"Những chú chó là cầu nối của ta với thiên đường." Quả thật, có lẽ trên đời này hiếm có thứ tình yêu nào trong trẻo như tình yêu của một chú chó dành cho chủ nhân mình. Lần này, hãy cùng xem lại bộ phim từng lấy đi nước mắt của biết bao khán giả "Hachi: A Dog's Tale".
Thế nào là một tình yêu đúng nghĩa tình yêu? - Hàng ngàn năm nay, biết bao triết gia, biết bao thi sĩ, biết bao bác học đã mải miết suốt cả cuộc đời chỉ để trả lời cho một câu hỏi ấy. "Một tình yêu đúng nghĩa tình yêu là một tình yêu vô điều kiện " - Mọi người thống nhất. Nhưng biết tìm ở đâu một tình yêu vô điều kiện? Dường như mọi tình yêu đều có điều kiện. Tình yêu đôi lứa , điều kiện là bờ môi mái tóc của người thương. Tình yêu gia đình, điều kiện là cảm giác được che chở và thuộc về. Tình yêu với người sa cơ, điều kiện là cảm giác cao thượng và tốt đẹp của bản thân. Ta nghĩ là ta yêu người đấy, nhưng thật ra chỉ là ta yêu chính ta mà thôi. Nhà triết học thở dài. Nhà thơ đau đớn. Nhà bác học chau mày. Có bao giờ tồn tại trên đời này một thứ tình yêu cao thượng đến mức không mưu cầu bất cứ một điều gì cho mình không?
Có, chỉ là chúng ta không thể tìm thấy nó trong con người. Nó chỉ có thể tìm thấy ở những chú chó. Không phải tự dưng người ta có câu: "Người yêu có thể không có nhưng chó nhất định phải nuôi một con." Tình yêu của những chú chó với chủ nhân của mình là tình yêu vô điều kiện; là tình yêu đơn thuần, thật chất; là tình yêu đúng nghĩa tình yêu.
Dẹp ba cái phim ái tình sến rện đi! Bạn không tìm thấy niềm an ủi thật sự nào cho con tim cô đơn của mình ở trong đó đâu. Thay vào đó, hãy xem Hachi: A dog’s tale (Câu Chuyện Về Chú Chó Hachiko), để thấy rằng một chú chó có thể dạy bạn những điều tuyệt vời như thế nào, về tình yêu...
Mà khoan, trước khi xem phim, chúng ta cần biết câu chuyện ngoài đời của Hachi đã. Hachi là tên thân mật của Hachiko - chú chó trung thành nhất Nhật Bản. Giáo sư Ueno đem Hachi về nuôi vào năm 1924, và trong một năm sau đó, Hachi lớn dần và tạo ra một thói quen: Sáng sáng đến ga Shibuya để tiễn giáo sư đi làm, chiều chiều lại đến ga để đón giáo sư về nhà. Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến một ngày tháng 5 năm 1925, giáo sư Ueno lên cơn nhồi máu cơ tim và đột tử ngay trên giảng đường. Ông không bao giờ trở về nữa. Nhưng Hachiko trung thành thì vẫn chờ đợi. 9 năm, 9 tháng, 15 ngày. Cho đến khi chú chết.
Hachiko ngày nay là một biểu tượng văn hóa đại chúng. Đã có 2 bộ phim về cuộc đời chú: Hachiko Monogatari do Nhật sản xuất năm 1987 và Hachi: A dog’s tale do Anh - Mỹ phối hợp sản xuất năm 2009. Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn bộ phim thứ hai, mà theo đánh giá của người viết, tuy là phim remake nhưng lại tốt hơn bản gốc về khả năng lấy đi nước mắt người xem. Phim được thực hiện dưới bàn tay đạo diễn Thụy Điển Lasse Hallström, với vai chính do diễn viên người Mỹ nổi tiếng Richard Gere đảm nhiệm.
Tình yêu là một phép màu
Phép màu - Đó là điều đầu tiên bạn cần biết về tình yêu. Mỗi ngày, chúng ta lướt qua hàng trăm người; tại sao một ngày nào đó, "bỗng dưng" ta va phải một người mà ta sẽ vô cùng yêu thương? "Có duyên thật!" - Ta thường nghĩ thế. Nhưng bạn có để ý, chính cụm từ này đã hàm ý về một phép màu rồi không? Mọi cuộc gặp gỡ đều hàm chứa một phép màu; và từ phép màu đó sinh ra điều kỳ diệu và thiêng liêng nhất trên thế gian này: Tình yêu.
