Là cha mẹ, ai cũng nên đọc 2 câu chuyện này để thấy việc dạy con cũng cần cả trái tim và lí trí


Xin hãy nhớ làm cha làm mẹ thì cũng cần phải học, thậm chí phải học rất nhiều. Cả đời yêu thương con cái, nhưng cũng cần học cách buông tay đúng lúc để chúng tự mình bước đi.







Gia đình là nơi mà mỗi chúng ta luôn nghĩ đến, nhất là khi có cảm giác cô đơn, lạc lõng. Chắc hẳn có không ít người khi còn nhỏ đã từng thần tượng chính cha mẹ mình, mong rằng khi lớn sẽ trở thành những người như cha mẹ, đó hẳn là một hình mẫu để vươn tới rất gần với cuộc sống của chúng ta mà không cần phải thần tượng xa xôi.

Vì thế, bất luận là điều gì thì cũng đem tiêu chuẩn của cha mẹ để đo lường tốt xấu, đúng sai. Nhưng rồi lại sẽ có một ngày chúng ta nhận ra rằng mọi chuyện đều có tiêu chuẩn riêng của nó, người lớn đi trước có nhiều kinh nghiệm nhưng kinh nghiệm của họ áp dụng vào thời điểm của chúng ta chưa chắc đã đúng, lời người lớn khẳng định chưa chắc đã chính xác. Chính bản thân chúng ta đã nhận ra những điều này thì khi lên chức làm cha làm mẹ thì cũng xin nhớ, hãy dạy con bằng cả trái tim và lí trí.

Câu chuyện thứ nhất: "Ai đã dám ăn cắp một quả trứng thì sẽ dám ăn cắp cả một con bò"

Một người phụ nữ rất lấy làm lạ khi sau mỗi lần con trai mình chơi đồ chơi với cậu bạn hàng xóm trạc tuổi thì lại có một thứ biến mất. Vì hai đứa bằng tuổi nhau, lại gần nhà nên cậu bạn kia thường sang nhà chị chơi cùng bạn. Chị thì lấy làm vui mừng vì có bạn chơi với con trai mình để trong thời gian ấy chị tranh thủ làm được việc nhà việc cửa, nhưng sau vài lần quan sát thì chị thấy cậu bé kia cầm luôn đồ chơi của con chị mang về. Cứ một thời gian dài như thế, chuyện không có gì cải thiện.

Có một lần, vô tình đi chợ về, chị gặp mẹ cậu bé, chị mới thủ thỉ: “Chị này, tôi muốn nói với chị một chuyện tế nhị, mong là chị sẽ không giận tôi và bảo ban cháu nhà chị tốt hơn. Con chị thường hay sang nhà tôi chơi rồi lấy luôn đồ chơi mang về”. Vốn cứ nghĩ gia đình kia biết điều này thì về nhà sẽ giáo huấn con mình một trận, ai ngờ câu trả lời của người mẹ ấy khiến chị sững sờ: “Chẳng qua chỉ là mấy thứ đồ chơi trẻ con thôi mà, chị cứ làm quá lên, để cho nó chơi vài bữa rồi nó mang sang trả, chị không phải lo chuyện vặt vãnh này như thế đâu!”

Nhưng trên thực tế thì cậu bé ấy cầm đồ chơi về nhà và không bao giờ mang trả lại. Tất nhiên, vài thứ đồ chơi trẻ con như thế, chị chẳng hẹp hòi nhưng còn cậu bé kia, mãi rồi quen, thói xấu ấy có thể sẽ ăn vào máu không bao giờ thay đổi được. Có một lần, chị còn nghe được mẹ cậu bé kia khoe với người khác là con chị ấy chẳng cần mua đồ chơi mà vẫn có đồ để chơi.

Thời gian cứ thế trôi đi, chuyện cũ chỉ là mấy chuyện lặt vặt, nhưng đâu có ai ngờ, thói tắt mắt đồ của người khác khiến cậu bé kia phải ôm hận cả đời. Khi cậu 19 tuổi, vì hoàn cảnh túng quẫn đã đi ăn trộm đồ rồi bị cảnh sát bắt được, tống vào tù, tương lai mù mịt.





Câu chuyện thứ hai: “Phải sinh con trai, hạnh phúc mới vẹn toàn”

Một cô gái mới về nhà chồng, khi yêu thì không áp lực lắm nhưng đến khi kết hôn, sống cùng nhà chồng, cô này mới tá hỏa vì gia đình anh chồng vẫn giữ quan niệm trọng nam khinh nữ. Họ quan niệm con trai mới là con nhà mình còn con gái là con nhà người ta, gả chồng kết hôn là làm dâu nhà người. Gia đình nhà chồng cô ấy thấy nhà ai sinh con gái đều động viên nhà phải có thằng con trai, mai sau mưa gió nó còn trèo lên giữ mái nhà cho, phải sinh con trai thì mới được điểm 10, sinh con gái đều là nhà không biết đẻ.

