Có một thế hệ đang bị đè bẹp bởi tảng đá “áp lực” từ những tấm gương thành đạt


Đến một lúc nào đấy, niềm vui gặp lại bạn bè giờ đây không còn trong veo như ngày xưa nữa, nó đã bị cái gọi là áp lực thành công làm hoen ố đi phần nào.












Những cuộc trò chuyện quanh bàn cà phê của chúng ta với bạn bè không còn vô tư xoay quanh vài tấm ảnh check-in hay tin tức showbiz giật gân trên mạng xã hội nữa, mà thay vào đó là những câu chuyện căng não đau đầu hơn về dự định tương lai của từng đứa.

Và sẽ có đôi khi, chúng ta rời buổi gặp mặt hiếm hoi ấy, mang về cho riêng mình những suy nghĩ xa xăm và một nỗi buồn man mác không thể gọi tên.





Khi còn đi học, lộ trình của chúng ta tựa như những con đường quốc lộ đã được vạch sẵn một cách khá rõ ràng và giống nhau, chỉ việc đi thẳng. Cùng cắp sách đến trường, mục tiêu của chúng ta khi ấy chỉ vỏn vẹn xoay quanh từ "học". Vì thế, định nghĩa về thành công cũng khá đơn giản. Đứa nào học giỏi hơn, đứa đó thành công hơn.

Thế nhưng càng lớn lên, chúng ta càng cảm thấy tương lai phía trước như một màn sương hết sức mù mịt. Kết thúc con đường quốc lộ, chúng ta buộc phải rẽ. Nhưng ở đời là vậy, càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng cảm thấy băn khoăn về quyết định của mình.

Bạn bị rối không phải vì không có, mà vì có quá nhiều đường để đi. Đứng trước vô vàn ngả rẽ với sau lưng là quá nhiều kỳ vọng từ bản thân, gia đình lẫn xã hội, và nhan nhản trên mạng hằng ngày là những tấm gương tỷ phú thành đạt chia sẻ về con đường của mình, bạn cảm thấy chúng thật hào nhoáng, bạn bị áp lực phải chọn ra một đường để đi đến thành công. Thậm chí đó phải là con đường ngắn nhất.

Thế nhưng, cũng giống như câu nói quen thuộc của chú mèo Cheshire trong câu chuyện "Alice lạc vào xứ sở thần tiên" khi nghe Alice hỏi đường nhưng lại không biết mình muốn đến đâu:

"Đi đường nào thì cũng như nhau thôi", khi không biết định nghĩa "thành công" trong mình là gì, rồi ta sẽ chỉ như một chú cừu ngơ ngác đứng ở ngã ba đường, lòng muốn thành công nhưng lại mất phương hướng giữa quá nhiều ngã rẽ khác nhau.





Giữa những ngày tháng chông chênh tự mò mẫm đi tìm câu trả lời ấy, tôi vô tình đọc được vài câu chuyện đằng sau hai chữ "thành công"của những người nổi tiếng.

Picasso là một vị họa sĩ tài ba không ai không biết đến với khối lượng tác phẩm đồ sộ lên đến 26.075. Số lượng tác phẩm ấy làm ông nổi tiếng khắp 5 Châu và có được số tài sản khổng lồ lên đến 500 triệu đô la.

Thế nhưng, số lượng người tình đi qua đời Picasso cũng không thua kém các tác phẩm của ông. Hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Để làm "nàng thơ" bên cạnh Picasso, các cô gái ấy đã phải trả những cái giá không hề nhỏ. 2 trong số ấy đã mắc bệnh tâm thần và 2 người thì tự vẫn.

Phía sau hàng vạn các tác phẩm nổi tiếng, ít ai biết được đời sống tình cảm của Picasso cũng nhiều màu sắc không kém gì các bức tranh ấy khi chỉ toàn xoay quanh chuyện nhân tình và sự phản bội.

