Chủ tịch Tp.HCM: Được tự quyết mức tăng thu nhập thì tốt quá
Quốc hội trao cho Tp.HCM các cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18%...
Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Được mời tham dự phiên thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển Tp.HCM sáng 20/11, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã cung cấp thêm một số thông tin đáng chú ý về nội dung trên với báo chí, bên hành lang Quốc hội.
Ông Phong nói:
- Quốc hội trao cho thành phố các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18% nghĩa là không động đến cân đối vĩ mô của ngân sách Trung ương. Còn thành phố thì có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển.
Tp.HCM vừa qua vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Vì vậy, thành phố muốn đề xuất cơ chế chính sách để tạo xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng.
Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 9,6%/năm nhưng từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ còn 8,05%/năm.
Năm nay, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 8,4 % nhưng không thể đạt được. Vừa qua, sơ bộ tính toán, mức tăng cao nhất cũng chỉ 8,25%.
Năm 2017, Trung ương giao thành phố chỉ tiêu thu ngân sách 347.000 tỷ đồng. Thành phố đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này nhưng gặp nhiều khó khăn. Những tháng còn lại, thành phố sẽ cố gắng thêm các giải pháp để có thể đạt chỉ tiêu đặt ra, nhưng nói chung là khó khăn.
Muốn triển khai các dự án thì phải có vốn mồi
Tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương tăng thêm 5% từ năm ngoái có gây khó khăn cho thành phố, có phải là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng của Tp.HCM chậm lại?
Tất nhiên là có khó khăn. Trước đây tỷ lệ ngân sách Trung ương để lại cho thành phố là 23%, nay chỉ còn 18%. Trong khi đó, phần chi cho đầu tư phát triển cao nhất cũng chỉ được 35%, còn lại thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư.
Thành phố đã tìm mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai để có nguồn đầu tư cho hạ tầng, nếu hành lang pháp lý được tạo thuận lợi sẽ thêm cơ sở vững chắc để tạo động lực phát triển. Thành phố sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư để phát triển.
Còn giảm tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố và việc giảm tốc độ tăng trưởng chỉ là một phần, còn những tác động khác nữa. Tôi đã báo cáo việc huy động các nguồn vốn khác nhưng ví dụ, muốn triển khai các dự án thì phải có vốn mồi. Theo tính toán, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội.
Vậy nên, việc có cơ chế đặc thù cho thành phố để tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả tạo ra lớn hơn. Lúc đó, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn - PV) của thành phố tăng lên thì phần tuyệt đối của tỷ lệ 18% ngân sách để lại cũng sẽ lớn hơn. Và quan trọng là thành phố có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách.
Thành phố đã tính đến bài toán cơ chế đặc thù nếu được chấp nhận sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia chưa, thưa ông?
Giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18% nghĩa là không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra.
Khi trình cơ chế, Tp.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, cơ chế đầu tư, ủy quyền và thu nhập. Đó là những vấn đề nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ tạo đột phá cho thành phố.
Tăng lương mới giải quyết được vấn đề
Đề xuất việc tự quyết mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức,của thành phố sau lần điều chỉnh mới nhất từ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ đã có một mức trần được đưa ra là tăng không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ, ông thấy mức này thế nào?
Sau khi cơ chế được thông qua, Tp.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể. Việc tăng thu nhập này được tính đến cả đối tượng viên chức. Một mặt chúng ta thực hiện nghị quyết của Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhưng việc này cần có lộ trình.
Cơ chế cho phép hội đồng nhân dân thành phố được quyết định mức tăng lương đó nhưng mức tối đa là bao nhiêu với từng khu vực phải có một đề án cụ thể. Phải nhắc lại là, tăng lương mới giải quyết được vấn đề.
Việc khống chế mức tăng như vậy có còn nhiều ý nghĩa với Tp.HCM không, nhất là nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần đảm bảo việc tăng lương này không làm ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương, còn lại thì để thành phố tự quyết?
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng để thành phố tự quyết như vậy thì tạo ra chênh lệch quá lớn với các địa phương khác, nên mới đề nghị quy định mức trần là không quá 1,8 lần. Chứ còn nếu có được cơ chế như vậy thì tốt quá.
Nhiều ý kiến cũng lo ngại, tăng lương khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tại Tp.HCM tiếp tục được đẩy lên, gây áp lực lên mặt bằng chung cả nước?
Vấn đề này cũng thuộc trách nhiệm của thành phố. Thành phố phải quản để giá tiêu dùng không tăng quá mức chứ nếu tăng lương, tăng thu nhập mà giá cả cũng tăng lên thì mức lương thực tế đâu có ý nghĩa gì.
Vậy nên vấn đề còn lại là phải kiềm chế làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm không bị đẩy theo lên để ảnh hưởng đến đời sống người dân.
EmoticonEmoticon