Cứ làm 6 thói quen này bảo sao miệng bạn cứ hôi mãi không thôi


Hôi miệng, hơi thở có mùi khó chịu không chỉ do vệ sinh răng miệng sai cách mà còn từ những thói quen này nữa đấy!





Vệ sinh răng miệng rất quan trọng, nhưng đánh răng 2 lần/ngày và nhai kẹo cao su có thể chưa đủ. Bởi ngay cả sau khi làm những thói quen hàng ngày đó, hơi thở của bạn vẫn có thể có mùi hôi.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đôi khi hơi thở có mùi lại đến từ thói quen hàng ngày của bạn.

1. Uống ít nước

Bạn có thể thắc mắc vì sao uống ít nước lại khiến hơi thở có mùi. Nhưng bạn có hay, đây là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hôi miệng.



Khi lượng nước bên trong chúng ta ở dưới mức cần thiết, khoang miệng sẽ hạn chế tiết nước bọt. Trong khi đó, nước bọt đóng vai trò tiêu diệt những vi khuẩn gây mùi và bảo vệ khoang miệng.

Nước bọt ít đồng nghĩa với việc các tế bào tại đây sẽ chết đi và bốc mùi. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên uống đủ từ 6 - 8 cốc nước/ngày để đảm bảo đủ lượng nước trong cơ thể.

2. Đam mê cà phê

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống cà phê có thể tăng năng lượng và giúp bạn thông minh hơn. Bởi trong cà phê có chứa caffein - một loại chất truyền dẫn kích thích ức chế thần kinh trong não, giúp hưng phấn não bộ, cải thiện tâm trạng, bộ nhớ.



Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng cà phê bởi chúng có thể làm chậm quá trình sản xuất nước bọt và làm miệng nhanh khô hơn.

Thay vì uống cà phê, bạn có thể chọn trà xanh. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Israel vào năm 2012 đã chứng minh, các chất chống oxy hóa trong trà xanh có khả năng làm thay đổi một số hợp chất lưu huỳnh giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.

3. Quên thay bàn chải đánh răng 3 tháng/lần

Sử dụng mỗi ngày nhưng liệu mấy ai để ý rằng chiếc bàn chải đánh răng của mình đang cũ. Nha sĩ khuyên rằng bạn nên thay bàn chải 3 tháng/lần để không mắc các vấn đề về răng miệng, đặc biệt là hơi thở có mùi.



Nghiên cứu của Bioteca (Hàn Quốc) chỉ ra, sau 3 tháng bàn chải đánh răng trở thành ổ chứa của 4 triệu vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn E-coli trong phân người.

Mỗi lần giật xả bồn cầu, những phân tử nước li ti không nhìn thấy sẽ bắn ra ngoài, mang theo vi khuẩn cơ thể vừa thải ra, bám vào lông bàn chải ở gần đó. Vì vậy, thay đổi thường xuyên bàn chải đánh răng 3 tháng/lần là cần thiết.

4. Không vệ sinh lưỡi

Khi đánh răng, bạn đừng quên vệ sinh lưỡi của mình. Vì sao ư? Tại theo bác sĩ John D. Kling tại Virginia (Mỹ) thì vi khuẩn tích lũy nhiều ở các khu vực của lưỡi giữa vị giác và cấu trúc lưỡi.



Việc làm sạch vi khuẩn vùng này không đơn giản bằng cách uống nước hoặc sử dụng nước súc miệng. Do đó, bạn hãy dùng bàn chải đánh răng để chà lưỡi bằng cách chải qua lại từ bên này sang bên kia, sau đó súc miệng bằng nước. Việc làm nhỏ này sẽ giảm nguy cơ bị hôi miệng lên tới 70% đấy.

5. Sỏi Amidan

Sỏi amidan là những khối nhỏ màu trắng vàng xuất hiện xung quanh 2 túi amidan trong vòm họng. Thông thường sỏi amidan khá vô hại nhưng đây lại là thức ăn quá xuất sắc dành cho vi khuẩn.



Chúng sẽ sinh sôi tại đây, và đến khi đạt đủ số lượng, amidan của bạn sẽ bị sưng tấy nghiêm trọng. Và trong quá trình vi khuẩn liên hoan, chúng sẽ thải ra các khí sulfur có mùi thối, khiến hơi thở của bạn cũng có mùi hương khó chịu.

6. Thở bằng miệng

Mỗi khi bị ngạt mũi, không ít người thở bằng miệng, tuy nhiên, một số người lại có thói quen lúc nào cũng thở bằng miệng.



Khi miệng của bạn mở trong thời gian dài, nó sẽ bị khô và khô miệng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng. Chính vì thế, nếu vẫn thở bằng miệng, bạn hãy tập thở bằng mũi nhé!



THEO HỒNG ANH, G.P


EmoticonEmoticon