Đăng ảnh dạy MS Word bằng cách vẽ hình, thầy giáo châu Phi nổi tiếng trên Internet, được Microsoft tặng máy tính


Những bức ảnh chụp một thầy giáo châu Phi dạy tin học bằng cách vẽ hình trên bảng đang lan truyền nhanh trên internet. Nó đã thu hút sự chú ý của những người nổi tiếng, những nhà hoạt động xã hội trên toàn thế giới.






Cả thế giới đều ngưỡng mộ một giáo viên ở Ghana, người đăng ảnh mình vẽ lên bảng đen bằng phấn màu cửa số giao diện Microsoft Word để phục vụ giảng dạy. Học sinh trong lớp của anh cũng học bằng cách vẽ lại vào vở của mình.

Những bức ảnh này đã mau chóng được chia sẻ trên các mạng xã hội, và ai cũng trầm trồ trước nỗ lực của thầy giáo này trong việc giải thích cách hoạt động của máy tính khi không có trong tay chiếc máy tính để phục vụ giảng dạy.



Richard Appiah Akoto, 33 tuổi, là giáo viên môn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại Trường Trung học Betenase M/A ở thị trấn Sekyedomase, cách phía bắc thành phố Kumasi, Ghana khoảng 2 tiếng rưỡi lái xe. Trường học này không hề có máy tính mặc dù từ năm 2011 tới nay, học sinh 14 và 15 tuổi phải viết và vượt qua kỳ thi quốc gia và ICT là một trong số các môn thi (nếu không vượt qua kỳ thi này học sinh sẽ không được lên cấp 3).

"Đây không phải lần đầu tiên tôi vẽ nó. Tôi làm điều này bất cứ khi nào lên lớp. Tôi thích đăng ảnh lên Facebook vì vậy tôi đã đăng tải những bức ảnh này lên. Tôi không biết rằng nó lại thu hút mọi người nhiều như vậy", Akoto, người gắn bó với ngôi trường này 6 năm, chia sẻ.

Trên Facebook, Akoto sử dụng nickname "Owura Kwadwo Hottish" và đương nhiên cái tên này đã nổi tiếng trên cả Facebook và Twitter. Những bức ảnh của anh cho mọi người thấy cuộc sống khổ cực của người dân châu Phi và cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng những người châu Phi làm trong ngành công nghệ như doanh nhân công nghệ Rebecca Enonchong, người có tài khoản Twitter là @africatechie.



Microsoft hứa sẽ trang bị cho Akoto những trang bị cần thiết qua các đối tác

Những bức ảnh ấy còn trở nên nổi tiếng hơn nữa khi được diễn viên nổi tiếng người Ghana chia sẻ trên trang Facebook với 140.000 fan và được nhiều trang web quốc tế cũng như những người đam mê công nghệ trên toàn thế giới chia sẻ. Sau khi tweet về Akoto, Enonchong cũng có những liên hệ với Microsoft qua Twitter. Để đáp lại, Microsoft hứa sẽ trang bị cho Akoto những trang bị cần thiết qua các đối tác và cho phép anh truy cập vào chương trình giáo dục cũng như các hỗ trợ nghề nghiệp miễn phí của Microsoft.

Tuy nhiên, Akoto chia sẻ rằng nhà trường cần khoảng 50 chiếc máy tính để trang bị cho lớp học ICT. Và khi Enonchong hỏi về việc có trang bị máy tính cho lớp học hay không, Microsoft không đưa ra phản hồi nào.

Mặc dù Akoto có một chiếc laptop nhưng anh không sử dụng nó bởi giáo trình yêu cầu anh phải giảng dạy cho học sinh những phần khác của hệ thống và màn hình, các bước để kết nối chúng và làm thế nào để khởi động một chiếc máy tính để bàn. "Nếu bạn mang một chiếc laptop vào lớp học, bạn cần chỉ cần nhấn nút nguồn và tất cả mọi thứ hoạt động, nó không hiệu quả trong việc giảng dạy", Akoto nói.



Kể từ khi được triển khai vào năm 2011 tới nay, bài thi viết dựa trên khả năng ghi nhớ những gì đã học của học sinh vẫn chưa được cập nhật. Năm ngoài, chỉ một học sinh trong lớp của Akoto đạt điểm A.

"Chắc chắn những em học sinh ở Accra (thủ đô Ghana) có thể vượt qua kỳ thi nhưng bạn không thể so sánh những em có điều kiện ngồi trước máy tính, hiểu rõ mình đang làm gì bằng con chuột với những em còn chưa bao giờ được cầm chuột máy tính", Akoto nói.

Mặc dù là nguồn cảm hứng cho các giáo viên ở châu Phi nhưng những gì Akoto làm là minh chứng của một nền giáo dục công lập đầy thiếu thốn của Ghana. Ở khắp "Lục địa đen", nhiều phụ huynh dù nghèo vẫn buộc phải chọn các trường tư thục thay vì trường công bởi các trường công quá thiếu thốn về mặt nguồn lực, vật chất và trang bị.


Theo Chíp

Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon