Những thông tin và thống kê mới nhất dưới đây sẽ cho thấy dịch vụ tài chính trực tuyến - còn gọi là fintech - chỉ mới khởi đầu. Thị trường còn rất nhiều khoảng trống cho những người chơi mới.
Ở Đông Nam Á, kỉ nguyên fintech chỉ mới bắt đầu!
Dù fintech Trung Quốc đang phát triển rất mạnh, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Đông Nam Á mới là điểm nóng cần theo dõi trong thời gian tới.
Khu vực này với dân số đông nhưng tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng còn thấp, mảng fintech hứa hẹn sẽ tăng trưởng rất mạnh, khi người dùng chuyển từ việc thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt sang điện thoại.
Quy mô thị trường dịch vụ tài chính trực tuyến Đông Nam Á vào năm 2020 được dự báo sẽ đạt 72 tỷ USD, tăng trưởng rất mạnh so với mức 4,7 tỷ USD của năm 2015.
Cuộc chạy đua ồn ào nhất hiện tại ở Đông Nam Á giữa Grab và Go-Jek đang bắt đầu đến giai đoạn tung ra các ví điện tử riêng mình. Ngoài việc thanh toán cho các chuyến đi bằng GrabPay và Go-Pay, người dùng Grab và Go-Jek còn có thể trả tiền cho sản phẩm dịch vụ tại một số cửa hàng hay quán ăn trong hệ sinh thái ngày càng đa dạng của 2 startup đình đám này.
GrabPay gần đây đã mở rộng nhanh chóng, từ Singapore sang Malaysia bằng cách hợp tác với ngân hàng lớn nhất của quốc gia này, Maybank, cho phép các khách hàng của Grab có thể sử dụng ví điện tử thanh toán trong hệ thống các nhà bán lẻ của Maybank. Và việc chi tiêu sẽ không dừng lại ở đó.
Cả Go-Pay lẫn GrabPay đều cho phép người dùng sử dụng ví điện tử của mình để thanh toán mua sắm online và các dịch vụ trực tuyến khác.
Lazada (hiện đã về tay Alibaba) cũng đã nhập cuộc.Ví điện tử Lazada Wallet thậm chí không yêu cầu người dùng phải có thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.
Sự cạnh tranh này là những dấu mốc đầu tiên trong một cuộc chơi dài hơi trong tương lai, bởi thị trường thương mại điện tử chỉ mới chiếm ít hơn 4% tổng doanh số bán lẻ ở Đông Nam Á.
Còn quá nhiều người "phi ngân hàng"
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của ngành fintech Đông Nam Á là nhờ có dân số đông nhưng lại có rất nhiều người ở trạng thái "phi ngân hàng" - tức là còn chưa tham gia vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Các ứng dụng sẽ lấp đầy các khoảng trống đó.
Ví như ở Indonesia, Go-Pay và một số ứng dụng khác đang nhắm tới mục tiêu 51% của những người chỉ giao dịch tiền mặt và không có tài khoản ngân hàng. Ngân hàng lớn nhất Indonesia - Bank Mandiri còn cho phép khách hàng không cần phải mở tài khoản ngân hàng, thay vào đó có thể liên kết với ví điện tử thông qua số điện thoại di động. Chiếc ví này được đặt tại các ki-ốt và cửa hàng tiện lợi khắp đất nước. Bạn thậm chí có thể rút tiền từ ví điện tử qua ATM của Bank Mandiri.
Một dịch vụ khác là cho vay ngang hàng - trong đó tiền không đến từ các tổ chức tài chính mà đến từ chính những người cho vay cá nhân, giống như bạn và tôi.
Chẳng hạn như cách vận hành của Investree ở Indonesia: một doanh nghiệp nhỏ đang đợi khách hàng thanh toán, nhưng phải chờ tới tận cuối tháng. Với những người cho vay ở Investree có thể ngay lập tức thanh toán số tiền trên hóa đơn cho chủ doanh nghiệp.
