Vì sao Ryan Giggs là "viên ngọc" quý nhất khiến Sir Alex không thể để vuột khỏi tay?


Gắn bó trọn sự nghiệp của mình với màu áo đỏ Manchester United, lòng trung thành và sự cần mẫn của Ryan Giggs chưa bao giờ bị nghi ngờ ở Old Trafford.



Premier League đã, và vẫn đang là giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. 25 năm tồn tại, giải đấu hàng đầu nước Anh đã đưa đến cho người hâm mộ bóng đá trên khắp hành tinh rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới.

"Biểu tượng Premier League" là tuyến bài gửi đến bạn đọc góc nhìn sâu hơn, góc cạnh hơn về những nhân vật được coi là đại diện cho giải đấu này, những nhân vật góp phần tạo nên một Premier League đầy sắc màu và kịch tính.

Tuyến bài sẽ được xuất bản định kỳ vào thứ Năm hàng tuần.

Bạn đọc có thể xem tất cả các bài của tuyến tại đây.







Ryan Giggs - Huyền thoại Manchester United





Đó là một ngày Hè tháng 8/1993, Jim Shelley ngồi tàu tới Manchester. Anh được giao nhiệm vụ phỏng vấn Ryan Giggs - điều mà chưa một nhà báo nào làm được trong suốt 3 năm ròng rã.

"Phỏng vấn Giggs? Lậy Chúa, cơ hội để cậu phỏng vấn Ryan có lẽ chỉ ngang bằng khả năng cậu nói chuyện được với con chó của tôi thôi", một người đàn ông sống gần đại bản doanh của Man United nói với Jim Shelley.





"Cậu hãy tới căn nhà đằng kia (tay chỉ) và chờ đến khi chủ nhà nói với cậu bằng tiếng Anh giọng Anh chuẩn may ra mới phỏng vấn được Ryan Giggs", người thứ hai dọa Jim Shelley. Ngôi nhà ông chỉ chính là căn hộ của Sir Alex Ferguson. Và ai cũng biết, Fergie nói tiếng Anh giọng Scotland cho đến khi ông giải nghệ.


"Tôi có nghe Giggs nói chuyện vài lần, nhưng chỉ bằng tiếng xứ Wales thôi". Jim Shelley thật sự tuyệt vọng khi lại có thêm một người nữa khẳng định sự bất khả thi của nhiệm vụ phỏng vấn Giggs.





Tại sao phỏng vấn một cầu thủ mới sang Anh 3 năm, 19 tuổi, lại khó đến mức này?

"Nguyên nhân là do Sir Alex muốn bảo vệ Giggs khỏi giới truyền thông. Đối với một tài năng như Ryan, càng ít tiếp xúc với báo chí thì khả năng phát triển của anh càng cao" - đích thân người mà Giggs gọi là bố dượng, ông Richard nói với Jim Shelley sau đó.


Dàn cầu thủ Man United vào thời điểm đó đầy rẫy những ngôi sao sáng giá như Eric Cantona, Roy Keane, Peter Schmeichel, Gary Pallister, Mark Hughes, Bryan Robson… nhưng Sir Alex bảo vệ Giggs như giữ gìn một kho báu. Lịch sử đã chứng tỏ Sir Alex có tầm nhìn vượt thời gian.





Giggs thật sự xứng đáng được canh gác, bảo mật như một món quà vô giá mà Chúa đã ban tặng. Jim MacGregor, HLV thể lực của Man United vào thời điểm đó vẫn luôn đùa rằng: Giggs được phép về nhà, nhưng cái chân trái của anh thì nên được cất giữ trong nhà băng.


Truyền thông Anh thừa nhận, Eric Cantona là người đã kéo Man United lên những nấc thang đầu tiên của bóng đá đỉnh cao. Còn Ryan Giggs thì giữ Quỷ đỏ ở lại trên đỉnh suốt nhiều năm sau đó.





Không chỉ hơn người ở đẳng cấp, Ryan Giggs còn vượt trội phần còn lại của thế giới bóng đá ở tư cách và sự nghiêm túc, chuẩn mực của một cầu thủ.