Benjamin Franklin, người đàn ông quyền lực trên tờ tiền 100 đô la Mỹ, là một trong những nhà lập quốc nổi tiếng của Hoa Kỳ. Ông là hình mẫu của sự thành công và tài năng xuất chúng trong lòng nhiều người dân Mỹ đến mức các sử gia đã đặt cho ông một cái tên rất kêu: "người Mỹ đầu tiên". Franklin vừa là một chính trị gia, một nhà khoa học, tác giả, thợ in, triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, và là nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ. Quá nhiều vai trò cho một cuộc đời.

Tuy nhiên, Franklin đã không thể dành sự quan tâm đầy đủ cho vợ của mình, và thậm chí không thể có mặt trong lễ tang của bà vì bận một chuyến công du nước ngoài. Franklin cũng có mối quan hệ khá căng thẳng với con trai đến mức con ông phải bỏ nhà đi vì bất đồng quan điểm. Ông thừa nhận mình đã không thành công trong vai trò của một người chồng và người cha.

Nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới Albert Einstein, người được cả nhân loại ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học của mình cũng có cuộc sống riêng không hề êm đẹp. Cuộc hôn nhân với người vợ 10 năm của mình, cùng những mối tình chống vánh với cô em họ và các nhân tình khác đã vẽ nên trong suy nghĩ chúng ta một Einstein hoàn toàn khác, một người trăng hoa và không tìm thấy sự bình yên trong tình cảm cá nhân.

Tuy nhiên, đối với Einstein, ông cho đó là thành công. Bởi vì định nghĩa thành công mà ông nhắm đến không phải có sự nghiệp vừa đủ và cuộc sống gia đình ấm êm, hay chỉ cần một gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười dù sự nghiệp có tồi tàn đến đâu. Mục tiêu mà ông nhắm đến cả đời chỉ là khoa học.

Nên mặc cho người đời có chê bai, cười cợt cuộc sống cá nhân thất bại của ông, hoặc chăng giới khoa học thì lại tung hô ông hết mực vì những thành tựu của mình, thì Einstein vẫn tự cho mình là thành công, bởi vì ông biết điều gì mới thật sự khiến mình thỏa mãn.





Câu chuyện cuộc đời của những người được cả thế giới tung hô làm tôi chợt khựng lại vài giây khi nghĩ về ý nghĩa của hai từ "thành công". Cuộc sống này như một khối rubik kỳ lạ với rất nhiều mặt màu khác nhau: tình yêu, công việc, bạn bè, gia đình, ước mơ... Chỉ cần xoay nhẹ, bạn đã thấy một mặt rubik khác hẳn hoàn toàn. Chưa hẳn những người bạn đang ngưỡng mộ và hằng ngày tung hô lại thật sự cảm thấy thành công phía sau tấm rèm hào nhoáng ấy. Thành công, là thứ thật sự sáo rỗng nếu được công nhận từ một người khác.





Một sáng nào đấy trên đường đến công ty, bạn nhìn thấy một doanh nhân bước xuống từ chiếc xe hơi bóng loáng, tay cầm Iphone X nghe nói liên hồi rồi tự tin sải bước vào tòa nhà Bitexco cao sừng sững. "Quaoo, thật thành công và đáng ngưỡng mộ" – bạn thầm nghĩ. Và khi nhìn thấy cô bạn cũ ngày nào nay làm giáo viên tiểu học với mức lương ba cọc ba đồng, bạn liền thoáng tự hào: "Ồ, mình thành công hơn."

Thế nhưng, có thể bạn không biết, chàng trai được mọi người gắn mác thành đạt ấy đang phải trải qua những tháng ngày chán ngán vì khối lượng công việc đồ sộ ngốn hết quỹ thời gian dành cho gia đình, việc phát triển bản thân và sở thích cá nhân. Anh đang tự hỏi chẳng lẽ mình sống chỉ để làm việc cho đến chết?

Còn cô bạn làm giáo viên tiểu học ấy đã từng là một nữ thư ký thành đạt ở một tập đoàn quốc tế, hôm nay đã chấp nhận từ bỏ công việc trong mơ của nhiều người chỉ để được hằng ngày tiếp xúc với trẻ con. Cô ấp ủ dự án một ngôi trường tiểu học chú trọng phát triển nhân cách con người. Mỗi ngày tan sở, cô đều cảm thấy mong đợi đến ngày hôm sau.

