình Bill Gates đã không thể thành công nếu thiếu sự đóng góp của Pall Allan trong những ngày đầu lập nghiệp. Khi khởi nghiệp, chúng ta cần có một ekip làm việc. Điều đáng nói, ekip làm việc của những công ty khởi nghiệp thường là bạn bè. Bạn bè thường có một điểm chung nào đó. Có quá nhiều điểm chung chỉ tốt khi chúng ta nói chuyện cafe, còn thực ra không tốt cho doanh nghiệp khi khởi sự. Bởi ekip làm việc cần những con người với kỹ năng khác biệt. Lý tưởng là một bộ ba với kỹ năng Sản phẩm - Marketing - Vận hành. Đó là ba chân kiềng vững để doanh nghiệp có thể vượt qua những sóng gió ban đầu và tìm kiếm cơ hội trong tương lai. Tuy nhiên, bài học lớn hơn cả khi tham gia vào các dự án khởi nghiệp, đó là sau này khi bắt đầu những dự án khác, những cổ đông cũ vẫn sẵn sàng tiếp tục góp vốn cùng với tôi. Bởi trong quá trình làm việc, tôi đặt nguyên tắc MINH BẠCH TÀI CHÍNH lên hàng đầu. Bạn có thể thất bại do thiếu kỹ năng, thiếu may mắn hay thiếu cả hai, cổ đông có thể chê trách bạn nhưng bạn sẽ vẫn có cơ hội làm lại bởi con đường kinh doanh còn dài với những người đam mê khởi nghiệp. Nhưng nếu bạn "nhập nhèm" về tài chính, cơ hội làm lại đối với bạn là rất nhỏ. Bởi không ai muốn tham gia doanh nghiệp với một người không minh bạch tài chính. *Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.

Theo một báo cáo do Pew Research Center, chính giới trẻ Mỹ là đối tượng dần nhận thức rõ hơn về hệ lụy của vấn nạn nghiện smartphone và đang có nhiều hành động tích cực nhằm tự giới hạn bản thân trong việc sử dụng điện thoại di động cũng như ứng dụng mạng xã hội.



Có tới 54% đối tượng nghiên cứu tuổi thiếu niên cho biết tự cảm thấy mình dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và 52% cho biết đang cố gắng hạn chế sử dụng smartphone bằng cách này hay cách khác. Thêm vào đó, 57% số người cho biết sẽ nỗ lực giảm bớt mạng xã hội và 58% cố gắng bỏ chơi game.


Thực trạng đáng báo động tại Mỹ


Thực tế trẻ ở tuổi vị thành niên chưa thực sự cân bằng được liều lượng sử dụng smartphone hằng ngày của mình càng cho thấy rõ vai trò giáo dục thiếu hiệu quả từ phía cha mẹ đồng thời đặc biệt là trách nhiệm của các công ty công nghệ - vốn là bàn tay sáng tạo ra những Facebook hay Instagram với giao diện cuộn bất tận bắt mắt và lôi cuốn, thu hút biết bao người dùng không muốn rời nửa bước.


Trong nhiều năm liền, thay vì khuyên nhủ người dùng nên sử dụng thiết bị hợp lý như một công cụ phục vụ công việc và cuộc sống, nhà phát triển lại lạm dụng bản chất nhỏ gọn, luôn kết nối của smartphone để liên tiếp đưa ra nhiều cập nhật hấp dẫn, từ giao diện vô tận bắt mắt tới hàng tràng thông báo không bao giờ hết, thôi thúc người dùng nhấc điện thoại lên “check noti”. Kỳ thực, các “ông lớn” công nghệ đã đổ rất nhiều tiền vào khâu thiết kế ứng dụng, thậm chí còn bắt tay làm việc với nhiều chuyên gia tâm lý học để đánh lừa người dùng với hàng loạt mẹo tâm lý ẩn trong giao diện, kích thích não bộ nạn nhân và giữ cho người dùng luôn truy cập nền tảng của mình.







Khỏi phải nói, nhà sản xuất phần cứng cũng vô cùng hoan nghênh cơn nghiện của khách hàng bởi họ hoàn toàn có thể thu lời từ bán ứng dụng hoặc các hoạt động mua bán vật phẩm trong ứng dụng bên cạnh doanh thu chủ yếu từ bán thiết bị. Kết quả, những nhà sản xuất này càng nỗ lực phát triển nhiều công cụ giúp ứng dụng truy cập sâu hơn vào tâm trí người dùng, thay vì ngăn cản công cuộc “xâm lăng số”.


