“Một năm 2 vụ gặt ở Hà Nội mọi người đều đốt rơm rạ. Nội thành tuy không trồng lúa nhưng được “hưởng” toàn bộ phần khói đấy. Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm nào tôi cũng phải ngửi khói đó 2 lần.”
"Rõ ràng cái gì cháy thì là năng lượng. Mọi người đốt hết những năng lượng bừa bãi ở ngoài như thế, sau đó lại bỏ tiền đi mua ga, trả tiền điện cho sinh hoạt, đun nấu. Đó là một sự lãng phí."
Những quan sát và suy nghĩ đó là lý do thôi thúc Nguyễn Tuấn Anh nảy ra ý tưởng tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp vào đun nấu. Và vào năm 2012, Công ty Cổ phần Thế hệ xanh cùng sản phẩm bếp sinh khối hóa khí ra đời.
Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh đi bán bếp đun bằng lõi ngô, vỏ trấu…
Nguyễn Tuấn Anh vốn là học giả Fulbright và có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Brandeis, MA, Hoa Kỳ. Năm 2012, khi nảy ra ý tưởng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, Tuấn Anh bắt đầu tìm công nghệ và tìm tòi "cái gì phù hợp với mình để làm."
Năm 2013, anh chọn làm bếp và đầu năm 2014 sản phẩm được thương mại hóa. Vì muốn theo đuổi việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nên Tuấn Anh làm những bếp nhỏ, gần gũi với bà con nông thôn, sử dụng được những nguồn phụ phẩm nông nghiệp chính bà con sản xuất ra.
Một sản phẩm bếp Thế hệ xanh
"Tất cả các bếp đều đun được bằng củi. Có một số bếp được thiết kế để phù hợp hơn với một số loại nhiên liệu khác nhau. Ví dụ như bếp đun lõi ngô là cái tốt nhất để đun lõi ngô.
Sản phẩm có thể không tối ưu về mặt hiệu suất nhưng tối ưu cho người sử dụng: chỉ một cái bếp nhưng họ có thể đun được tất cả những cái thứ linh tinh người ta tìm được ở quanh nhà…", Tuấn Anh giải thích.
Giám đốc Công ty Thế hệ xanh nói thêm: "Mình đi tới nhiều vùng khác nhau, xem mỗi vùng mọi người trồng cây gì, có loại rác thải nông nghiệp gì. Ví dụ, không thể giới thiệu bếp trấu lên Sapa, vì trên núi họ có trồng lúa đâu mà có trấu. Công nghệ phải đi kèm với nguồn nhiên liệu từ địa phương."
Song song với quá trình phát triển sản phẩm là việc ghi nhận ý kiến của bà con về những sản phẩm hiện tại và liên tục cải tiến. "Đội kinh doanh đi rất nhiều, gọi điện hỏi thăm về ý kiến của bà con. Tất cả những ý kiến đó đều được lưu lại," Tuấn Anh cho hay.
Theo Tuấn Anh, bếp Thế hệ xanh (THX) sử dụng công nghệ khí hóa. Ngoài việc tân dụng được phụ phẩm nông nghiệp, bếp có 2 ưu điểm nổi bật: tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí phát thải ra môi trường (trung bình bếp THX giảm được 30% lượng CO và 90% bụi PM2.5 so với bếp củi truyền thống).
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất là… cái kiềng và câu chuyện thay đổi thói quen người dùng
Khi được hỏi về các sản phẩm tương tự trên thị trường và điểm khác biệt của bếp Thế Hệ Xanh, Tuấn Anh nói: "Có một cộng đồng nhỏ các nhà sản xuất bếp cải tiến, mọi người đều biết nhau. Trên lý thuyết là đối thủ cạnh tranh nhưng thực tế thì chẳng ai coi nhau như thế cả. Mà đối thủ cạnh tranh lớn nhất là… cái kiềng. Kiềng chỉ 30 nghìn, ai không có điều kiện thì mua 3 viên gạch lên, không tốn đồng nào cũng có được cái bếp."
Trong khi đó, giá một bếp THX của Tuấn Anh thì thấp nhất là 150 nghìn đồng.
Hơn nữa, "bình thường người ta đun bếp củi thì gác mấy thanh củi rồi đun từ dưới lên. Nhưng bếp khí hóa thì ngược lại: dựng đứng thanh củi (hoặc nhiên liệu) rồi đun từ trên đầu. Nên các bếp khí hóa đòi hỏi một sự thay đổi lớn ở người dùng," Tuấn Anh chi ra điểm khó của sản phẩm công ty mình.
Thế nên, một bài toán nan giải của Thế Hệ Xanh là: Làm sao để thuyết phục người dùng chuyển từ bếp củi truyền thống sang dùng bếp của mình?
Nhớ lại chuyến đi giới thiệu sản phẩm tới Tuyên Quang vào năm 2013, Tuấn Anh kể: "Khi đó chúng tôi kết hợp với Hội phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đi thí điểm tại địa bàn tỉnh. Giới thiệu bếp tới các chị em phụ nữ thì họ bao giờ cũng là người phụ trách việc đun nấu ở nhà.
