Vì sao người châu Á kiêng viết tên người bằng bút mực đỏ?

Người dân các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… rất kỵ viết tên người bằng mực đỏ, có nhiều lý do khiến người ta tin vào quan niệm này.

Khác với ở các nước phương Tây coi màu đen là chết chóc, nhiều nước châu Á quan niệm màu đỏ mới là đại diện của điều này. Do màu đỏ tượng trưng cho máu, nên màu mực đỏ từ cây bút viết chẳng khác nào là sự thể hiện của máu, là dấu hiệu của đau đớn và chết chóc.

Đặc biệt trong văn hóa Trung Quốc trước đây, tên của tội phạm tử hình được viết bằng máu gà, và sau này thay bằng mực đỏ. Trong văn hoá Nhật Bản, viết tên người khác bằng bút mực đỏ cũng là điều cấm kỵ, cũng bởi cho rằng màu mực đỏ là nhắc nhở đã đến lúc một người sắp hết thời gian sống. Và không chỉ với người, quan niệm này áp dụng cho cả các nhóm, tổ chức, chẳng hạn các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản nếu trong tình trạng sắp sửa phá sản thì tên chủ doanh nghiệp hay tên công ty cũng có thể bị viết bằng mực đỏ. 

Do quan niệm màu đỏ thể hiện cái chết nên ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, khi một người được đem chôn, tên của người đó trên bia mộ sẽ được đồ lại bằng mực đỏ. (Ảnh: Internet)

Còn ở Hàn Quốc, khi ai đó qua đời, tên của họ thường được gia đình biên bằng mực đỏ với niềm tin làm như vậy sẽ xua đuổi được tà ma; với người đang sống, việc ghi tên bằng mực đỏ sẽ đảo ngược tác dụng này. Do vậy, người ta luôn tránh dùng mực đỏ cho tên người, chỉ trừ trường hợp dùng mộc hay con dấu để tránh bị coi là nguyền rủa người khác.

Không chỉ thế, màu đỏ cũng là màu thể hiện sự hung hăng, xung đột nên vào thời xưa, nếu các Samurai muốn tử chiến với ai đó, họ sẽ viết tên kẻ thù bằng mực đỏ trong thư khiêu chiến; ở thời nay, việc làm này có thể tượng trưng cho việc muốn cắt đứt liên lạc.

Bên cạnh các quan niệm ấy thì thực tế, trong cuộc sống thường ngày hiện nay, mực đỏ cũng thường liên quan đến các yếu tố không tích cực, bút đỏ thường chỉ dùng để sửa các lỗi sai nên nếu dùng trong những trường hợp khác dễ tạo cảm giác khó chịu, thậm chí có thể khiến một số người cảm thấy không được tôn trọng.

(Ảnh: Internet)

Tất nhiên với những chuyện thiên về tâm linh, quan niệm thì sẽ có người tin và người không, nhưng như nhiều người vẫn nói, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và tốt nhất vẫn nên tôn trọng niềm tin của người khác, nhất là khi bạn đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…


EmoticonEmoticon