Châu Á chiếm 50% tỷ lệ trẻ em béo phì trên toàn cầu


Sức khỏe luôn là một vấn đề lớn với các quốc gia phát triển khi đời sống nâng cao khiến họ có sinh hoạt mất cân bằng hơn so với trước. Khoảng 2 tỷ người trên thế giới hiện nay đang bị thừa cân hay béo phì. Tuy nhiên, những nước đang phát triển giờ đây cũng bắt đầu phải đối mặt với tình trạng này khi đời sống ngày càng được nâng cao.






Những nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Ngân hàng thế giới (World Bank) và Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy trẻ em Châu Á chiếm 50% tỷ lệ béo phì ở cùng độ tuổi trên toàn thế giới năm 2016, tỷ lệ này là 25% ở Châu Phi.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự lan tỏa của toàn cầu hóa cũng như phát triển của chuỗi công nghiệp sản xuất thực phẩm, các nước đang phát triển giờ đây phải đối mặt với nạn béo phì ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức dinh dưỡng quốc gia Ấn Độ (ININ), 1/4 số nam giới thành thị và gần 50% nữ giới bị bệnh thừa cân.



Việc đô thị hóa nhanh và chất lượng cuộc sống nâng cao khiến nhiều người dân vùng quê Châu Phi và Châu Á tiếp cận được thực phẩm dễ dàng hơn, dẫn đến lối ăn uống không điều độ. Từ những gian hàng thực phẩm ngoài chợ đến những cửa hàng ăn nhanh trên phố, người tiêu dùng các nước đang phát triển hiện nay được hưởng thụ nhiều lựa chọn ăn uống và không thể tự kiềm chế.

Thêm vào đó, sự bão hòa của các thị trường phát triển khiến các chuỗi đồ ăn nhanh tràn vào các nước mới nổi, thúc đẩy một làn sóng ẩm thực mới đầy chất béo, đẩy người tiêu dùng từ chế độ ăn truyền thống sang các đồ chiên xào và nước ngọt.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát tại Ấn Độ cho thấy chỉ có khoảng ¼ số lao động văn phòng có thể dục sau 8 tiếng làm việc. Hiện nay sự phát triển của công nghệ cũng như tính phức tạp trong quan hệ xã hội đang khiến con người ngày càng lười vận động. Những thú vui như xem phim, chơi điện tử, nhậu nhẹt hoặc đơn giản là dùng smartphone khiến con người trì trệ nhiều hơn.



Với tốc độ như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các nước đang phát triển có thể gặp khủng hoảng về y tế cộng đồng trước khi kịp giàu. Tồi tệ hơn, vấn đề sức khỏe sẽ đè nặng lên hệ thống y tế, tác động đến thị trường lao động cũng như tốn rất nhiều tiền từ ngân sách.

Hàng năm, các nước Đông Nam Á tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD chi phí cho các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường và tim mạch. Đặc biệt, tỷ lệ chi phí cho điều trị béo phì trong tổng ngân sách chi cho y tế cao nhất ở Malaysia với 10-19% trong khi thấp nhất lại thuộc về Việt Nam với 1-3%.

Trong khi đó một nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh béo phì sẽ khiến giới trẻ Trung Quốc ngày nay tốn tới 724 tỷ USD tiền điều trị từ nay đến năm 2030.

Một số chính phủ đã nhận ra được tác hại của việc dinh dưỡng không điều độ. Chính phủ Mỹ đánh thuế lên nước ngọt có ga trong khi các nước Thái Lan, Brunei và Singapore cũng có động thái tương tự. Nam Phi được cho là sẽ áp dụng thuế lên đồ ngọt vào năm 2018.


EmoticonEmoticon