Đỗ Mạnh Cường chi tiền tỷ bố trí ánh sáng sàn catwalk thế nào

Với diện tích 500 m2, đóng từ 60 tấn gỗ, sàn catwalk trong đêm diễn Thu Đông tại TP HCM tối 9/12 trở thành sàn diễn lớn nhất của nhà thiết kế trong chín năm làm nghề.

Sau hơn 6 tháng chuẩn bị, Đỗ Mạnh Cường ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2016 mang tên The Little Black Dress (Huyền thoại những chiếc đầm đen). Màu đen và phong cách Avant-garde là điểm nhấn xuyên suốt show diễn, từ ý tưởng dàn dựng sân khấu tới các thiết kế lần này. Avant-garde là phong cách làm đảo lộn mọi giá trị thường thức, không chịu sự ràng buộc của bất kỳ quy tắc nào, gây sốc bằng vẻ ngông cuồng, dị biệt và quái lạ. Bởi thế, Avant-garde được xem là lăng kính của nghệ thuật thời trang Haute Couture.

Sân khấu của "The little Black Dress". Ảnh: Kiếng Cận.

Như mọi show khác, việc dàn dựng sân khấu luôn gây tò mò cho khán giả. Để giữ bí mật show diễn đến phút chót, êkíp treo một tấm màn đen dài đến 2.000 m để bao phủ không gian. Khi tấm màn kéo lên, hàng loạt quả cầu với kích thước lớn tạo nên một không gian choáng ngợp, như dẫn dắt người xem đến với miền đất lạ, thánh địa của thời trang và nghệ thuật. Đỗ Mạnh Cường cho biết những quả cầu này tượng trưng cho những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo ở thành phố trong tương lai. Nơi đó, con người sẽ ăn vận tự do trong trang phục phá vỡ mọi quy tắc. Điều này thể hiện rõ nhất là phần cuối của bộ sưu tập. 

Sân khấu được dàn dựng vỏn vẹn trong hơn hai ngày. Những quả cầu đặt trên sân khấu được làm bằng sắt, uốn tròn với nhiều kích thước khác nhau, cắt ghép nhiều lần, sơn đen. Những khối tròn và các thanh sắt uốn lượn này hoàn toàn ăn nhập với cấu trúc của trang phục ở phần chốt màn trong đêm diễn. Trong khi đó, toàn bộ sàn catwalk lần này được đóng bằng 60 tấn gỗ, sơn đen, có diện tích đến 500 m2. Đỗ Mạnh Cường cho biết đây là sàn diễn lớn nhất của anh trong chín năm làm nghề.

Hậu trường dàn dựng sân khấu của Đỗ Mạnh Cường
Nếu ở mùa Xuân Hè 2016, việc dàn dựng 40 tấn rơm trên sân khấu là bài toán khó của Đỗ Mạnh Cường, lần này, sắp đặt ánh sáng là câu hỏi hóc búa nhất, vì trần thấp khiến việc đánh đèn rất khó. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam và đội ngũ của ba công ty về ánh sáng lớn nhất Sài Gòn đã tìm ra cách đánh sáng phù hợp, sao cho các thiết kế hiện lên rõ nét nhất trong không gian đặc một màu đen, từ trang phục người mẫu đến quần áo của khán giả, sàn catwalk...

Thay vì đánh sáng dọc sân khấu như thường lệ, êkíp chọn đánh sáng đa chiều với nhiều góc độ khác nhau. Rất nhiều chiếc đèn được bố trí từ trần nhà lẫn thân các quả cầu, nhằm tôn lên chất liệu trang phục, đồng thời tránh sắc đen bị hòa lẫn vào không gian tối. Nổi tiếng là người cầu toàn, nhà thiết kế yêu cầu tất cả bóng đèn được sử dụng ở sân khấu phải có đui màu đen để thống nhất với ý tưởng show diễn. Chia sẻ với VnExpress, giám đốc sản xuất chương trình Phạm Huy Cận cho biết chi phí riêng cho phần ánh sáng lên tới gần một tỷ đồng.

Một trong những khó khăn khác phải kể đến là xử lý trần nhà. Đỗ Mạnh Cường chia sẻ đây là lần đầu tiên anh phải bọc trần nhà để tạo cho khán giả cảm giác đang ngồi trong một khối hộp hình vuông toàn màu đen tối thui. Chi phí xử lý trần nhà không chỉ tốn kém ở diện tích vải bọc trần mà còn ở việc tháo những chiếc đèn chùm có sẵn trong khán phòng của một trung tâm tiệc cưới. Theo anh Huy Cận, 70 triệu đồng là chi phí cho việc di dời số đèn.

