Cô gái rất mạnh mẽ chiến thắng ung thư nhờ những bữa cơm vụng về của cha

Tuổi trăng tròn đau đớn
Những dòng tâm sự về chuyện gần 10 năm chống chọi căn bệnh ung thư của hai cha con mới được chia sẻ trên mạng xã hội cách đây vài ngày khiến nhiều người xúc động. Đó là lời tâm sự của Dương Thị Chiến (biệt danh "Chiến Trút", sinh năm 1992, quê ở xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Câu chuyện đã qua, giờ Chiến đã trở lại khỏe mạnh nhưng điều đọng lại khiến cô muốn được chia sẻ chính là nghị lực và tình yêu của cha đã giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi trước cái chết.
Chiến là con gái duy nhất trong gia đình 3 người con. Sinh ra ở vùng quê nghèo, nhà làm nông nên cuộc sống chẳng có gì khá giả. Năm 2007, đột nhiên thấy mình bị chướng bụng nên Chiến rủ bạn tự đến bệnh viện huyện khám, bác sĩ thấy bất thường nên chuyển cô lên bệnh viện tỉnh. Cô nhớ lại:
"Cha chở mình ra tỉnh khám thì bác sĩ phát hiện mình bị bệnh ung thư máu mãn tính, nhưng họ chỉ nói bệnh của mình nặng và phải đưa đi Hà Nội gấp. Mình được chuyển ra Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (hồi đó đang nằm ở khu Bệnh viện Bạch Mai), cô viết.


"Chiến Trút" giờ đã khỏi bệnh, trở thành cô gái 25 tuổi khá xinh xắn.

Năm đó, Chiến 15 tuổi, còn bố cô là ông Dương Hoàn Vị, 50 tuổi. Người đàn ông lam lũ một mình đưa con gái ra Hà Nội và trong lòng luôn gắng giấu nỗi đau trước mặt con gái:
Cô chia sẻ: "Cha đưa mình ra nhưng vẫn không nói cho mình biết, cho đến một hôm mình nghe lén được cha gọi về nhà bảo nhà chuẩn bị tiền chứ bệnh của con gái không chữa được mà chỉ kéo dài thời gian thôi". Nghe thấy vậy, bầu trời trước mắt Chiến như sụp đổ, mọi thứ tươi đẹp trong cuộc sống hồn nhiên của cô học trò chẳng khác gì như khói mây tan tành trước gió.
"Cha khổ nhiều quá"
Những năm đầu, dù biết bệnh của con không có hy vọng chữa khỏi nhưng ông Vị luôn động viên, cần mẫn chăm sóc con qua từng ngày trị liệu để duy trì mạng sống. Từng ánh mắt, nụ cười và việc làm của người cha yêu con vô bờ đã giúp Chiến có được sức mạnh.
"Hồi đó ở Bệnh viện có một khu vực sân được tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân nấu ăn. Vốn dĩ cha mình chưa bao giờ nấu ăn, thậm chí là rất vụng nhưng khi thấy mình không ăn được cơm căng tin thì ông đã đi mua xong, nồi rồi thuê để nấu cho mình. Cha không biết nấu nên bữa mặn, bữa nhạt, chẳng nuốt nổi ấy chứ. Còn nhớ hồi mình còn nhỏ thì mẹ đi vào Nam chơi, cha ở nhà nhà nấu canh mà bỏ đường vào…
Lúc đó có một chú cũng đi chăm vợ, chú ấy lại nấu ăn rất ngon nên cha thường rủ đi chợ để về dạy cha nấu ăn, dù học không thành nhưng khi nào cha cũng hỏi "ăn được không con?", con gái mà gật đầu thì cha vui lắm!
Mình nhớ có món canh xương nấu củ cải, lần đầu được ăn thì mình khen ngon, thế là cả tuần cha đều nấu món đó, khó ăn lắm nhưng trong lòng thấy vui và càng thương cha hơn, vì thế mình phải mạnh mẽ, phải kiên cường cùng cha chữa bệnh".
Những đợt khám, trị liệu liên tục trong nhiều năm khiến kinh tế gia đình Chiến kiệt quệ khiến cô muốn buông bỏ. Nhưng trong lúc đang khốn khó thì năm 2014, cô được dự hội thảo về ghép tế bào gốc và niềm hy vọng của cả gia đình được nhen nhóm từ đó.

Hình ảnh hiếm hoi của cô khi còn trong bệnh viện chữa trị, phẫu thuật.