Bản remake của Mỹ trở nên đặc biệt chính vì thông điệp này của nó. Không ai biết Hachi đến từ đâu. Nó chỉ "bỗng dưng" xuất hiện, và "bỗng dưng" va phải ông Parker, vào một đêm Giáng sinh - thời khắc mà những người thương yêu nhau trở về đoàn tụ với nhau, sau những cuộc chia ly dài dằng dặc như nỗi nhớ.
10 năm sau, khi nói về cuộc gặp gỡ này, bà Parker đã nói rằng Hachi đã tìm thấy ông Parker, chứ không phải ông Parker tìm thấy Hachi. Hình ảnh được chiếu đồng thời với câu nói này của bà là những ngọn nến phản chiếu lung linh trên tấm cửa kính. Một dụng ý rõ ràng từ đạo diễn cho thấy cuộc gặp gỡ giữa Hachi và ông Parker là ý muốn của Chúa. Tình yêu thuần khiết nảy nở từ ấy, phải chăng là một món quà mà Chúa dành cho loài người?
Tình yêu là sự thấu hiểu
Bạn sẽ không thật sự yêu, nếu bạn không thể thấu hiểu. Khả năng này, có lẽ những chú chó luôn làm tốt hơn con người chúng ta. Con người nói quá nhiều, giải thích quá nhiều, chứng minh quá nhiều; thế mà vẫn đầy rẫy hiểu lầm và ngờ vực. Chúng ta phải ngờ vực mọi thứ trên thế giới này, ngoại trừ một điều: Tình yêu của chú chó dành cho chủ nhân của mình.
Chắc bạn sẽ khá ngạc nhiên khi biết rằng gần đây, một nghiên cứu cho thấy chó không hề thích nhặt banh hay nhặt cành cây con người ném đi. Lý do duy nhất chúng nhiệt tình "hùa theo" ta đến thế là vì chúng... thấy ta cười. Miễn ta hạnh phúc, thì chú chó của ta có thể làm bất cứ điều gì mà không hề oán thán.
Hachi có lẽ "chảnh" hơn các giống chó khác, vì nó vốn thuộc dòng "chó quý tộc" Akita. Điều này thể hiện ở việc nó không thèm nhặt banh do ông Parker ném. Việc nó đưa - đón ông Parker cũng là do nó… thích thế, chứ không ai bảo được nó phải làm gì. Thế nhưng có một lần duy nhất, nó tự ngậm banh đến nhà ga để chơi trò ném banh với ông Parker. Lần duy nhất, lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng - Bởi buổi sáng hôm đó, nó cảm thấy ông Parker sẽ ra đi mãi mãi. Hachi không thể nói, nhưng nó cảm nhận được ông Parker rõ hơn bất cứ ai trên đời này, kể cả vợ con ông.
Nhiều nhận xét cho rằng Hachi là một phần của gia đình ông Parker. Người viết bài này không nghĩ vậy. Hachi chưa bao giờ được là một phần của gia đình ông Parker. Ý tứ đạo diễn khá rõ ràng, khi lặp đi lặp lại rất nhiều cảnh quay Hachi nhìn qua khe cửa nhà kho (nơi nó sống) và buồn bã quan sát cuộc sống gia đình hạnh phúc của ông Parker ở khu nhà chính. Nó không sủa váng lên, hay cào nát cửa, hay có bất cứ một hành vi nào thể hiện sự ghen tị của mình. Nó chỉ đơn giản chấp nhận. Bởi vì nó hiểu gia đình ông Parker cần những khoảng thời gian riêng tư mà không có sự tồn tại của nó.
