[Case Study] Làm du lịch kiểu Hàn: "Xuất khẩu" Oppa và dùng "virus" K-Pop xâm chiếm thế giới

Cơn nghiện sẽ bắt đầu với K-pop và phim Hàn, sau đó người hâm mộ sẽ chuyển sang tìm hiểu về diễn viên, ca sĩ, văn hóa, ẩm thực… và cuối cùng là khát khao được một lần đến xứ sở kim chi.





Nội dung nổi bật:


Bối cảnh: Hai miền liên Triều tuy đã đình chiến từ lâu, nhưng Hàn Quốc vẫn không thoát khỏi hình ảnh "nguy hiểm" trong lòng du khách quốc tế, dẫn đến một ngành du lịch cực kỳ kém phát triển.


Kế hoạch: Ra sức xuất khẩu văn hóa của mình, từ K-Pop cho đến phim ảnh, cơn "nghiện" K-Pop dần trở thành một làn sóng tấn công khắp mọi ngõ ngách trên thế giới, tạo ra hàng trăm triệu "con nghiện" văn hóa Hàn Quốc.


Kết quả: Hàn Quốc vươn lên trở thành một kinh đô du lịch, mua sắm và chăm sóc y tế, đem về một nguồn thu đáng kể cho nước nhà, có thể nói, K-Pop đã góp phần làm nên "kỳ tích sông Hàn".




Khởi đầu chông gai của Hàn Quốc



Nền du lịch Hàn Quốc chỉ bắt đầu khi chiến tranh Triều Tiên được tạm hoãn vào năm 1953, mãi đến tận năm 1962, số liệu thống kê đầu tiên cho thấy Hàn Quốc chỉ đón khoảng 15.000 du khách mỗi năm.


Lý do đằng sau con số "khiêm tốn" kia là những cuộc bạo động của sinh viên và hình ảnh bất ổn chính trị vẫn còn hiện hữu trong tâm trí du khách. Hàn Quốc đa phần được biết đến là một đất nước "tham gia" căng thẳng liên Triều với sự có mặt của vũ khí hạt nhân.


Nhưng Hàn Quốc đã có cơ hội của mình với Olympics 1988 tại Seoul, với 2,3 triệu du khách và doanh thu hơn 3,2 tỷ USD. Sau sự kiện này, một Hàn Quốc hiện đại và trẻ trung bắt đầu xuất hiện trên truyền thông thế giới.


Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa phát triển được nền du lịch của mình mãi cho đến khi trở thành đồng chủ nhà World Cup 2002 với Nhật Bản. Một năm kỷ lục của xứ sở kim chi với hơn 5,3 triệu du khách và 5,9 tỷ doanh thu từ du lịch.





Mọi chuyện đã khác chỉ 10 năm sau đó. Tua nhanh đến năm 2011, thời điểm mà "Làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu) đã gây địa chấn khắp thế giới và đem về cho nền kinh tế nước nhà hơn 3 tỷ USD. Các "Oppa" quảng cáo tốt đến nỗi Seoul bị quá tải du khách vào mùa hè năm 2010, ước tính thủ đô này thiếu hơn 26.500 phòng để phục vụ khách vào đợt cao điểm đó.


Nhận thấy sự hiệu quả của K-Pop, Cục du lịch Hàn Quốc đầu tư hẳn 264.000 USD để tổ chức một sự kiện K-Pop quốc tế tại Pháp vào năm 2011.


Theo cuộc khảo sát trong thời gian diễn ra sự kiện, 9 trên 10 người tham dự bày tỏ mong muốn tham quan Hàn Quốc trong thời gian sớm nhất, thậm chí 75% đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi đến xứ sở kim chi.


Nhận ra được nhu cầu của những du khách, chính quyền Hàn Quốc đầu tư hẳn một công viên giải trí khổng lồ với các hạng mục như: Làng K-Pop, Sân khấu K-Pop hay Đại lộ ngôi sao… Tất cả nhằm thỏa mãn nhu cầu và kéo thêm những fan cuồng K-Pop đến Hàn Quốc.




"Cơn nghiện" văn hóa Hàn Quốc





Vào cuối năm 2012, lượng du khách ghé thăm Hàn Quốc đột ngột giảm mạnh do những đe dọa ngày một gia tăng của Triều Tiên. Sự sụt giảm này đem đến cho chính quyền Hàn Quốc một bài toán khó: Làm thế nào để giữ vững hình ảnh "Seoul an toàn" trên truyền thông thế giới?


Quyết tâm thay đổi hình ảnh trên tất cả phương tiện truyền thông, chính phủ Hàn chi một khoản tiền khổng lồ để "quá tải" truyền thông quốc tế với những hình ảnh "Cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn không bị ảnh hưởng từ những lời đe dọa của Triều Tiên." Song song với đó, các công ty truyền thông trực tuyến cũng được chính phủ hỗ trợ để tạo ra một vũ khí mới, một "virus" văn hóa Hàn Quốc.


Không có việc gì làm vào kỳ nghỉ Giáng sinh dài, Kayla Ann Villanueva, một thiếu nữ tại Mỹ mông lung lên mạng để tìm kiếm phim xem. Bị thu hút bởi một poster đầy bắt mắt, Kayla xem thử 1 tập của bộ phim Hàn Quốc, nhưng 1 tập nhanh chóng trở thành… cả chục phần.