Tuy nhiên, 2018 đã vui mừng chứng kiến nhiều người khổng lồ công nghệ lên tiếng bảo vệ người tiêu dùng (chủ yếu do sức ép từ dư luận và các nhà đầu tư). Google và Apple đã tích hợp trong phiên bản hệ điều hành di động mới nhất của mình là Android Pie và iOS 12 nhiều tính năng theo dõi thời gian bật màn hình cũng như công cụ kiểm soát thời lượng sử dụng điện thoại. Bên cạnh đó, ba “ông lớn” của các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và YouTube cũng bắt đầu có những động thái đầu tiền giúp người dùng tự quản lý thời gian trực tuyến của mình.


Dẫu vậy, đây vẫn chỉ là một nỗ lực muộn màng bởi theo khảo sát, rất nhiều “teen” tại Mỹ đã hình thành thói quen xấu có khả năng gây hại do sử dụng smartphone quá nhiều. Đối với những trẻ này, phụ huynh thường không có quá nhiều tiếng nói trong việc thay đổi các em, bởi chính cha mẹ cũng là nạn nhân của guồng xoay “nghiện ngập” bất tận.



Biểu đồ so sánh mức độ "nghiện" smartphone giữa teen và cha mẹ



Pew cho biết, có tới 72% thiếu niên với tay lấy chiếc điện thoại ngay sau khi ngủ dậy, cứ 10 em thì có 4 em cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi không có smartphone, 56% cho biết cảm thấy cô đơn thực sự khi không ở gần điện thoại, thậm chí buồn hoặc cáu giận, 51% cho biết nhận thấy bố mẹ mình có xu hướng bị phân tâm khi nói chuyện bởi smartphone (thêm vào đó, 72% các bậc phụ huynh công nhận điều này khi nói chuyện với con cái) và 31% cho biết di động làm mình mất tập trung trong lớp học




Pew cho biết, có tới 72% thiếu niên với tay lấy chiếc điện thoại ngay sau khi ngủ dậy, cứ 10 em thì có 4 em cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi không có smartphone, 56% cho biết cảm thấy cô đơn thực sự khi không ở gần điện thoại, thậm chí buồn hoặc cáu giận, 51% cho biết nhận thấy bố mẹ mình có xu hướng bị phân tâm khi nói chuyện bởi smartphone (thêm vào đó, 72% các bậc phụ huynh công nhận điều này khi nói chuyện với con cái) và 31% cho biết di động làm mình mất tập trung trong lớp học.


Sự việc ngày càng tồi tệ hơn bởi smartphone từ lâu đã không còn là xa xỉ phẩm với nhiều người. Sự thực là smartphone tốt ngày càng rẻ hơn và smartphone rẻ ngày càng có chất lượng tốt hơn khiến rất nhiều người có thể tiếp cận dễ dàng với điện thoại di động, gần 100% thiếu niên tại Mỹ sở hữu smartphone, 45% trong số đó có triệu chứng nghiện.

"Teen" Mỹ tự giác còn hơn cha mẹ

Dù vấn nạn nghiện đồ công nghệ tại Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung là vậy, song giới trẻ Mỹ đang có nhiều biến chuyển tích cực và nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề của mình, ngay cả khi chính các bậc cha mẹ thất bại trong nỗ lực khuyên nhủ các em.



Cứ 10 trẻ thì 9 em tin rằng không nên tiêu tốn quá nhiều thời gian trực tuyến, 60% cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, 41% thú nhận rằng mình dành quá nhiều thời gian cá nhân cho mạng xã hội. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh đang có nhiều biện pháp cứng rắn hơn với con cái, với 57% cha mẹ báo cáo rằng đã đặt ra giới hạn thời gian bật màn hình smartphone trên điện thoại của con.

Biểu đồ quan điểm giới trẻ Mỹ về dùng smartphone

Theo khảo sát của Pew Research Center, nhìn chung giới trẻ đang dần nhìn nhận đúng đắn hơn về tác hại của nghiện smartphone cũng như thiết bị điện tử và xu hướng đang ngày càng lan rộng. Biết đâu đó, nếu các bậc bề trên đi trước chưa làm được nhiều để giải quyết triệt để căn bệnh thời @, thì trong tương lai, khi đã khôn lớn và trở thành những CEO công ty công nghệ, kỹ sư phần mềm, nhà phát triển ứng dụng, hay chỉ đơn thuần là lên chức làm bố, làm mẹ, các em sẽ có thể đặt ra nhiều chính sách mới, tạo ra nhiều thay đổi tích cực hơn giúp smartphone trở thành công cụ thực sự trong cuộc sống con người, không còn là thiết bị điện tử tỏa ra chất keo vô hình dính chặt trước mặt người dùng mọi nơi mọi lúc.


EmoticonEmoticon