Đám tang ông Parker, Hachi cũng không được dự. Nó không có một thông tin xác thực nào để biết rằng ông Parker đã chết. Thế nhưng người viết tin rằng Hachi luôn biết ông Parker sẽ không bước ra từ chuyến tàu đó nữa, trong suốt 10 năm chờ đợi của mình. Hachi không ngu ngốc. Nó biết hết, nhưng nó phải làm điều nó phải làm - chờ đợi. Chờ đợi cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, khi ông Parker cuối cùng cũng trở về và đón nó đi, cũng lại trong một đêm Thánh thiêng liêng như ngày đầu gặp gỡ.
Tình yêu là nhà
"Về nhà thôi nào!" - Ông Parker đã luôn nói với Hachi như thế, mỗi buổi chiều bước từ tàu xuống. Và cả hai cùng đi qua những bậc tam cấp, qua quầy xúc xích và cà phê, qua một tiệm thịt, qua một khúc ngoặt, để về nhà.
Ông Parker là nhà của Hachi. Ông chết đi, Hachi không còn nhà nữa. Vì vậy, dù được con gái ông Parker đón về nhà mới, Hachi cũng không thể ở lại. Nhà không phải là một nơi chốn, mà là cảm giác thuộc về. Không còn ông Parker, Hachi tìm nhà trong những ký ức về ông. Con đường thân thuộc ngày ngày ông và nó đi qua, bồn cây thân thuộc ngày ngày nó đón đợi ông, đường ray tàu hỏa ngày ngày đưa ông đi và đưa ông về. Nó trú mưa tránh tuyết trong một cái toa tàu bỏ hoang - biểu tượng về một "sự sống" đã chết - thể hiện rằng nó không còn một ngôi nhà nào ở hiện tại nữa. Nhà của nó là một con người, mà trong mắt mọi người, đã chết từ rất lâu. Nhà của nó là một vùng ký ức, mà trong mắt mọi người, đã hoang phế từ rất lâu.
Tình yêu là vĩnh cửu
Có lẽ bạn sẽ phản đối. Tình yêu sao có thể là vĩnh cửu? Nghe sến quá, và "ảo" nữa. Thật ra, tình yêu là vĩnh cửu, chỉ có điều, bạn có giữ được tình yêu hay không mà thôi. Khi bồ cũ của bạn nói "Anh yêu em mãi mãi", đó chính xác là sự vĩnh cửu của tình yêu. Khoảnh khắc hiện tại là vĩnh cửu. Nhưng hiện tại này sẽ thay thế bằng hiện tại khác, tình yêu này sẽ thay thế bằng tình yêu khác, người này sẽ thay thế bằng người khác. Cuộc sống con người là vậy mà.
Chúng tôi yêu cậu, Hachi à. Nhưng nếu cậu phải đi thì cứ đi đi. Tạm biệt nhé!
Nhưng với Hachi, không có một hiện tại nào khác thay thế hiện tại dang dở từ hôm định mệnh ấy. Suy nghĩ này của nó có bộc lộ trong phim, chỉ là ta cần tinh ý một chút để nhận ra. Đầu tiên, hãy chú ý đến màu phim. Rất nhiều cảnh trong phim bị lọc màu, chỉ còn tông chủ đạo là màu xám. Lý do là vì thị giác của chó tương tự với những người bị mù màu xanh và đỏ; đồng nghĩa với việc, tất cả những cảnh quay màu xám trong phim đều là đang thể hiện góc nhìn của Hachi.
Tiếp theo, hãy chú ý đến một chi tiết: Khi Hachi đứng trên bồn cây, nhìn người ra người vào nhà ga trong các chuyển động gián đoạn và nhòe mờ, hướng camera rõ ràng thể hiện góc nhìn từ Hachi; nhưng màu sắc lại vô cùng đầy đủ, chứng tỏ đây là góc nhìn của con người.
Kết hợp cả hai điều này, chúng ta thấy rằng Hachi không hề nhìn thấy chuyển động của thời gian như chúng ta đang nhìn. Đối với nó, thời gian đã đứng lại vĩnh viễn ở thời điểm nó chờ đón ông Parker để cùng ông đi về nhà. 10 năm trôi qua, Hachi không hề biết. Nó cũng chẳng quan tâm. Con người còn đo đếm sự chung thủy của mình. Hachi thì không. Nó chỉ biết một việc: Nó sẽ luôn chờ đợi.
Cho đến tận phút cuối cuộc đời mình.
EmoticonEmoticon