Khi khoản thanh toán của khách hàng đến, người cho vay sẽ nhận lại tiền, với lãi suất thu về khoảng 1,2%/tháng.
Một lĩnh vực fintech đang tăng trưởng nữa đó là bảo hiểm.
AI và các công nghệ mới đang thúc đẩy ngành bảo hiểm trực tuyến với các quy trình đánh giá rủi ro và thua lỗ chính xác hơn. Ở Singapore, Bandboo đang hoạt động trong mảng bảo hiểm thất nghiệp. Họ gộp thành từng nhóm 1.000 người. Bảo hiểm của bạn chỉ được kích hoạt khi nhóm của bạn đạt đến con số đó. Khi một người thất nghiệp, chi phí của các khiếu nại sẽ được chia sẻ cho cả nhóm.
Bất cứ điều gì không được khiếu nại sẽ quay trở lại túi tiền của bạn. Vì vậy khi nền kinh tế tăng trưởng, bạn sẽ chi trả ít hơn cho bảo hiểm.
Dù cho những người khổng lồ như Grab hay Ant Financial của Alibaba đang phát triển đế chế tài chính trực tuyến khắp Đông Nam Á, thì vẫn có rất nhiều khoảng trống - và nhiều tiền mặt trong tiêu dùng - sẵn sàng cho các startup fintech mới.
Thị trường fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020
Nếu đang sử dụng ví điện tử Momo hay thanh toán Grab bằng GrabPay, chúc mừng bạn đã trở thành những người dùng tiên phong trong cuộc cách mạng 4.0 của ngành fintech Việt Nam.
Fintech đang phá vỡ hệ sinh thái dịch vụ tài chính truyền thốn ở Việt Nam. Ước tính thị trường này sẽ tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020, so với 4,4 tỷ USD năm 2017.
Mặc dù ngành ngân hàng Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng, nhưng vẫn đi sau các quốc gia trong khu vực với chỉ 59% người dân có tài khoản ngân hàng năm 2017. Trong khi con số này tại Thái Lan và Malaysia là 86% và 92%.
Việt Nam cũng đang hướng đến một xã hội phi tiền mặt với mục tiêu giảm tỉ lệ giao dịch tiền mặt xuống 10% và tăng tài khoản ngân hàng lên 70% vào năm 2020.
Khi Việt Nam bắt kịp các quốc gia láng giềng, cùng sự phổ cập mạnh mẽ internet và smartphone, cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông (3G và 4G), mức thu nhập ngày càng tăng lên của tầng lớp trung lưu, tất cả là cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của lĩnh vực fintech ở Việt Nam.
Trong 3 phân khúc sản phẩm fintech khác nhau bao gồm thanh toán kĩ thuật số, tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp, thì các giải pháp thanh toán kỹ thuật số đang dẫn đầu thị phần dịch vụ fintech tại Việt Nam, chiếm tới 89%.
Dù vậy, tài chính cá nhân và doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh đến năm 2025.
Sự tăng tốc của fintech có đóng góp lớn từ sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt Nam. Các nền tảng thanh toán trung gian và dịch vụ thanh toán kỹ thuật số đang hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển vũ bão của ngành thương mại điện tử với giá trị đơn hàng ngày càng lớn. Hiện có khoảng 35,4 triệu người dùng mua sắm online và dự kiến sẽ tăng lên xấp xỉ 42 triệu, chiếm khoảng 42,5% dân số Việt Nam vào năm 2021.
Mức chi tiêu online trung bình 62 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) sẽ tăng lên mức 96 USD (~2,2 triệu đồng) vào năm 2021. Phương thức thanh toán COD (Cash on Delivery - trả tiền mặt khi nhận hàng) sẽ được thay thế bằng thanh toán kỹ thuật số và các phương thức hiện đại khác, sẽ tạo cơ hội cho các công ty fintech tham gia thị trường.
Đức Anh
Theo Trí Thức Trẻ
EmoticonEmoticon