Kịch 'I am đàn bà' - nỗi đau phụ nữ miền Tây xa xứ mưu sinh

Tác phẩm sân khấu chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên lấy bối cảnh vùng sông nước với những cảnh "nóng" được tiết chế.

Vở kịch I am đàn bà - phỏng theo truyện ngắn của nhà văn Y Ban - vừa được công diễn tại sân khấu Hồng Hạc. Tác phẩm đánh dấu lần đầu kết hợp của biên kịch Việt Linh và đạo diễn - diễn viên Hạnh Thúy.

Kịch "I am đàn bà" lấy bối cảnh quê nghèo miền Tây. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Năm 2006, truyện ngắn I am đàn bà ra mắt công chúng. Ngôn từ trần trụi với những chi tiết miêu tả cặn kẽ về sex khiến tác phẩm gây xôn xao dư luận bấy giờ. Nhà văn kể chị lấy cảm hứng viết truyện từ một mẩu tin trên báo: một phụ nữ Việt xuất ngoại lao động và bị kiện ra tòa vì quấy rối tình dục ông chủ - người đàn ông bị liệt do chị chăm sóc. 10 năm sau, vụ việc nhức nhối này được tái hiện với dàn diễn viên: Lê Chi Na, Thanh Tuấn, Ngọc Tưởng, Tố Như, Minh Thảo...

Trong truyện gốc, nhà văn Y Ban không miêu tả cụ thể về bối cảnh. Khi chuyển thể, Việt Linh xin phép tác giả đưa không gian truyện về một vùng quê sông nước miền Tây. Nơi đó, chị Sa sống lay lắt cùng chồng con trên chiếc ghe dột nát. Nhân có đoàn về xã tuyển lao động đi nước ngoài, chị dứt áo ra đi để có tiền trả nợ, mua đất với mong muốn gia đình chấm dứt cảnh lênh đênh. Sang nước ngoài, chị làm giúp việc cho một gia đình giàu có, ông chủ bị liệt, bà chủ đi làm sớm khuya. Hai năm ròng chị kề cận, săn sóc một người đàn ông xa lạ, lúc sắp mãn hạn hợp đồng thì sự việc xảy ra. Một chiếc camera đã ghi lại hành động của chị, khiến người đàn bà miệt vườn bỗng vướng vòng lao lý...

Chất miền Tây hiện lên trong vở kịch rất đời, rất thực. Những người miền sông nước dễ cay mắt trước cảnh chị Sa chăm chút cho từng khóm rau mùa nước ngập mặn, cảnh người mẹ vừa la vừa kỳ cọ cho đứa con nghịch ngợm dính đầy đất phèn... Họ cũng dễ đồng cảm trước cách chị Sa gục đầu lên lưng chồng khóc nấc khi quyết định đi xuất khẩu lao động, hay cách người phụ nữ đau đáu làm sao để có tiền mua đất - chứ chưa phải là nhà - để an cư lạc nghiệp. Đó còn là nỗi lòng người mẹ khi hồ hởi nhận lương, cóp nhặt từng đồng trong chiếc hộp nhỏ, đếm từng ngày được về nhà tặng con manh áo mới.

Thực trạng lấy chồng nước ngoài ở miền Tây cũng được đạo diễn và biên kịch phản ánh. Những cô gái ôm mộng đổi đời, hay chí ít là phụ giúp kinh tế cho gia đình, gạt nước mắt nhận lời làm vợ những người họ chỉ thấy qua ảnh - người mà "may mắn thì chân tay còn lành lặn". Nỗi buồn "lấy chồng như chơi xổ số" - như cách ví von của một nhân vật trong vở kịch - được thể hiện nhẹ nhàng nhưng vẫn thấm thía, xót xa. Họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi nơi xứ người, chia nhau từng hột vịt lộn - món quà quê mình đang nhớ quay quắt. Nỗi lòng của những người con xa xứ mưu sinh cứ thế phảng phất trong từng phân cảnh.

