26 tuổi, nếu không có 5 quyết định lớn này thì có lẽ cuộc đời tôi vẫn cứ giậm chân ở con số 0...


"Thực tế là trên đời này, cái gì cũng có thể thay đổi. Tình yêu, tình bạn, con người, xã hội, nếu tất cả đều có thể thay đổi, tại sao tôi lại không cho phép chính tôi thay đổi?"






Nhìn lại cuộc sống mới chỉ 26 năm của mình, tôi nhận ra có những quyết định có ý nghĩa lớn lao hơn cả, giúp tôi hình thành con người của tôi ngày hôm nay. Tôi không viết ra để khuyến khích hay khuyên nhủ bạn làm theo những điều mà tôi nói, bởi tôi biết tôi và bạn, chúng ta là những người khác nhau, sống trong những điều kiện rất khác nhau. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn như một cách để bạn hiểu thêm về tôi, và hi vọng là về chính bạn.
Chấp nhận rằng mọi thứ đều có thể thay đổi

Bạn đã bao giờ trải qua một quá trình mà sau đó, những suy nghĩ và niềm tin bạn luôn có bỗng nhiên thay đổi? Đó có thể là quan điểm của bạn về một người nào đó, hay một sự vật sự việc nào đó. Nghiêm trọng hơn, đó cũng có thể là ước mơ của bạn, hay nguyên tắc sống của bạn?

Gần như ai cũng nhớ tôi đam mê giáo dục và muốn cống hiến cho giáo dục. Tôi không biết mình đã thay đổi, hay chỉ đơn giản là theo thời gian, khả năng diễn đạt những mong muốn trong tôi trở nên chính xác và rõ ràng hơn. Nhưng giờ đây, ước mơ đó không còn là ước mơ số 1 của tôi nữa.


Tôi đã mất vài năm đấu tranh với chính mình để chấp nhận rằng mơ ước và quan điểm của tôi đã thay đổi. Khi tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra những sự thay đổi này, tôi đã sợ hãi. Tôi sợ khi ai đó cảm thấy thất vọng về tôi. Nhưng cùng lúc đó, tôi khổ sở khi không dám thừa nhận những điều mình muốn làm đã thay đổi.





Tôi cứ mải miết trốn chạy những suy nghĩ của mình như thế cho đến gần đây, khi tôi biết nếu không được làm những điều này, tôi cảm thấy mình đang phản bội chính mình. Tôi bắt đầu đối thoại với chính mình, thành thật về những nỗi sợ hãi thầm kín trong lòng, và những áp lực vô hình tôi tự tạo ra cho bản thân. Và tôi gật đầu, đúng, ước mơ của tôi đã thay đổi.

Thực tế là trên đời này, cái gì cũng có thể thay đổi. Tình yêu, tình bạn, con người, xã hội, nếu tất cả đều có thể thay đổi, tại sao tôi lại không cho phép chính tôi thay đổi? Quyết định chấp nhận sự thay đổi tạo ra một sức mạnh rất lớn trong tôi, giúp tôi có động lực để làm những điều tôi chưa bao giờ làm. Nó cũng trở thành một triết lý sống mà tôi dùng để soi rọi vào những gì tôi quan sát và chiêm nghiệm, để tôi bớt nặng lòng với những gì không còn nữa, và nhìn vào những điều mới một cách khoan dung hơn.

Tìm hiểu mình là ai, và chấp nhận điều đó


Từ bé đến lớn, tôi luôn cố gắng trở thành người hoàn hảo. Tôi đã cố gắng làm mọi thứ ở mức tốt nhất, cố gắng làm cho mọi người hài lòng và yêu quý mình, cố gắng sửa (hoặc che giấu) khuyết điểm của mình. Nhưng thật kì lạ, dù tôi nỗ lực đến thế nào, vẫn luôn có người không thích tôi, thậm chí ghét tôi ra mặt.


Nhưng lý do tôi tổn thương không phải là họ, và có lẽ chưa bao giờ là họ. Thực ra, họ giống như phiên bản đời thực của những tiếng nói trong tôi vậy. Chính tôi là người đã vẽ ra bức tranh hoàn hảo về bản thân để cố gắng theo đuổi nó, và khi biết mình không thể, tôi vẫn không chịu buông tay. Những tiếng nói chỉ trích xuất hiện để ép tôi nỗ lực hơn. Tôi đã không tin rằng mình có thể sống tốt, sống có ích nếu như mình không hoàn hảo.






Giờ đây, 26 tuổi, tôi hiểu nhiều hơn về bản thân mình. Tôi đọc sách, nghiên cứu, và tự suy ngẫm để trả lời câu hỏi "Tôi là ai?". Tôi chấp nhận rằng những lúc tôi nóng nảy, ích kỉ, bi quan, là những thời điểm rất "con người" của chính tôi. Nếu tôi hoàn hảo, tôi sẽ không bao giờ trải qua những thời điểm ấy, và chẳng bao giờ có thể lớn lên. Nếu tôi hoàn hảo, tôi sẽ là kẻ cô đơn nhất thế giới, vì tôi chẳng bao giờ biết thông cảm với những thiếu sót hay khiếm khuyết của người khác.

