Giá trị TRUNG THỰC trong văn hóa TGDĐ: Phát hiện shop bán "chui" đồ ngoài, ông Tài đã sa thải 25 nhân viên 1 ngày, đóng cửa hàng cả tuần để tuyển lại từ đầu
"Từ ông cửa hàng trưởng đến nhân viên, bảo vệ thông đồng với nhau để bán đồ ngoài lấy tiền bỏ túi. Khi phát hiện ra, phải đuổi 25 nhân viên trong 1 ngày, đóng cửa hàng trong 1 tuần để huấn luyện, làm lại toàn bộ. Nếu không có giá trị TRUNG THỰC, chúng tôi không thể nào vận hành được", ông chủ Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài thổ lộ.
Để vận hành một chuỗi hơn 2.000 cửa hàng bán lẻ đặt rải rác tại 63 tỉnh thành, nếu không có giá trị này sẽ không thể phát triển được, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – tiết lộ.
Giá trị ông Tài nhắc đến là Trung thực.
Thế giới Di động hiện có 2.055 cửa hàng bán lẻ, với 1.071 cửa hàng Thegioididong.com, 668 cửa hàng Điện máy Xanh và 316 cửa hàng Bách Hóa Xanh.
"Thậm chí có những cửa hàng tôi chưa bao giờ đặt chân tới. Giờ các bạn hỏi tôi Thế giới Di động Lào Cai ở đâu, thú thực tôi không biết. Nếu không có giá trị này tồn tại, hệ thống bán lẻ này không thể phát triển được", ông Tài cho biết.
Cũng theo lời ông Tài, đã từng có cửa hàng điện thoại buộc phải sa thải 25 nhân viên trong đúng 1 ngày, đóng cửa hàng 1 tuần để tuyển đội ngũ mới.
"Tiền thuê công ty trả, mọi thứ công ty trả, nhưng họ mua điện thoại sỉ và bán ở trong đó. Doanh thu lợi nhuận đi đâu mất. Tức, ai đó cho họ mượn cửa hàng miễn phí. Từ cửa hàng trưởng đến nhân viên, bảo vệ thông đồng với nhau để bán đồ ngoài lấy tiền bỏ túi".
"Khi phát hiện ra, phải đuổi 25 nhân viên trong 1 ngày, đóng cửa hàng trong 1 tuần để huấn luyện, làm lại toàn bộ. Nếu không có giá trị TRUNG THỰC, chúng tôi không thể nào vận hành được", ông Tài kể lại.
Trung thực là một trong 6 giá trị cốt lõi của Thế giới Di động, bên cạnh 5 giá trị khác gồm Tận tâm với khách hàng, Integrity – Nói gì làm nấy, Nhận trách nhiệm, Yêu thương và hỗ trợ đồng đội, và Máu lửa trong công việc.
Cách chuyển tải văn hóa DN đến gần 37.000 nhân viên để ông chủ không cần có mặt, cửa hàng vẫn chạy
"Đỉnh cao của quản lý là ông chủ không dùng chế tài mà mọi thứ vẫn cứ chạy, chứ chuyện "Cây gậy và củ cà rốt" dễ lắm", ông chủ Thế giới Di động chia sẻ.
Văn hóa doanh nghiệp, theo ông Tài, phải là sự tự điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên trong doanh nghiệp mà không cần đến các chế tài.
Trong một doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh, mọi người sẽ có hành xử đúng chuẩn mà không cần sự giám sát của các lãnh đạo doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp phải cần đến quá nhiều các chế tài để giám sát nhân viên thì đó chỉ là văn hoá "ảo", không thực sự tồn tại. Nó sẽ nhanh chóng mất đi khi không có sự quản lý của người đứng đầu.
"Tôi mà bước vào mỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động hay Bách Hóa Xanh, các nhân viên mà làm việc bình thường, không để ý đến sự có mặt của tôi thì đó mới là văn hóa thật", ông Tài nói.
"Đỉnh cao của quản lý là ông chủ không dùng chế tài mà mọi thứ vẫn cứ chạy, chứ chuyện "Cây gậy và củ cà rốt" dễ lắm".
"Còn ở một nơi bỗng dưng sếp đến mà cả cửa hàng rúng động, các nhân viên í ới nhau bảo "Ổng đến rồi đó", thì cái văn hóa bề nổi và cái tảng băng chìm trong doanh nghiệp đang mâu thuẫn".
Với số lượng nhân viên lên tới gần 37.000 người (tính đến 31/12/2017), làm sao ông Tài chuyển tải để từng người "ngấm" được giá trị văn hóa của Thế giới Di động?
"Tôi cho là văn hóa là thứ đi từ trên xuống, không đi từ dưới lên. Để chuyển tải được nó, tối thiểu chúng ta phải tập hợp được những người trên cao, để họ hiểu được những giá trị văn hóa giống nhau. Ví như ở công ty tôi, Trung thực là gì? Chúng tôi nhìn ở 2 mặt: Trung thực về tiền bạc, tức không đụng vào tiền không phải của bạn".
"Thứ nữa là Trung thực về mặt con người. Cái bạn nói, thể hiện ra bên ngoài phải tương đồng với cái bạn có bên trong, chứ không có chuyện nói một đường, hành động một đường mà nghiêm trọng hơn là nói một đường làm một nẻo", ông Tài chia sẻ.
Sau khi đưa ra những định nghĩa rõ ràng, các giá trị này sẽ được rao giảng cho các cán bộ quản lý miền (Area Managers), sau đó cắt cử người đi rao giảng xuống các quản lý cửa hàng (Store Managers).
Sau khi tuyên truyền xong, bước tiếp theo cần xây dựng chính sách để đo lường các giá trị đó. Với quy mô cửa hàng, 2 vấn đề ông Tài cho là quan trọng nhất đối với nhân viên là Quản lý cửa hàng có làm gương và có ứng xử công bằng hay không.
"Căn cứ vào những câu trả lời của nhân viên, chúng tôi sẽ biết chỗ nào đang mưa, đang nắng, chỗ nào đang bị hạn hán, chỗ nào đang có vấn đề để cho người xuống request xem có hỗ trợ được gì không".
"Các giá trị này mất cả năm trời để mọi người hiểu, mất khoảng 1 năm để vết dầu đó loang ra. Kinh nghiệm của tôi là khoảng 3 năm sẽ có được 1 giá trị mà số đông (chứ không phải 100%) sống với nó. Các bạn đừng bao giờ kỳ vọng con số 100% vì số đó không bao giờ có trong cuộc đời. Sau đó là duy trì để các giá trị này không rớt", ông Tài chia sẻ.
EmoticonEmoticon