Chúng ta đang hằng ngày tung hô những gương mặt tỷ phú sở hữu những thương hiệu khổng lồ nhưng lại quên rằng ai cũng có thể thành công, dù là một tỷ phú hay một bác thợ tỉ mẫn sửa đồng hồ bên vệ đường.





Để đánh giá một bức tranh đẹp, bạn không chỉ nhìn vào mỗi bố cục chính. Bức tranh thành công của một người cũng vậy. Nó được vẽ nên từ rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu những thứ hào nhoáng bên ngoài là bố cục chính, thì sự hài lòng với cán cân công việc-cuộc sống, cơ hội phát triển được tiềm năng, môi trường làm việc làm người ta cảm thấy như cá gặp nước, lợi ích công việc đối với mục tiêu dài hạn. Và quan trọng nhất là sự thỏa mãn khi làm việc chính là cách đi màu, là nét vẽ, là cái hồn của một bức tranh.

Một trong những người truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, họa sĩ Bút Chì, là một ví dụ điển hình của những người làm việc với quan điểm "thành công không chỉ đo bằng tiền".

Là một họa sĩ vẽ truyện tranh và bìa sách nổi tiếng ở Việt Nam, anh được nhận học bổng Fullbright 2 năm cho khóa học Thạc sỹ tại Mỹ. Kết thúc khóa học, bỏ lại sau lưng môi trường làm việc chuyên nghiệp mà nhiều bạn trẻ mơ ước, Bút Chì trở về Việt Nam để tiếp tục theo đuổi đam mê và dự định về một lớp học sử dụng nghệ thuật làm phương tiện và lấy giáo dục làm trung tâm.

Trường học Toa Tàu ra đời từ một người cha có quan điểm thành công khác biệt như thế. Ở nơi ấy, "nơi người lớn được là trẻ con, và trẻ con được là chính mình", những con người với góc nhìn khác biệt đã tô màu cho cuộc sống nhàm chán, khuôn khổ này bằng cách làm tươi mới và đầy tính nhân văn của mình.

Những thước đo phi vật chất như vậy khi đánh giá một người có thành công trong công việc họ làm hay không đã bị lãng quên giữa một xã hội xem vật chất gần như tối thượng.





Đó là lí do chúng ta vẫn hay nghe nói rằng người có nhiều tiền chưa chắc đã hạnh phúc. Có lẽ phút giây nào đấy khi nghe câu nói ấy nhiều người đã từng tặc lưỡi, nghĩ: "Ôi dào, nhiều tiền thế thì không hạnh phúc kiểu gì?" Nhưng thật ra, chúng ta đang áp đặt chuẩn mực hạnh phúc của mình vào người đó.

Thước đo thành công cũng vậy. Những người sống trên một núi tiền vẫn chưa hài lòng với cuộc sống bởi vì định nghĩa một cuộc đời thành công của họ có thể là sự cân bằng giữa đời và việc, hay một gia đình giản dị bình yên, chứ không phải chỉ xoay quanh vật chất.





Thế giới quay càng nhanh, dòng người càng hối hả, chúng ta càng có nhiều lo lắng lẫn sự thỏa hiệp. Và chúng ta sợ sai lầm. Trên hết, chúng ta sợ phải nhận cái mác "thất bại" từ người khác. Tảng đá mang tên "áp lực thành công" đã và đang từng ngày đè nặng lên rất nhiều đôi vai trẻ, chỉ vì họ đang chạy đua theo quan niệm của người khác, chứ không phải định nghĩa riêng của mình.

Mỗi chúng ta sống trên đời này đều là những cá thể riêng biệt với mong ước khác nhau, có người chỉ cần bình yên, lại có người ham thích thử thách. Có người đi theo đam mê, trong khi người khác lại theo đuổi đồng tiền. Thế nên định nghĩa thành công chưa bao giờ và không bao giờ nên là một mẫu số chung.

Vậy nên, hãy là một người chạy khôn ngoan biết rõ đích đến của mình. Đừng để quan niệm về thành công của người khác ảnh hưởng đến định nghĩa riêng của bạn.


EmoticonEmoticon