Chồng cô nghe nhiều cũng quen tai, thấy bố mẹ nói đúng nên cũng cho là không sinh được con trai thì rất mất mặt, có lỗi với tổ tiên, họ hàng. Đến khi cô gái là mẹ của hai bé gái xinh xắn, nhà chồng vẫn quyết liệt buộc cô phải sinh thêm con trai nhưng vì sức khỏe yếu nên cô không thể nghe theo được.

Chồng cô rất tức giận, một mực đòi li hôn mặc cho bạn bè có khuyên giải đến thế nào: “Tuy tình cảm vợ chồng tôi rất tốt nhưng nói gì đi nữa, không sinh được con trai, đó là điều tôi không thể chấp nhận được. Hơn nữa, gia đình tôi đã ba đời đơn truyền, tôi không thể để đến đời mình tuyệt hậu được, tôi không muốn vì tôi mà bố mẹ buồn khổ, xấu mặt với họ hàng”.

Sau khi li hôn, anh ta lấy thêm vợ mới và lại sinh thêm cô con gái. Chính vì thế, anh này và cô vợ mới luôn xảy ra xung khắc, không lúc nào là không cãi vã, tranh luận với nhau. Bố mẹ thì chán nản, buồn bã vì ngày nào, có mặt con trai con dâu ở nhà là cũng phải nghe lời qua tiếng lại, không nể mặt người lớn. Quan hệ vợ chồng đã không tốt, quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng nhạt nhòa…

Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời con cái





Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, cuối cùng và mãi mãi trong cuộc đời mỗi người con. Chỉ có cha mẹ mới đủ kiên nhẫn để theo sát từng bước đi của mỗi người con. Nhưng chính cha mẹ cũng là người thầy đầu tiên gây dựng cho con cái một nền tảng vững chắc để làm người, dù xấu hay tốt, đều có ảnh hưởng đến con cái sau này. Mỗi một đứa trẻ trong những năm đầu đời đều đem những lời dạy bảo của cha mẹ để áp dụng vào cuộc sống.

Với tình yêu thương con cái hết lòng, nhiều cha mẹ đôi khi bao bọc con cái quá mức khiến người con nhiều khi sợ hãi không dám làm gì, làm gì cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ điều này trái với điều bố mẹ căn dặn, nếu trót lỡ làm rồi lại suy nghĩ liệu làm như thế có khiến bố mẹ xấu hổ với hàng xóm không. Vì bị áp chế tinh thần như thế nên cả đời không thể có được những suy nghĩ, những lập trường độc lập. Con người vốn không ai hoàn hảo cả, nhưng chúng ta cần hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng ngược lại, có những thứ xấu sẽ ảnh hưởng đến con cái cả đời.

Điều đầu tiên mà mỗi người cần phải học khi lớn lên là phải biết suy nghĩ, tư duy độc lập





Khi bước vào xã hội, giao tiếp với mọi người sẽ thấy đủ kiểu nói chuyện, đủ kiểu suy nghĩ khác nhau. Vì thế, mỗi người cần phải dần dần điều chỉnh những tư duy không tốt mà bản thân lệch lạc từ khi còn nhỏ. Vẫn biết giáo dục của gia đình là nền tảng của mỗi con người nhưng ai cũng cần phải học thêm rất nhiều điều khi ra ngoài xã hội, vì “kiến thức” phải đi đôi với “thực hành”.

Mỗi chúng ta cần phải học cách bước ra khỏi cái lồng suy nghĩ được lập trình sẵn từ khi còn bé. Có như vậy, chúng ta mới trở thành những con người sáng suốt biết tư duy độc lập, mới có thể sống cuộc đời của chính mình chứ không phải cuộc đời của người khác. Bởi sống như thế mới cảm thấy hạnh phúc, thoải mái là chính mình.

Nếu như có ai đó bắt đầu làm cha làm mẹ, thì xin hãy nhớ làm cha làm mẹ thì cũng cần phải học, thậm chí phải học rất nhiều. Cả đời yêu thương con cái, nhưng cũng cần học cách buông tay đúng lúc để chúng tự mình bước đi. Làm cha mẹ, hãy hoàn thiện chính mình, dẫn dắt con trẻ có suy nghĩ độc lập, không rập khuôn trưởng thành trong lối tư duy của người khác. Có như thế mới là một người cha người mẹ sáng suốt.

Ninh Linh

Theo Trí Thức Trẻ


EmoticonEmoticon