Jim Shelley tâm sự rằng, ông vẫn chưa quên từng có một lần, một đầu báo nổi tiếng ở Anh lần đầu tiên trong lịch sử, sử dụng một cái tít bài toàn bộ bằng tiếng nước ngoài đưa ra trang bìa. Cái tít đó là: "MILAN SU GIGGS IL NUOVO BEST" (AC Milan hỏi mua Giggs - cầu thủ được mệnh danh là George Best mới). Giá mà Milan định trả cho Giggs là 15 triệu bảng.


Trong ngần ấy năm gắn bó với Man United, Giggs được rất nhiều CLB lớn chào đón, nhưng không một cái giá nào có thể mua nổi lòng trung thành của anh dành cho Quỷ đỏ.

Trong ngần ấy năm đỉnh cao, cám dỗ cũng chưa từng buông tha Giggs. Có lẽ những độc giả trẻ biết về Giggs không thể tin rằng, vào những năm 1995, hình ảnh của Ryan Giggs mới là chuẩn mực "soái ca" trong mắt phụ nữ anh.





Người ta sử dụng ảnh Giggs làm trang bìa để thu hút phụ nữ. Bản thân Giggs cũng từng trải qua vài mối tình ngắn ngủi với những cô đào làm trong ngành giải trí như Dani Behr hay Davinia Taylor.


Thế nhưng chàng trai đến từ xứ Wales này vẫn giữ được cái tâm luôn hướng về sân cỏ một cách thuần khiết. Không ít lần cánh truyền thông bắt gặp Giggs đi nghỉ Hè với… mẹ, cha dượng và cậu bạn từ thủa thơ ấu tên Stuart.

Trong một bài phát biểu năm 2008, Giggs từng tâm sự thế này: "Tôi ngồi trong phòng thay đồ. Lậy Chúa, họ (các đồng đội của anh) vứt áo và giầy khắp nơi.

Rồi đột nhiên Peter Schmeichel bước vào hỏi: Nhóc, chúng tôi đang đi kiếm vài thứ để uống, cậu có muốn tham gia không? Tôi chỉ tay vào đống quần áo bị vứt bừa bộn và trả lời: Sau khi dọn xong đống hổ lốn này đã. Sau này, tôi trở thành vú em của đội. Ai không tìm thấy cái gì đều hỏi tôi xem nó đang nằm ở đâu".





Có lẽ cần một thái độ chuyên nghiệp, tinh thần cháy hết mình vì bóng đá, Giggs mới có thể bền bỉ đến thế. Theo thống kê của Daily Mail, toàn bộ sự nghiệp của Ryan Giggs kéo dài tới 8.466 ngày, nhiều nhất trong lịch sử bóng đá. Cầu thủ có số ngày thi đấu nhiều thứ nhì còn kém Giggs tới… 3 năm (nhân vật ấy chính là Paul Scholes).

Như chúng ta đều biết thì huyền thoại George Best rời Man United năm 1974 và giải nghệ năm 1984. Tận 6 năm sau khi Best giải nghệ, Giggs mới gia nhập Man United và chơi những trận đầu tiên. Tuy nhiên, nếu Best cũng thi đấu 8.466 ngày bằng với Giggs, ông thậm chí có thể trở thành đồng đội của Giggs dưới thời Sir Alex.





Con số vô cùng đặc biệt này chứng minh mức độ bền bỉ của Giggs và sự bền bỉ ấy không một thế lực siêu nhiên nào có thể ban cho anh. Nó có được nhờ Giggs luôn giữ thái độ chuyên nghiệp từ cuộc sống cho tới sân cỏ.


Sắp tới, chúng ta có thể chứng kiến Ryan Giggs trở lại với Premier League, trên tư cách một HLV và có thể đối đầu với Man United. Và hãy tin rằng bằng sự chuyên nghiệp của mình, Giggs cũng sẽ trở thành một HLV tài năng.


EmoticonEmoticon