Diễn viên Lê Chi Na (trái) vào vai chị Sa, người giúp việc cho một gia đình ngoại quốc, vợ sớm tối đi làm (giữa, Minh Thảo đóng), người chồng bại liệt nằm một chỗ (Ngọc Tưởng đóng). Ảnh: Lữ Đắc Long.

Việt Linh gọi Hồng Hạc - sân khấu của chị - là thế giới của những người đàn bà. Trong vở mới, nỗi đau rất thật của nhân vật chính một lần nữa dễ khiến khán giả nữ cảm thấu. Sớm tối làm lụng, quanh quẩn trong xó nhà, ba tháng một lần, chỉ khi gia chủ đi làm, nhân vật nữ mới điện thoại về để nghe giọng chồng. Gọi nhưng cũng không dám bộc lộ cảm xúc, người này đùn đẩy người kia nói câu yêu thương, rồi khi tắt máy mới thở dài thườn thượt. Đó còn là nỗi đau về bản năng của một người đàn bà xa chồng. Gần hai năm tiếp xúc thân thể một người đàn ông khác biệt về ngôn ngữ, chị bị bức bách bởi những nhu cầu dồn nén bấy lâu. Câu thoại cuối cùng khi chị Sa - một người chẳng rành rọt tiếng Anh - thốt lên trước bà chủ: "I am... đàn bà", gói gọn tất cả nỗi đau chất chứa trong chị. Từ "đàn bà" vì thế mà vang lên nghẹn ngào, lẩy bẩy như chính mộng ước đổi đời của chị đang dần nhòe tan. 

Diễn viên chính Lê Chi Na là một người con miền Trung, song khi đọc kịch bản, chị khăng khăng với đạo diễn Hạnh Thúy mình phải diễn vai này. Xuất hiện đầy đủ trong 11 phân cảnh, nữ diễn viên thể hiện tròn vai Sa, từ sự tảo tần vì chồng con đến lúc dằn vặt bản thân trong cảnh tù tội. Thanh Tuấn cũng ghi dấu ấn với vai người chồng cục mịch, chất phác, đặc biệt trong phân cảnh la lớn qua điện thoại khi vợ gặp chuyện nơi xa xứ hay khi anh khóc nhưng không muốn vợ con thấy nên đành lật áo trùm mặt, ngửa cổ lên trời, khuôn mặt run bần bật kìm lại tiếng nấc. Cảnh sex trong kịch được tiết chế bằng hiệu ứng ánh sáng với hai phân đoạn, vừa vặn để thể hiện cảm xúc nhân vật. Diện tích khá nhỏ của sân khấu Hồng Hạc (150 chỗ ngồi) được bố trí tinh tế về mỹ thuật, giúp không gian cô đọng, đủ cho khán giả lắng nghe nhân vật tâm sự.

Nhà văn Dạ Ngân chia sẻ sau vở kịch, chị không khóc như xem Thiên thần nhỏ của tôi - một vở kịch khác của Hồng Hạc - nhưng thấy "quặn thắt trong lồng ngực". Chị thích chi tiết người chồng cởi áo trùm lên đầu và khóc vì cho thấy nỗi đau tột cùng của nhân vật. Một khán giả khác, 60 tuổi, đánh giá vở kịch thậm chí còn cảm xúc hơn truyện gốc, đặc biệt là cách biên kịch đưa tiêu đề trở thành câu chốt cho tác phẩm.

Mối quan hệ giữa ông chủ và cô giúp việc có nhiều phân cảnh khắc họa rõ nét. Ảnh: Lữ Đắc Long.

Việt Linh cho biết khi nghe chị quyết định chuyển thể truyện ngắn này, nhiều người đề nghị chị sửa lại tựa cho thuần Việt hơn. Song nữ đạo diễn - biên kịch vẫn quyết định giữ lại. Theo chị, tên kịch "nửa Tây nửa Ta" này phản ánh được sự nhập nhằng về ngôn ngữ, cảm xúc và cả đạo đức.

Kịch I am đàn bà bắt đầu diễn từ ngày 6/1 tại sân khấu Hồng Hạc, TP HCM.


EmoticonEmoticon