Kayla không chỉ xem phim mà còn tìm hiểu về diễn viên, các bài hát trong phim, và những bộ phim tương tự… "Chỉ trong một chớp mắt, máy tính của tôi chứa đầy bài hát của SHINee và trong phòng cũng toàn poster của SS501. Niềm đam mê văn hóa Hàn Quốc khiến tôi mong muốn học ngôn ngữ của họ và một lần ghé thăm đất nước này. Không những thế, lòng hâm mộ còn đốc thúc tôi bỏ tiền ra để đi xem những show diễn thay vì chỉ xem chúng trên máy tính."





"Nó như là một loại thuốc gây nghiện," Lavinia Pletosu, một thiếu nữ 22 tuổi đến từ Ý. "Niềm đam mê về K-Pop sẽ khiến bạn mong muốn hiểu hết những thứ khác về Hàn Quốc, từ ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, ẩm thực …"


Nhận ra được tính hiệu quả từ truyền thông hiện đại, chính quyền Hàn Quốc quyết tâm sử dụng các kênh như Youtube để thu hút du khách. Ước tính video K-Pop đã nhận được hơn 2,3 tỷ lượt xem trên khắp 235 quốc gia và vùng lãnh thổ mỗi năm.


Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng chính phủ Hàn Quốc đã "chống lưng" cho sự thành công của Gangnam Style của PSY vào năm 2012, bài hát này được đảm bảo không bị "xịt" và dần dần trở thành video có số lượng người xem nhiều nhất mọi thời đại.


Không chỉ YouTube, ngành du lịch Hàn Quốc còn sử dụng "thành thạo" các mạng xã hội khác như Twitter, Facebook hay Instagram. Như chia sẻ của một quan chức bộ du lịch: "Nắm được sự phát triển "vũ bão" của mạng xã hội tại Trung Quốc và gần 70% số lượng du học sinh tại Hàn là đến từ nước này, một nhóm "phóng viên" được tuyển chọn từ các du học sinh Trung Quốc để quảng bá hình ảnh xứ sở kim chi trên mạng xã hội nước nhà."





Ngoài ra thì còn có cả những Blogger hay Instagrammer được nhà nước cấp lương để trở thành đại diện truyền thông.


"Không chỉ là Trung Quốc. Chúng tôi còn lựa chọn những du học sinh từ Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á… để quảng bá Hàn Quốc qua tài khoản và ngôn ngữ mẹ đẻ của họ", một đại diện của cục Du lịch cho hay.




Không chỉ là quảng bá


"Hai trở ngại lớn nhất của các du khách quốc tế khi đến Hàn Quốc là ngôn ngữ và giao thông, nắm được điều này, chúng tôi liên tục phát triển các công nghệ điện thoại, mở rộng các khu vực wifi miễn phí, thậm chí có một ứng dụng thực tế ảo có thể nhận dạng và dịch menu quán ăn hay các bảng hiệu."





Ngoài ra thì chính quyền Hàn Quốc còn xây dựng một mạng lưới xe lửa và xe buýt để kết nối hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng, giúp các du khách dễ dàng tham quan từ bất kì thành phố lớn nào.


Một khoản đầu tư khổng lồ cũng được đổ vào Seoul. Với vai trò là cửa khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, thủ đô Seoul được chính phủ phát triển để luôn tạo cảm giác "muốn quay lại" đối với mọi du khách.


Hàn Quốc còn đẩy mạnh quảng bá các chương trình du lịch y tế, với thế mạnh trên thị trường quốc tế về phẫu thuật thẩm mỹ, chất lượng khám sức khỏe và các liệu trình chữa trị ung thư.


Ngoài ra, Hàn Quốc còn cung cấp những thiên đường mua sắm như tại quận Myeongdong và Dongdaemun. Hay còn có Seoul Sky, đài quan sát cao thứ ba trên thế giới.





Chính phủ Hàn Quốc cũng rất sáng tạo khi liên tục tạo ra những điểm đến hấp dẫn dựa trên việc "tái chế" các công trình cũ, như đại lộ Seoullo 7017 từ một cầu vượt đã quá tuổi, hay Công viên Văn hóa "Oil Tank" - một thùng chứa dầu cỡ lớn được thiết kế lại để trở thành nơi trưng bày nghệ thuật kết hợp với quán cà phê...




Kết quả





Bằng việc "xuất khẩu" văn hóa của mình, đặc biệt là K-pop và phim truyện, Hàn Quốc đã dần gỡ bỏ được hình ảnh bất ổn chính trị để trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế.


Nhưng không chỉ là K-pop, chính phủ Hàn Quốc còn rất biết làm du lịch bằng cách luôn hỗ trợ du khách, tạo ra các điểm vui chơi mới và gia tăng giá trị của mình.


Đến năm 2016, Hàn Quốc đón hơn 17,2 triệu lượt khách, đạt kỷ lục về số lượt khách mỗi năm. Thị trường Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng và được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.


EmoticonEmoticon