Có một thế hệ mang tên 'LƯỜI': Lười đọc sách, lười lao động, thích rượu bia, căn bệnh trầm kha khiến chúng ta mãi không giàu?
Tiếp tục "lười" lập thành tích, năng suất lao động thấp hơn cả Lào, thói quen lười làm, lười đọc sách nhưng lại chăm rượu bia của người Việt phải chăng là nguyên nhân khiến chúng ta mãi vẫn mãi... không giàu và văn minh.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê năm 2017, Việt Nam vẫn là nước có năng suất thấp nhất khu vục. Thua Lào và chỉ bằng 7% người Singapore, một đất nước vẫn tự hào với truyền thống "cần cù, chăm chỉ, siêng năng" dường như đang bị rớt lại trong cuộc đua năng suất.
Theo thống kê, thì 39 người Việt làm việc mới bằng một người Nhật, một người Singapore làm việc bằng 26 lần người Việt Nam, Hàn Quốc cao gấp 16 lần, Thái Lan và Philippines cũng cao hơn 1,5 lần.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Sáng nào chúng ta đều bị tắc đường vì người người kéo nhau đi làm mà?
Đúng là chúng ta có chen chúc nhau để được chấm công đúng giờ, đúng là chúng ta có ngồi vào bàn làm việc 8 tiếng mỗi ngày, nhưng chúng ta thực sự làm gì với chiếc máy tính mới quyết định chất lượng và hiệu quả của giá trị lao động.
Đây là một cảnh tôi thường thấy ở những rất nhiều các công ty. 9h sáng đến chấm vân tay, các thanh niên nước nhà lần lượt rủ nhau đi làm bát phở ăn sáng, thêm cốc trà đá cà kê đến 10h. Về đến chỗ ngồi, họ lại tiếp tục lướt Facebook, đọc tin tức, sau đó làm việc được 30 phút, họ lại "buộc" phải đi ăn trưa.
Ảnh minh họa
Có chăng giờ làm việc tập trung nhất của họ sẽ tập trung vào khoảng 2 tiếng từ 14h-16h chiều, đấy là còn may nếu trong văn phòng không có các chị em ngồi "buôn" chuyện con đi học mẫu giáo, chồng đi công tác hay mẹ chồng mới ra.
Năng suất thấp cũng bởi vì phần lớn chúng ta thiếu văn hóa làm việc thực sự tập trung. Trong kinh nghiệm của tôi khi làm việc với người nước ngoài, có một điểm thực sự phải nể phục là họ làm việc rất tập trung và không buôn chuyện.
Người Việt Nam gọi đó là "lạnh lùng", nhưng với người Tây, công ty chỉ là nơi để làm việc, các chuyện cá nhân thường được gạt ra một bên. Một khi đã giao việc, họ sẽ thực sự làm chỉ mất vài tiếng là xong, trong khi với người Việt phải mất cả ngày, vì vừa làm vừa lướt Facebook, vừa tán gẫu, vừa ăn uống.
Dễ hiểu với bằng đấy công việc phải làm "ngoài giờ" như ăn uống, văn hóa buôn chuyện, chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững thành tích năng suất lao động thấp. Nhưng còn có một nguyên nhân lớn khác.
Không chỉ lười làm, người Việt còn có một tật lười nguy hiểm hơn: Lười đọc sách.
Theo thống kê, trung bình một người Việt đọc 4 cuốn sách/ năm, mỉa mai thay là 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Báo cáo Vụ Thư Viện, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch năm 2015, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số.
Trong khi đó, người dân Singapore đọc đến 14 cuốn sách một năm, người Nhật là 20 cuốn. Những dân tộc hàng đầu thế giới như Đức, Pháp, Isreal, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/ năm. Đó là một trong những nguyên nhân giúp họ văn minh, giàu có, phát triển.
Lười làm việc, lười đọc sách, thế người Việt chăm chỉ gì?
Có một số liệu khác có thể cho ta biết một phần câu trả lời này. Không ngại chi 63 nghìn tỷ đồng uống rượu bia mỗi năm, nhưng người Việt Nam lại chỉ dám bỏ 2 nghìn tỷ đồng mua sách, không bằng số lẻ.
Đi liên hoan, tiệc tùng thì dùng bia rượu đã không nói, chúng ta lại còn dùng chúng vào đủ các thời điểm trong ngày. Bữa trưa ngồi với anh em phải làm vài chai bia, tối sếp gọi đi "nhậu" lại phải nâng vài chén rượu, sáng ngủ dậy đôi khi lại phải làm thêm một lon đi làm cho có năng lượng. Thói quen sử dụng chất kích thích vô tội vạ này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và khả năng làm việc trong giờ hành chính.
Tất nhiên ai cũng biết uống bia thì dễ hơn nhiều đọc Chiến tranh và hòa bình, ngồi buôn chuyện với đứa đồng nghiệp thì sướng hơn nhiều là ngồi xử lý bảng Excel, nhưng những căn bệnh trầm kha này liệu có tạo ra một hệ quả rất xấu.
Khi lười đọc thì tất nhiên kỹ năng, chuyên môn, kỹ thuật sẽ kém, vì phần lớn kiến thức của nhân loại đều nằm trong các cuốn sách. Năng lực kém thì tất nhiên dẫn đến làm việc sẽ lâu, mất thời gian, không hiệu quả. Vì thế, nhiều nhân viên đâm ra chán nản, chán việc, chán sếp lại dành thời gian để "lê la quán xá", "tụ tập anh em" để cùng nhau giải khuây.
Bệnh lười không phải chỉ là chuyện của riêng của thế hệ tôi, mà nó là bản chất chung của con người. Chẳng ai muốn phải lao động, chẳng ai muốn phải đọc sách, chẳng ai muốn phải học hỏi nếu ngày nào cũng có một cơn mưa tiền, mưa thức ăn, mưa iPhone cả. Muốn hưởng thụ là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Nhưng có lẽ các quốc gia khác họ biết hậu quả của việc lười biếng là gì.
Phải chăng với thế hệ tôi, ít nhất vẫn đủ cơm ăn áo mặc, hằng tháng vẫn nhận đủ lương để sống qua ngày, nên lười không còn là một căn bệnh phải suy nghĩ, mà đã là một thói quen của cuộc sống. Nhưng nếu tiếp tục "lập thành thích" ở hai căn bệnh lười nguy hiểm nhất – lười tư duy và lười lao động – ước mơ về một người Việt văn minh, giàu có ngang tầm khu vực chứ chưa nói đến thế giới sẽ còn rất lâu nữa mới trở thành hiện thực.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
EmoticonEmoticon