Sau màn giới thiệu về kỹ thuật, các tính năng ở trong hội trường, có một chị bảo:
- Anh làm ra bếp thì bao giờ chả hay, còn bảo là anh bảo giảm CO, giảm khí thải thì chúng tôi đun bếp bao nhiêu đời nay rồi có ai đun xong thì lăn đùng ra chết đâu. Các anh cứ dọa thế để bắt tôi mua chứ còn cái này cũng chẳng có gì hay cả!
- Chị ơi nhưng cái bếp này tính ra sẽ tiết kiệm được 50% củi cho nhà mình.
- Anh cứ nhìn đấy, sau lưng nhà tôi là rừng, củi đầy, chả cần tiết kiệm, củi dùng có bao giờ hết đâu.
- Ít nhất là củi ở trong rừng thì chị cũng mất công vào rừng chị chặt, rồi mang về phơi rất mất thời gian.
- Anh nhìn xem quanh đây có việc gì làm đâu. Thời gian đầy cũng chả biết dùng làm gì (!)"
"Cái mình nghĩ là tốt thì chưa chắc là người dùng đã cần."
Đến đấy thì rất căng thẳng vì bao nhiêu bài vở đã được trình bày hết rồi nhưng không thuyết phục được chị.
Nhưng may mắn thay, khi mang bếp ra ngoài sân để đốt - tuy hôm đấy gió thì to nhưng mà bếp cấu tạo rất là kín nên cháy rất là tốt ở ngay giữa sân - Tuấn Anh bèn bảo chị kia:
"Bếp này nó đun được ở ngoài trời, chị ngại đun trong bếp chị có thể bỏ ra ngoài sân chị đun, vừa đun bếp vừa trông cháu, xong lại vừa buôn chuyện với bà hàng xóm."
Tưởng nói thế để gỡ gạc thôi, ai dè chị ấy bảo: "Ô thế thì hay. Tôi mua!". Tức là, trái với mong đợi của người làm sản phẩm, trong trường hợp này không phải sự tiết kiệm hay tính bảo vệ môi trường, mà sự tiện dụng của bếp mới là tính năng chinh phục người dùng.
Tuấn Anh đúc kết: "Đôi khi mối quan tâm của người dùng và quan tâm của người làm ra sản phẩm nó khác nhau. Bài học của tôi là sau này phải "làm bài tập" kỹ hơn, đi đâu thì phải tìm hiểu về các cộng đồng kỹ hơn, để giới thiệu đúng với cái gì mà người tiêu dùng muốn. Chứ cái mình nghĩ là tốt thì chưa chắc là người dùng đã cần."
Bếp Thế hệ xanh tại một hội chợ
Hơn nữa, vì đối tượng khách hàng là bà con nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, có người còn không nói được tiếng Việt nên cách làm marketing của Tuấn Anh cũng rất mộc mạc: "Bao giờ giới thiệu bếp cũng chốt bằng việc demo, đốt lên sẽ mời người nào dùng thử luôn." Và tất nhiên là, "khi về vùng nông thôn thì quảng cáo trên mạng hay Facebook hầu như không có tác dụng."
Tuấn Anh cho hay một trong những điều đau đầu nhất của Thế hệ xanh hiện tại là chi phí phân phối, logistics. Hiện công ty Thế hệ xanh không thông qua các đại lý lớn mà làm việc trực tiếp với các nhà bán lẻ cấp huyện, xã, chợ phiên… nhằm đảm bảo giá sản phẩm mang đến tay người dùng không bị đội lên.
"Một điều xác định ngay từ đầu là đối tượng khách hàng sử dụng đều là những người thu nhập thấp – thì họ mới đun củi. Chứ những người thu nhập cao họ đun ga hết rồi, còn ai đun củi nữa đâu," Tuấn Anh giải thích.
Trong năm 2017, công ty của anh Tuấn Anh bán được trên 20 nghìn bếp, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nay, Thế hệ xanh có khoảng 11 loại bếp với nhiều kích cỡ khác nhau, điều chỉnh với từng vùng để phù hợp hơn với các loại phụ phẩm mà các vùng đồng bào có. Công ty giao hàng trên toàn quốc, nhưng các hoạt động giới thiệu trực tiếp thì tập trung chủ yếu ở 17 tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Nguyễn Tuấn Anh, nguyên lý khí hóa được hiểu nôm na như sau: Khi đốt sinh khối hoặc đốt củi thì khói bay ra. Khi đốt ở nhiệt độ cao thì nó có quá trình nhiệt phân diễn ra, tách sinh khối thành 2 phần: than (cacbon), và khí.
Khí này thì mắt thường gọi là khói, nhưng trong cái thành phần khí đấy có rất nhiều thứ cháy được. Và những bếp khí hóa cung cấp thêm 1 luồng khí nữa để đốt được khói đó, nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu và giảm được lượng khói thải ra môi trường.
EmoticonEmoticon