Tôi 'đi lạc' vào đường BOT ở Mỹ và phải trả tiền thế nào?


Tôi phàn nàn lạm thu quá đáng thì cô thu ngân phán: "Ở Cali các vị đóng thuế nhiều nên miễn phí, ở đây thuế ít thì phải thu".



Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về sự khác biệt của trạm thu phí BOT ở nước ngoài.

Mười mấy năm trước, tôi và cô bạn thân đang phóng xe thoải mái trên đường xa lộ ở Úc thì bỗng nhiên chúng tôi rẽ nhầm vào một con đường khác. Đường này cũng rộng rãi nên chúng tôi tiếp tục lái xe đi, đi mãi thì tới vùng quê đầy những cừu, chúng tôi mới ghé lại cắm trại ăn trưa.


Một tuần sau thì chúng tôi nhận được một hoá đơn tiền đi xe lên đường phải trả tiền (toll road). Khoản tiền phải trả là 8 đô la. Khoản tiền này không có gì để nói bởi vì không nhiều, nhưng vì sao chúng tôi lại phải trả thì lại là chuyện khác. Hoá ra con đường vắng vẻ kia có cảm ứng ở lối vào. Nếu bạn có vé tháng thì không sao, còn không có vé thì họ dùng bảng số xe mà gửi hoá đơn về nhà.

Tôi sang Mỹ và cũng mấy lần gặp mấy con đường như vậy. Ở Cali (California) thì ít, ví dụ như quãng đường từ San Diego lên Los Angeles chỉ có một đoạn là toll road. Ở New Jersey thì nhiều hơn: trong khoảng một tuần lễ đi chơi ở đó tôi phải trả tiền lên toll road mỗi ngày 1-2 lần.

Cũng ở New Jersey, có lần trong khi đang trả tiền ở quầy thu ngân thì tôi lớn tiếng phàn nàn là tiểu bang lạm thu quá đáng. Cô thu ngân hỏi tôi ở đâu tới rồi phán rằng: "Ở Cali các vị đóng thuế nhiều nên đường miễn phí, còn ở đây thu thuế ít thì phải thu phí đi đường". Nghĩ lại cũng đúng, tiểu bang Cali thu thuế thu nhập rất cao, mà thuế mua bán (sale tax) cũng cao ngất ngưởng.



Khi tôi tìm đường đi đâu đó, tôi hay dùng ứng dụng Google Maps trên iPhone. Con đường mà họ vẽ ra sẽ có ghi chú là phải đi vào toll road, nếu có, và luôn có một lựa chọn không lên toll road.

Đại khái là trường hợp thứ nhất thì đường ngắn ít xe, còn đi đoạn không trả tiền thì "xác định". Quãng đường đi lên Los Angeles mà tôi nói trên, đoạn đi không trả tiền phải đi qua quận Cam, gần đây trên VnExpress có đăng tải đoạn video ghi cảnh kẹt đường khúc đó vào ngày lễ Tạ ơn, thật là khủng khiếp.

Nói chung các con đường phải trả tiền đều có một điểm chung là không muốn đi thì có đường khác để đi, cho dù con đường còn lại vừa xa vừa đông. Đó là sự hấp dẫn của toll road: bạn chỉ phải chi trả khi bạn muốn, và đã chi thì sẽ được hưởng tiện ích.

Còn một điều nữa: đó là đường toll road khi mở ra thì chắc chắn là nó không nằm đè lên khúc đường cũ. Nằm đè lên nhau để sống không phải là một kế hoạch khi xây dựng các con đường. Khi BOT được lập nên thì tiền đầu tư là của tư nhân, đường là do tư nhân xây, tiền thu được là do tư nhân bỏ túi. Nó là một kiểu đầu tư thuê mướn bất động sản.

Trong các quan hệ kinh tế dân sự thì chính phủ không can thiệp, và chắc chắn là không nên nhảy vào để cho thuê ké. Nói cách khác, nhà nước không dùng tiền tư nhân để làm việc công rồi bắt nhân dân cùng gánh vác. Sự nhập nhằng trong kinh tế giữa công và tư dễ gây nhầm lẫn cho người dân: họ chỉ biết rằng cái vốn là của công.

Đôi khi, nhà nước "quên" rằng người dân chỉ có thể thấy con đường mà họ đi từ trước tới giờ, chứ họ đâu có thấy những cái tu sửa phải làm trên con đường đó, họ lại càng không thể thấy rằng nhà đầu tư, chứ không phải là nhà nước, đã bỏ tiền ra để tu sửa.


EmoticonEmoticon