Để có được show diễn chỉn chu, nhà thiết kế cho biết anh cần tới 500 người thực hiện nhiều khâu, từ việc dàn dựng sân khấu đến 110 người mẫu, chuyên gia trang điểm, làm tóc lẫn công nhân thu dọn hậu trường.

Lấy chủ đề về chiếc đầm đen - món đồ bất hủ cần phải có của mọi phụ nữ, show diễn còn gây ấn tượng với bộ sưu tập được chia thành bốn phần nhỏ.

Trong tiếng piano gợi bầu không khí xưa cũ, ảm đạm của Phó An My, lần lượt bốn phần của bộ sưu tập được trình diễn trong hơn một tiếng. 137 mẫu thiết kế hoàn toàn màu đen như tái hiện tuyên ngôn thời trang dành cho phái đẹp trong những thập niên cũ. Câu chuyện về chiếc đầm đen kinh điển của thế giới thăng hoa trong những năm 1930, dưới góc nhìn của Đỗ Mạnh Cường, được kể lại bằng ý tưởng mới mẻ, kết hợp phom dáng cổ điển lẫn xu hướng thịnh hành của làng mốt bây giờ. Đó là trào lưu váy ngủ, cảm hứng vintage với cách xếp tầng vải, thắt nơ, đính hoa ở cổ áo...

Nếu bộ sưu tập mang tính ứng dụng mở màn là các thiết kế nhẹ nhàng, thanh lịch và tối giản, bộ sưu tập váy dành cho nam giới ngay sau đó lại tạo cảm giác độc lạ. Bộ sưu tập dành cho trẻ em nhận được những tiếng cười cùng tràng pháo tay nhờ màn catwalk dễ thương. Từ năm 2014, Đỗ Mạnh Cường bắt đầu ôm giấc mơ phát triển dòng thời trang nhí. Điều này một phần xuất phát từ tình cảm cá nhân, khi Đỗ Mạnh Cường chính thức nhận bé Nhím làm con nuôi.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cùng nàng thơ Lê Thúy (trái) và chàng thơ mới Huy Quang. Ảnh: Kiếng Cận.

Ấn tượng nhất trong đêm diễn là bộ sưu tập mang đậm chất Avant-garde - phong cách yêu thích của anh. Với phom dáng nặng về cấu trúc được xử lý chất liệu đặc biệt, những thiết kế nhằm đưa khán giả đến với tương lai, nơi con người sẽ ăn mặc kỳ quái. Một số người mẫu liên tục trẹo chânở phần trình diễn này bởi những đôi platform gần 25 cm cộng trang phục cồng kềnh, khiến khán giả thót tim. Ở phần này, tông trang điểm được đẩy lên cao trào với những đôi môi thâm loang màu, phụ kiện là vương miện để khẳng định sức mạnh của nữ quyền.

Phần nhạc live đưa đẩy bộ sưu tập thay đổi uyển chuyển trong buổi trình diễn. Đây không phải lần đầu nhà thiết kế sinh năm 1981 sử dụng nhạc live diễn thời trang. Trong show The Muse, anh từng sử dụng dàn nhạc giao hưởng, trong Elle Show, anh cũng từng hợp tác với Phó An My. Lần này, Đỗ Mạnh Cường muốn đem tới một không gian lãng mạn, cổ điển, quý phái với phần âm nhạc mang nhiều cung bậc cảm xúc. 

Nếu ở phần đầu, giai điệu của bản piano khiến nhiều người liên tưởng đến sự huyền bí nhưng không kém phần cổ điển của thành phố trong tương lai, ở phần trình diễn của người mẫu nhí, âm nhạc trở nên tươi vui, sống động. Trong khi đó, phần cuối đẩy kịch tính lên bằng tiếng trống dồn dập của nghệ sĩ Trần Xuân Hòa, contrabass Đỗ Hải Nam. Để có được màn trình diễn hài hòa, người mẫu phải tập luyện hai ngày đến 9h tối để catwalk khớp nhạc.

Không giống những show diễn khác sử dụng hình thức "See Now, Buy Now" (Xem ngay, Mua luôn), The Little BLack Dress của Đỗ Mạnh Cường áp dụng chiêu thức kinh doanh "See Before, Buy Before" (Xem trước, Bán trước show). Nhà thiết kế cho biết, anh đã bán được hàng trăm mẫu đầm từ bộ sưu tập này từ cách đây ba tháng, ngay sau bộ sưu tập Countrysidehồi tháng 6.

"Bán trước show hiệu quả hơn vì qua đó tôi tìm hiểu được những món đồ nào đang được nhiều người thích, từ đó định hướng bộ sưu tập tốt hơn. Và để ngay sau khi trình diễn xong, tôi bán được đồ nhiều hơn, đồng thời khách hàng có thể sở hữu các món đồ nhanh nhất", Đỗ Mạnh Cường chia sẻ.


EmoticonEmoticon