Từ khi hiểu rõ hơn về con người mình cũng như những điểm xấu khó chấp nhận về chính mình, tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi bớt đề cao cái tôi của mình hơn, bớt ảo tưởng về phần thánh thiện trong mình, và trân trọng phần còn chưa tốt đẹp. Tôi thẳng thắn hơn, bớt dày vò mình đi, và ngừng gán cho mình những trách nhiệm, những lí tưởng phải trở thành người cao đẹp. Và tôi có cảm giác, chính khi tôi chấp nhận và yêu thương mình như vậy, tôi lại trở nên đẹp hơn, tốt hơn?
Nghiêm túc với tài chính của bản thân

Có một thói quen tôi tạo ra kể từ khi tôi nghiêm túc với tài chính của bản thân: Phân biệt rõ ràng giữa "giá cả" và "giá trị." Sống ở Mỹ lâu năm, tôi rèn luyện cho mình đôi mắt nhận diện sự khác biệt giữa giá cả và giá trị.

Tôi không tiếc tiền đi taxi nếu như bỏ ra thêm 5 USD đó giúp tôi tiết kiệm được 30-45 phút so với đi bus, vì tôi biết giá trị thời gian của tôi là bao nhiêu. Tôi không ngại đưa bố mẹ đến một nhà hàng tốt trên đường đi du lịch, vì tôi hiểu giá trị của một trải nghiệm ăn ngon quan trọng đến thế nào đối với người cao tuổi trên một hành trình dài cả chục tiếng đồng hồ.


Tôi nghiêm túc với tiền bạc của mình, học cách tiết kiệm đúng lúc đúng chỗ, và luôn nhìn sự vật trong tương quan giá trị – giá cả để không khiến bản thân rơi vào bẫy tiêu dùng hoặc bẫy lãng phí thời gian và năng lượng.
Kết hôn với người phù hợp tại thời điểm phù hợp

Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định kết hôn ở tuổi 25 của mình. Sau 1 năm kết hôn, tôi biết mình đã lựa chọn đúng, vì một vài lí do như dưới đây:

- Tôi đã kết hôn với một người chấp nhận tôi và giúp tôi yêu thương chính mình: Tôi đã từng hẹn hò nhiều người và thất bại liên tục với các mối quan hệ. Thế nhưng, trong sáu tháng trước khi hẹn hò với anh, tôi có thời gian để nhìn lại bản thân, học cách yêu thương chính mình, học cách sống tốt và vui vẻ khi ở một mình. Chỉ khi đã biết vui và yêu thương chính mình, tôi mới có thể tự tin bước vào một mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh.





- Kết hôn giúp chúng tôi ổn định tài chính: Khi cùng về sống một nhà, chúng tôi tiết kiệm được chi phí thuê nhà, ăn uống, giảm bớt đi những áp lực tiền nong vẫn có khi hẹn hò. Tôi và chồng cùng thảo luận, bàn bạc, đưa ra những quyết định tài chính quan trọng.

- Kết hôn giúp chúng tôi tự tin chuẩn bị cho các mục tiêu lớn hơn trong tương lai: Khi mục tiêu "tìm bạn đời" đã đạt được, chúng tôi tự tin thoải mái tiếp tục đi chinh phục các mục tiêu khác trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp.

Lắng nghe người khác, nhưng luôn tự ra quyết định


Khi tôi nộp hồ sơ đi du học năm 2012, tôi gần như không nhận được sự ủng hộ từ bất kì ai. Tôi đã rất tin một người nổi tiếng trong giới tư vấn du học, bẽn lẽn email hỏi chị: liệu em có cơ hội không? Chị bảo, rất khó em ạ, tốt nhất là em đợi đi du học bậc cao học thì tốt hơn. Tôi đã quen với việc người khác tin rằng tôi làm được, nên email ngắn gọn của chị khiến tôi cảm thấy bàng hoàng và tức giận.





May mắn là hồ sơ của tôi phù hợp với một trường, và tôi đã được nhận. Nhưng giờ đây nhìn lại, nếu tôi là chị ngày ấy, tôi chắc chắn cũng sẽ nói điều tương tự. Điều tôi hiểu ra được đó là không ai, dù tài năng và có tầm nhìn đến mấy, có thể luôn luôn đúng. Ý kiến của họ chỉ mang tính tham khảo, và chắc chắn tôi sẽ học được điều này hay điều kia ý nghĩa trong cách tư duy của họ.

Nhưng rốt cuộc, người ra quyết định cho cuộc đời tôi chỉ có thể là tôi, chứ không phải là ai khác. Nếu chính tôi không tự ra quyết định, tôi sẽ luôn đổ lỗi cho họ đã khiến tôi khổ sở, hoặc tiếp tục hoài nghi bản thân vì không đủ bản lĩnh và khả năng để lựa chọn mà phải dựa dẫm vào người khác. Tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình chính là điều giúp tôi trưởng thành nhanh nhất, mạnh mẽ nhất.


EmoticonEmoticon