Các nhà khoa học không nhìn thấy Hành tinh thứ 9 mà họ chỉ phán đoán sự tồn tại của nó dựa trên mối nguy hiểm với Hệ Mặt trời.
Hành tinh thứ 9 được cho là tồn tại ở rìa ngoài của Hệ Mặt trời và là tác nhân gây ra sự co cụm kỳ lạ của các vật thể ở Vành đai Kuiper, cũng như khiến các vật thể này di chuyển bất thường trên quỹ đạo quanh mặt trời. Vành đai Kuiper gồm những thiên thể ở ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương.
Gần đây, Konstantin Batygin và Mike Brown của Viện Công nghệ California cùng nghiên cứu viên Elizabeth Bailey công bố thêm một luận điểm bổ sung cho giả thiết này. Họ, những người dự đoán sự tồn tại của Hành tinh thứ 9, cho rằng có thứ gì đó làm Hệ Mặt trời "rung lắc".
"Hành tinh thứ 9 rất lớn và nó có quỹ đạo nằm nghiêng so với các hành tinh khác. Hệ Mặt trời không có cách nào khác là bị vặn ra khỏi thế thẳng hàng của nó", Washington Post dẫn lời bà Bailey cho biết.
Hành tinh thứ 9 được cho nằm rất xa Mặt trời và to gấp 10 lần trái đất. Ảnh: Viện Công nghệ California .
Tuy nhiên, hiện Hành tinh thứ 9 vẫn chỉ là một giả thiết, sau khi các nhà khoa học không tìm được cách lý giải nào khác cho một số sự xáo trộn ở Hệ Mặt trời.
Giả thiết này được đánh giá cao. Khi Batygin và Brown lần đầu tiên công bố phỏng đoán của họ, nhà nghiên cứu các hành tinh Alessandro Morbidelli của Đài quan sát Nice (Pháp) nói rằng ông "không thể tìm thấy cách giải thích nào khác với giả thiết kể trên".
"Họ sẽ tìm ra nó. Vấn đề chỉ là thời gian thôi", Morbidelli nhận định.
Công trình nghiên cứu của Bailey dựa trên quan sát rằng Mặt trời xoay quanh một trục riêng, khác với trục quỹ đạo của các hành tinh. Sao Thủy, Sao Kim, Trái đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương đều quay quanh Mặt trời trên một mặt phẳng chung. Trạng thái này giống như người ta trượt trên cùng một sân băng. Mặt phẳng này nghiêng 6 độ so với Mặt trời, nên Mặt trời trông như nằm nghiêng từ góc nhìn ở Trái đất.
Các hành tinh trong Hệ Mặt trời đều nằm trên một mặt phẳng nghiêng 6 độ so với Mặt trời. Ảnh: National Geographic.
Theo các tính toán ban đầu của hai nhà khoa học trên, Hành tinh thứ 9 nặng gấp 10 lần Trái đất và cách xa gấp 20 lần khoảng cách từ Mặt trời đến Sao Thổ. Một chu kỳ quay quanh Mặt trời của Hành tinh thứ 9 sẽ mất 10.000 đến 20.000 năm.
Quỹ đạo của Hành tinh thứ 9 so nghiêng đến 30 độ so với Mặt trời. Động lượng của hành tinh này, xét vị trí ở xa và kích cỡ lớn, sẽ làm Hệ Mặt trời mất cân bằng.
"Quỹ đạo của Hành tinh thứ 9 rất lớn, nó có thể dễ dàng vặn xoắn các hành tinh ở trong", Batygin nói với tạp chí Astronomy.
Tuy nhiên, vì Hành tinh thứ 9 ở rất xa, các nhà khoa học sẽ phải đợi một thời gian nữa để công nghệ kính thiên văn có thể soi được hành tinh này.
Hành tinh thứ 9 được dự đoán có thể cách Mặt trời khoảng 200 đơn vị thiên văn vào lúc nó đến gần Mặt trời nhất, và 1.200 đơn vị thiên văn vào thời điểm xa nhất. Một đơn vị thiên văn (AU) được tính bằng khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời.
Trong số 8 hành tinh đã biết của Hệ Mặt trời, hành tinh nằm ngoài cùng là Sao Hải Vương, nằm trên quỹ đạo chỉ cách Mặt trời 30 đơn vị thiên văn. Sự có mặt của Hành tinh thứ 9, với khoảng cách và độ lớn như vậy, có thể là tác nhân khiến 8 hành tinh khác không quay quanh một trục chung với trục quay của Mặt trời.
EmoticonEmoticon