"Riêng chi phí ghép tủy khi đó là 200 triệu đồng, chưa kể phí điều trị, xét nghiệm sau ghép. Cả nhà đôn đáo vay mượn, người dân ở quê mình tốt lắm, có ông bà già trên 80 tuổi rồi vẫn cầm 1 triệu đến để mong giúp được cho mình, đã có lần cha ngồi khóc vì cảm động khi thấy bà con đưa tiền đến cho mượn. Nhìn vào ánh mắt buồn sâu thẳm của cha, mình càng thương ông và khao khát được cứu sống", Chiến Trút tâm sự.
Tuy nhiên, việc điều trị ghép tủy không hề đơn giản, thậm chí còn nhờ vào duyên số và sự may mắn. Với Chiến, gia đình đã vay mượn khoản tiền rất lớn để phẫu thuật nhưng kết quả không được như ý nguyện từng khiến cô muốn từ bỏ. Nỗi dằn vặt, thất vọng và chán nản trong cô gái đôi mươi ngày càng nặng dần khi từng ngày phải nhìn người cha già nuốt từng miếng cơm chống đói vì mình:
"Mọi chi tiêu đều phải cố gắng tiết kiệm nhất. Được 17 ngày thì mình ra khỏi phòng ghép, chuyển phòng cách ly khác thì mẹ về, còn lại hai cha con, cha đi chợ mua bánh mì về cất trong tủ lạnh…
Hai cha con một bát phở, mình ăn không hết thì cha ăn, ăn từng đó cha không no nên phải ăn thêm bánh mì, hai cha con chung một suất cơm và bảo nhà bếp cho thêm 5.000 đồng cơm nữa. Những thứ ngon bổ thì mình ăn mất rồi, còn lại muối vừng, rau và nước canh thì cha ăn…cứ thế qua từng ngày, từng ngày. Nhìn cha ăn cơm mà không cầm được nước mắt, vì mình mà cha phải khổ nhiều quá!
Mình đã hỏi cha: Nếu ca ghép không thành công thì cha có tiếc tiền không cha? Cha nói: Không bao giờ tiếc, vẫn còn hi vọng chữa bệnh cho con thì dù có bán hết tài sản thì cha vẫn bán. Con yên tâm đi, rồi sẽ ổn cả thôi! Mình đã khóc, đó là lần đầu tiên mình khóc trước mặt cha. Cha xoa đầu, mình phải chạy lên giường nằm khóc chứ không dám nhìn ông! Sau đó, tháng 7/2014, mình làm thêm một lần nữa và kết quả thật bất ngờ, mừng đến phát khóc!".
 
Cuộc tình nguyện hiếm hoi của Chiến sau khi khỏe lại. Cha mẹ thương xót, lo lắng nên Chiến mới
chỉ dám xin phép đi một lần.

Mọi người xung quanh đều nói cô may mắn khi có một người cha như vậy, nếu sinh ra trong một gia đình khác thì có thể cô đã không được như thế. Chiến kể rằng vào quãng thời gian ghép tủy, cô đã nôn rất nhiều, mà toàn nôn ra máu. Mỗi khi nhìn thau máu của cô thì cha mẹ lại khóc. Ngày đó, mẹ thường gọi cô là "ớt cay mọi" vì Chiến tuy nhỏ người nhưng rất kiên cường: "Biết ăn vào sẽ nôn ra ngay lập tức nhưng mình vẫn bịt mắt, bịt mũi rồi nhờ mẹ đút cháo để nuốt...".
Giờ đây, Chiến đã trở lại cuộc sống bình thường. Cha mẹ mở cho cô một tiệm phô-tô, in ấn nhỏ. Mỗi sáng thức dậy, nghe tiếng học sinh nháo nhác gọi "chị Chiến bán cho em cái này, cái kia" thì cô cảm thấy vui lắm, vì thấy mình vẫn còn sống và có ích.
Sự trở lại với cuộc sống này đối với cô có lẽ vẫn như một phép màu. Gần Tết vừa qua, sau khi khỏe lại, cô đã nài nỉ cha mẹ xin tham gia đầu quân cho một nhóm tình nguyện đến với một bản nghèo tại Hà Tĩnh. Hậu phẫu thuật, mái tóc của Chiến rụng đi nhiều, tuy đã mọc lại nhưng vẫn còn thưa thớt khiến cô có phần tự ti. 25 tuổi, cô mang nhiều nỗi lo, khi hỏi về tình yêu thì cô cười khẽ rằng chưa có ai cả, "bệnh tật nhiều thế này thì ai yêu"…


EmoticonEmoticon